Các Phó Trưởng ban gồm: Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình (Phó Trưởng ban Thường trực); Bí thư Thành ủy TPHCM; Bộ trưởng KH&ĐT; Bộ trưởng Tài chính; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Bí thư Thành ủy TP Đà Nẵng.
Các ủy viên gồm: Lãnh đạo Bộ KH&ĐT (Ủy viên thường trực); Chủ tịch UBND TPHCM, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng; lãnh đạo các Bộ: Tài chính, Công Thương, Nội vụ, Quốc phòng, Công an, TT&TT, TN&MT, Tư pháp; lãnh đạo các Cơ quan: TAND tối cao, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Văn phòng Chính phủ.
Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo định hướng và chiến lược phát triển Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế; chỉ đạo việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách áp dụng trong Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế để đảm bảo tính xuyên suốt và nhất quán theo đúng định hướng của Bộ Chính trị; chỉ đạo việc thành lập và hoạt động của tổ chức bộ máy quản lý, điều hành trong Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.
Đồng thời, chỉ đạo công tác bố trí, huy động nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế; chủ trì và tổ chức các hoạt động hợp tác, tham vấn và trao đổi với các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế về xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam...
Trưởng Ban Chỉ đạo, các Phó Trưởng Ban Chỉ đạo và các Ủy viên Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.
Ban Chỉ đạo làm việc theo nguyên tắc tập trung, dân chủ, thảo luận công khai, đảm bảo sự chỉ đạo thống nhất, đề cao trách nhiệm của Trưởng Ban Chỉ đạo. Trưởng Ban Chỉ đạo là người quyết định cuối cùng đối với các vấn đề của Ban Chỉ đạo. Các Phó Trưởng Ban Chỉ đạo được quyết định một số vấn đề cụ thể theo phân công, ủy quyền của Trưởng Ban Chỉ đạo. Các Ủy viên Ban Chỉ đạo chịu trách nhiệm triển khai công việc được phân công và chủ động chỉ đạo cơ quan chức năng triển khai các nhiệm vụ thuộc ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước được giao.
Bộ KH&ĐT là Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo; có trách nhiệm tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của Ban Chỉ đạo.
Trước đó tại thông báo ngày 15/11/2024, Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương thành lập trung tâm tài chính quốc tế toàn diện tại TPHCM và trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng.
Theo kết luận của Bộ Chính trị, trung tâm tài chính được áp dụng cơ chế quản lý đặc thù, vượt trội hơn so với quy định hiện hành, mang tính cạnh tranh, nhưng phải kèm theo các cơ chế giám sát, quản lý rủi ro phù hợp; vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không nóng vội nhưng cũng không cầu toàn, để mất thời cơ; kiên quyết từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm".
Về áp dụng các chính sách xây dựng trung tâm tài chính và lộ trình triển khai, Bộ Chính trị đồng ý chủ trương từ nay đến năm 2030, ban hành và tổ chức thực hiện ngay 8 nhóm chính sách phù hợp với thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện Việt Nam và cần áp dụng ngay. Đồng thời thí điểm 6 nhóm chính sách thông dụng tại các trung tâm tài chính lớn trên thế giới, nhưng cần có lộ trình áp dụng để phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam.
Từ năm 2030 - 2035, tổ chức thực hiện đầy đủ theo lộ trình các nhóm chính sách thông dụng tại những trung tâm tài chính lớn trên thế giới, phù hợp với điều kiện thực tế Việt Nam.
Lộ trình khung này mang tính chất định hướng; quá trình thực hiện cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhanh nhất có thể, nếu thời cơ thuận lợi, điều kiện đã chín muồi, thì có thể làm ngay, nhanh hơn các bước tiếp theo, không chờ theo thứ tự.