Sáng 11/7, tại La Haye, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp gỡ với các DN và nhà đầu tư Hà Lan đang có mong muốn tìm kiếm các cơ hội đầu tư tại Việt Nam.
Buổi làm việc do Quỹ Đầu tư Vinacapital tổ chức với sự tham gia của đại diện các bộ, ngành liên quan của Việt Nam cùng các công ty lớn của Hà Lan trong các lĩnh vực: quản lý đầu tư; xăng dầu; môi giới chứng khoán và tư vấn tài chính.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ một số DN của Hà Lan. Ảnh: TTXVN
|
Tại buổi làm việc, các DN, nhà đầu tư Hà Lan đã đánh giá những nhân tố chính giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt là do những chính sách của Chính phủ ưu tiên phát triển bền vững trên nền tảng ổn định về chính trị, xã hội. Chính phủ Việt Nam ưu tiên và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài đến làm ăn tại Việt Nam. Cùng với đó Việt Nam là một quốc gia có thị trường rộng lớn gần 100 triệu dân và giàu tiềm năng phát triển.
Các nhà đầu tư Hà Lan đã đưa ra nhiều câu hỏi liên quan đến chính sách của Chính phủ đối với việc định hướng phát triển các lĩnh vực thiết yếu của nền kinh tế như: Năng lượng, tài chính, doanh nghiệp nhỏ và vừa, quỹ đầu tư. Đồng thời, các nhà đầu tư cho biết có ý định đầu tư hoặc mở rộng đầu tư tại Việt Nam và bày tỏ mong muốn nhận được sự hỗ trợ của Thủ tướng, Chính phủ và các cơ quan chức năng của Việt Nam.
Phát biểu tại buổi gặp gỡ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thông tin đến các nhà đầu tư những chỉ số phát triển trụ cột, những đặc điểm chính của nền kinh tế Việt Nam và khẳng định: “Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư Hà Lan tới đầu tư tại Việt Nam".
Thủ tướng cho biết Việt Nam là một nền kinh tế mở với tổng giá trị xuất khẩu lên đến 400 tỷ USD; Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng hơn 160 tỷ USD. Việt Nam đạt mức tăng trưởng bình quân trên 6% trong 30 năm qua và năm nay có thể chạm mức 6,7%.
Cùng với đó, Việt Nam đang tiếp tục minh bạch hóa hệ thống pháp luật với tính thị trường ngày một mạnh mẽ hơn. Hệ thống pháp luật về đầu tư nước ngoài của Việt Nam ngày càng thông thoáng, vì vậy, đến nay đã thu hút được 23.600 dự án FDI với tổng giá trị trên 320 tỷ USD vốn đầu tư. Luật pháp Việt Nam coi FDI là 1 bộ phận của kinh tế trong nước. Tất cả các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới đều quan tâm, đầu tư vào Việt Nam, trong đó có Hà Lan với những thương hiệu toàn cầu đều đã có mặt tại Việt Nam.
Thủ tướng khẳng định: “Chính phủ coi thành công của các nhà đầu tư nước ngoài như thành công của Chính phủ Việt Nam".
Ảnh: TTXVN
|
Thủ tướng cũng cho biết đến nay, Việt Nam đã ký kết 12 hiệp định thương mại tự do với các quốc gia thuộc nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và chuẩn bị ký hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).
Thủ tướng cho rằng “Một làn sóng đầu tư đang đến với Việt Nam” và nêu rõ thị trường chứng khoán của Việt Nam đang đạt mức cao nhất trong 9 năm qua với giá trị hơn 100 tỷ USD.
Theo đánh giá của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam là quốc gia thực hiện nghiêm túc nhất các quy định của WTO kể cả những lĩnh vực nhạy cảm như viễn thông, tài chính, ngân hàng.
Trả lời câu hỏi của ông Tony Chan, đồng sáng lập của Pacific Spring - công ty tư vấn chuyên hỗ trợ các quỹ đầu tư châu Á tiếp cận với khách hàng châu Âu về những hoạt động hỗ trợ đầu tư, khuyến khích đầu tư của Chính phủ Việt Nam đối với các doanh nghiệp nước ngoài trong đó có Hà Lan, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các Quỹ đầu tư tư nhân. Hà Lan và Việt Nam là đối tác chiến lược trong hợp tác về ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong chuyến thăm Hà Lan lần này, Chính phủ hai nước đã ký những Hiệp định hợp tác quan trọng về vấn đề này; đây là tiền đề thuận lợi để doanh nghiệp Hà Lan đầu tư, hợp tác với DN Việt Nam."
Khẳng định mục tiêu cao nhất của Chính phủ là nâng cao đời sống, bảo vệ quyền và lợi ích của người dân và doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ Chính phủ Việt Nam định hướng phát triển theo mô hình Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp và người dân trong nước và nước ngoài đến Việt Nam làm ăn, đầu tư. Chính phủ Việt Nam bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người nước ngoài, nhà đầu tư đến với Việt Nam.
Cũng tại buổi làm việc, đại diện các bộ, ngành của Việt Nam đã giải đáp một số câu hỏi của các nhà đầu tư liên quan đến chính sách thúc đẩy hợp tác doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa; chủ trương khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo trong bối cảnh nhu cầu cao của nền kinh tế trên đà tăng trưởng mạnh; định hướng của Chính phủ phát triển khoa học công nghệ thích ứng với cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Philipp Roesler, Giám đốc điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF). Ảnh: /TTXVN
|
Trước đó, tối 10/7, tại thành phố La Haye, Hà Lan, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Giám đốc điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Philipp Roesler.
Tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao ông Philipp Roesler đã có nhiều đóng góp tích cực vào thúc đẩy hợp tác Việt Nam-WEF và đề nghị ông P.Roesler quan tâm thúc đẩy các doanh nghiệp WEF và châu Âu tăng cường hợp tác đầu tư, kinh doanh với Việt Nam để tranh thủ cơ hội của FTA Việt Nam- EU.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị WEF phối hợp sớm xây dựng kế hoạch triển khai Thỏa thuận hợp tác giữa Việt Nam và WEF, trong đó tập trung hỗ trợ Việt Nam thực thi hiệu quả các FTA, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và nguồn nhân lực để tiếp cận nhanh với Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị WEF phối hợp với Việt Nam lựa chọn chủ đề, nội dung, cải tiến, đổi mới phương thức tổ chức để nâng cao hiệu quả và ý nghĩa của Hội nghị WEF ASEAN 2018 tại Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh và cảm ơn ông Giám đốc điều hành WEF đã nhận lời dự Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC và Hội nghị Thượng đỉnh Kinh tế Việt Nam tại Đà Nẵng tháng 11/2017.
Trao đổi với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông Philipp Roesler nhấn mạnh WEF luôn coi trọng hợp tác với Việt Nam; đánh giá cao vị thế, tiềm năng phát triển của Việt Nam và nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; khẳng định sẽ phối hợp triển khai hiệu quả Thỏa thuận hợp tác với Việt Nam cũng như chuẩn bị tốt để tổ chức thành công Hội nghị WEF ASEAN 2018 tại Việt Nam.
Ông Roesler cam kết sẽ tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm và thúc đẩy hợp tác quảng bá kinh tế Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Thay mặt Chủ tịch sáng lập WEF, ông Philipp Roesler mời Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị thường niên WEF tại Davos, Thụy Sĩ vào tháng 1/2018.
Thủ tướng Hà Lan muốn hợp tác sâu sắc hơn với Việt Nam
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Mark Rutte đã hội đàm, đánh giá tổng thể quan hệ song phương thời gian gần đây.
Cựu Phó TT Đức gốc Việt 'quảng bá' VN qua WEF
Cựu Phó TT Đức gốc Việt Philipp Rosler nay là giám đốc điều hành WEF đến VN trao đổi về diễn đàn kinh tế toàn cầu lớn nhất thế giới tổ chức tại VN.
Thủ tướng thăm trường đại học tốt nhất Hà Lan
Thủ tướng đã tới thăm Đại học Wageningen và Trung tâm Nghiên cứu (WUR), được một số tổ chức quốc tế xếp hạng là đại học tốt nhất Hà Lan.
Gặp Thủ tướng bên lề G20, Tổng thống Mỹ khẳng định sẽ thăm VN
Bên lề Thượng đỉnh G20, Thủ tướng có các cuộc gặp với Chủ tịch TQ Tập Cận Bình, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và một số nhà lãnh đạo khác.
Thủ tướng dự hội nghị Thượng đỉnh G20
Phát biểu tại hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Đức, Thủ tướng đã đưa ra thông điệp mạnh mẽ về tầm quan trọng của tăng cường hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu.
Thủ tướng hội đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng CHLB Đức Angela Merkel tại Hamburg, nơi tổ chức Hội nghị G20.
Theo TTXVN