Trước khi rời Bắc Kinh, kết thúc chuyến thăm chính thức Trung Quốc thành công tốt đẹp, chiều 28/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu Việt Nam đến thăm và khảo sát khu mới Hùng An thuộc tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc.
Bí thư Tỉnh ủy Hà Bắc Nghê Nhạc Phong giới thiệu và trao đổi với Thủ tướng Phạm Minh Chính về quy hoạch, triển khai cũng như những kinh nghiệm trong quá trình biến khu mới Hùng An thành hiện thực.
XEM VIDEO:
Mô hình Việt Nam cần tham khảo
Sau khi xem video giới thiệu và sa bàn quy hoạch tổng thể khu mới Hùng An, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khảo sát công trình xây dựng ga Hùng An và trung tâm thương mại quốc tế Hùng An; thăm Định An Các và các khu vực khác trong khu mới Hùng An.
Bí thư Tỉnh ủy Hà Bắc Nghê Nhạc Phong cho biết, khu mới Hùng An được xây dựng mới hoàn toàn, có diện tích 1.770km2, bắt đầu được xây dựng từ năm 2017.
Đến nay, cơ sở hạ tầng của khu Hùng An đã và đang được đầu tư, xây dựng đồng bộ, hiện đại; các tuyến đường sắt, đường bộ cao tốc kết nối thuận tiện; các cơ sở giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, các trung tâm thương mại, tài chính, các khu cao ốc văn phòng và dành cho dân cư đã và đang được xây dựng hiện đại và khống chế về mật độ, độ cao.
Với việc sử dụng cơ sở hạ tầng công nghệ mới, vật liệu mới và năng lượng mới, phù hợp với phát triển kinh tế số, xã hội số, Hùng An sẽ trở thành một thành phố thông minh kiểu mẫu.
Để phát triển nơi đây thành một thành phố xanh, Trung Quốc đã đầu tư trồng hàng chục triệu cây xanh; các sông, hồ, mặt nước được sạch hóa. Đến hết năm 2022, khu mới Hùng An đã đón hơn 1,3 triệu người dân đến sinh sống, làm việc.
Đánh giá cao tầm nhìn chiến lược của Trung Quốc và cá nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình trong việc xây dựng khu mới Hùng An, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng vì là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên được mời thăm khu mới Hùng An.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cho rằng, Hùng An giải quyết được 3 căn bệnh cơ bản mà các đô thị lớn thường gặp là: Quá tải về hạ tầng; ô nhiễm môi trường sống; thiếu nhà ở và điều kiện sinh hoạt đủ tiêu chuẩn cho người dân.
Sau khi nghe giới thiệu về việc lựa chọn địa điểm, công tác quy hoạch, cơ chế huy động nguồn lực, nhất là nguồn lực ngoài xã hội phục vụ xây dựng khu mới Hùng An, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ ấn tượng với việc khai thác tối đa nguồn lực lòng đất để phát triển hạ tầng, cũng như việc xanh hóa khu mới Hùng An.
Thủ tướng cho rằng đây là mô hình mà Việt Nam cần tham khảo trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước và tin tưởng Hùng An sẽ là hình mẫu trong phát triển, góp phần cùng Trung Quốc thực hiện thắng lợi mục tiêu 100 năm thứ 2 là xây dựng thành cường quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại, giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa và tươi đẹp.
Chi hàng tỷ USD kiến tạo "thành phố của tương lai"
Khu mới Hùng An được Trung Quốc chi hàng tỷ USD xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy động lực phục hồi kinh tế quốc gia và ổn định thị trường việc làm sau đại dịch Covid-19.
Sau 6 năm triển khai thực hiện, đến nay khu mới Hùng An đã "nên hình nên dáng" với nhiều tòa nhà cao tầng, đường xá khang trang, công viên, hồ nước hữu tình.
Theo quy hoạch, nơi đây sẽ mọc lên nhiều tòa nhà cao tầng đến 150m, đồng thời sẽ có những khu chỉ có những tòa nhà cao tối đa 45m.
Trung Quốc định hướng phát triển khu này trở thành một thành phố hiện đại xanh, thông minh và đáng sống, với khả năng cạnh tranh tương đối mạnh, sự tương tác hài hòa giữa con người - môi trường vào năm 2035.
Khu mới Hùng An cũng là nơi thí điểm cấp quốc gia về đổi mới sáng tạo và phát triển nền kinh tế kỹ thuật số. Hùng An sẽ sử dụng cơ sở hạ tầng mới để tạo điều kiện tích hợp dữ liệu lớn (big data), Internet vạn vật, mạng 5G, vật liệu mới và năng lượng mới.
Đây cũng là nơi đặt trụ sở của văn phòng chính phủ, viện nghiên cứu, trường học, bệnh viện, được di dời từ Bắc Kinh, nhằm giảm áp lực ngày càng tăng cho thủ đô.
Trung Quốc kỳ vọng Hùng An đóng góp vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của hành lang Bắc Kinh - Thiên Tân - Hà Bắc.
Khu vực này sẽ trở thành một trọng điểm kinh tế ở miền bắc Trung Quốc, tương tự đồng bằng sông Châu Giang ở phía nam, gần Thâm Quyến và Hồng Kông, hay đồng bằng sông Dương Tử ở phía đông, xung quanh Thượng Hải.
Thu Hằng (từ Hùng An, Hà Bắc, Trung Quốc)