- Ghi nhận những ý kiến đóng góp của kiều bào đối với TP.HCM rất tâm huyết, đầy trách nhiệm, Thủ tướng yêu cầu các ban ngành phải ghi lại đầy đủ, nghiên cứu, có kế hoạch triển khai phù hợp.

Chiều 12/11, phát biểu trước 500 kiều bào về dự Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài năm 2016 tại TP.HCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói vô cùng xúc động và ấm cúng khi đứng trước bà con kiều bào - những người con của dân tộc VN.

{keywords}
Thủ tướng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Cổng thông tin CP   

"Dù ở xa Tổ quốc nhưng huyết thống dân tộc vẫn không ngừng chảy, trái tim kiều bào hướng về đất nước luôn thủy chung, không bao giờ thay đổi" – Thủ tướng nói và gửi lời thăm hỏi ân cần tới các đại biểu và kiều bào khắp nơi trên thế giới.

Thủ tướng đánh giá cao các phát biểu, tham luận của các kiều bào, trong đó có nhiều ý kiến sâu sắc, kiến nghị mới, sáng tạo thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm và tâm huyết của kiều bào ta đối với các vấn đề lớn của TP.HCM như ngập lụt, ách tắc giao thông, xây dựng thí điểm thành phố khởi nghiệp, thành phố thông minh…cũng như các vấn đề chiến lược của đất nước về phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực, khuyến khích đầu tư…

“Tối qua, tôi đã đọc một số bài tham luận và thực sự cảm kích, ghi nhận mọi tâm huyết, trí tuệ của bà con, đóng góp ý tưởng thiết thực đối với các vấn đề mà đất nước và Thành phố Hồ Chí Minh đang ngày đêm trăn trở”, Thủ tướng chia sẻ.

Thủ tướng cũng cho biết ông xúc động khi nghe các câu chuyện khởi nghiệp ở Việt Nam của kiều bào, đặc biệt là câu chuyện của TS. Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch Hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, dù đã trên 60 tuổi, nhưng vẫn quay lại Việt Nam khởi nghiệp một lần nữa. 

“Tôi biết đằng sau ý tưởng khởi nghiệp đó, là cả một tấm lòng sâu nặng với quê hương, đất nước, đồng bào mình”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng đề nghị Bộ Ngoại giao và TP.HCM chọn lọc, ghi chép cẩn thận những ý kiến của bà con kiều bào để bàn thảo sâu hơn, đề xuất các chương trình nghiên cứu, kế hoạch triển khai phù hợp.

{keywords}

Thủ tướng nhận quà kỷ niệm từ các kiều bào gửi tặng

Thủ tướng khẳng định, sự hiện diện của kiều bào hôm nay tại TP.HCM đã khẳng định rằng tiềm năng, nguồn lực phát triển của đất nước không chỉ nằm trong dải đất hình chữ S mà còn ở rất nhiều nơi trên hành tinh này.

"Có thể nói, ở đâu có người Việt Nam thì ở đó có Việt Nam. Đất nước luôn chào đón những người con của dân tộc trở về, đem theo tấm lòng, hoài bão, ý tưởng, nguồn lực, để đóng góp vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc" – Thủ tướng chia sẻ.

Để thực hiện được các mục tiêu phát triển chung của đất nước và “đầu tàu” TP.HCM cần phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó có cả cộng đồng 4,5 triệu kiều bào ta ở nước ngoài.

{keywords}
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ân cần thăm hỏi kiều bào

Thủ tướng kêu gọi đồng bào ta ở nước ngoài, tùy vào khả năng, điều kiện của mình, cùng chung sức đóng góp xây dựng TP.HCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

"Mỗi kiều bào hãy là một đại sứ VN trong mắt bạn bè quốc tế, đồng thời hướng về quê hương bằng những hành động thiết thực, phù hợp" – Thủ tướng mong muốn.

Vị giáo sư “100% nước mắm”

Là một người theo gia đình rời Việt Nam sang Mỹ từ khi mới 5 tuổi, bà Kiều Linh Caroline Valverde hiện là GS giảng dạy tại Đại học UC Davis.

Tham luận của bà Linh nói về tiềm năng phát triển của VN, TP.HCM và vai trò của kiều bào trong giới thiệu văn hóa Việt ra nước ngoài.

{keywords}

Bà Kiều Linh Caroline Valverde “tôi 100% người Mỹ nhưng cũng 100% nước mắm”.

Bà Linh chia sẻ rằng khi còn là thanh niên, bà không biết một từ tiếng Việt nào và hoàn toàn mù mịt về nơi mình sinh ra.

Vào đại học, dù xác định mình là người Mỹ nhưng không hiểu sao bà vẫn thấy khác với bạn bè xung quanh.

Và cách đây 23 năm, bà Linh về Việt Nam để học tiếng Việt. Đặt chân tới Hà Nội - một nơi rất xa lạ nhưng bà Linh lại có cảm thấy con người, từng đường, góc phố rất thân quen.

Và từ đó, bà Linh nhiều lần trở về Việt Nam. Thời gian ở nơi mình sinh ra đã giúp bà có những trải nghiệm về quê hương và hoàn thành đề tài nghiên cứu, viết sách về Việt Nam.

Bà Linh cũng đã giảng dạy cho nhiều thanh niên có quá khứ giống bà, giúp họ hiểu hơn về quê hương, con người Việt Nam. Đồng thời bà giúp những sinh viên Việt Nam qua Mỹ du học.

“Nhiều người hỏi tôi là người Mỹ hay người Việt Nam, tôi trả lời mình 100% người Mỹ nhưng cũng 100% nước mắm” – bà Linh hóm hỉnh.

Cũng theo nữ GS này, nếu có một chính sách tốt sẽ kêu gọi người Việt Nam khắp mọi nơi xây dựng đất nước tươi sáng hơn, trở thành ngôi sao sáng trong cộng đồng thế giới.

Tại hội nghị, ngoài ý kiến của bà Kiều Linh, còn có ý kiến tham luận của các đại biểu kiều bào như ông Hoàng Tuấn, GS Đại học công nghệ Sydney; ông Nguyễn Đức Khương, GS TS Trưởng khoa kinh tế tài chính Học viện Quản lý và Quản trị kinh doanh Paris, Chủ tịch Hội khoa học và chuyên gia tại Pháp; ông Nguyễn Đỗ Dũng, chuyên gia về quy hoạch đô thị, Singapore...

Các tham luận tập trung nêu lên những giải pháp phát triển TPHCM một cách bền vững, bước đầu là các giải pháp xây dựng thành phố thông minh bằng các ứng dụng thông minh, giải pháp huy động nguồn lực của kiều bào trong đó có nguồn lực tri thức và chất xám.

50 tỉ USD kiều hối về TP.HCM trong 23 năm

Ông Sử Ngọc Anh – GĐ Sở Kế hoạch Đầu tư TP.HCM cho hay, suốt nhiều năm qua, kiều bào đã tích cực thành lập nhiều doanh nghiệp và tổ chức đầu tư vào nhiều công trình dự án phát triển kinh tế xã hội.

TP hiện có trên 6.400 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư, kể cả cấp mới và tăng vốn là 40,9 tỉ USD, trong đó có 122 dự án đầu tư của kiều bào với vốn đầu tư trên 260 triệu USD.

Cũng theo ông này, lượng kiều hối về nước cho thân nhân tăng hàng năm. Thống kê của Ngân hàng nhà nước chi nhánh TP.HCM cho thấy, số lượng kiều hối chuyển về TP thông qua ngân hàng và tổ chức kinh tế làm dịch vụ chi trả kiều hối năm 1993 đến cuối 2015 là khoảng 50 tỉ USD.

Những năm gần đây, lượng kiều hối của Việt Nam luôn đứng đầu trong nhóm 10 nước cao nhất trên thế giới, trong đó kiều hối của TP chiếm 45-55% lượng kiều hối cả nước.

Văn Đức