Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý cho sử dụng tài khoản viễn thông để thanh toán dịch vụ nội dung số. |
Ngày 15/1/2019, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019. Tại hội nghị này, Bộ TT&TT đề ra nhiều giải pháp để đưa lĩnh vực ICT vào mọi ngõ ngách của đời sống và làm động lực phát triển kinh tế hướng đến mục tiêu Việt Nam hùng cường. Đề cập đến vấn đề thanh toán điện tử, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ sẽ thí điểm mobile money, cho phép khách hàng chuyển tiền, mua sắm thông qua tài khoản viễn thông sẽ giúp thanh toán điện tử đến được mọi người dân, dù ở bất kỳ đâu, sẽ kích thích kinh tế tăng trưởng. Đồng thời, Bộ TT&TT đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán các dịch vụ có giá trị nhỏ.
Theo đó, tài khoản viễn thông đang dùng để thanh toán các dịch vụ viễn thông và các dịch vụ giá trị gia tăng trên nền mạng viễn thông. Tài khoản viễn thông có vùng phủ xấp xỉ 100% dân số trong khi tài khoản ngân hàng chỉ có độ phủ 30-40%. Do đó, bằng cách này chúng ta có thể triển khai ngay thanh toán điện tử trên phạm vi cả nước, tránh được nguy cơ các đối tác nước ngoài vào Việt Nam chiếm lĩnh thanh toán điện tử. Chỉ cần Chính phủ cho phép thì chỉ ngay ngày hôm sau ngân hàng điện tử có thể phủ tới 100% dân.
Phát biểu tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2019 của Bộ TT&TT, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ đồng ý cho sử dụng tài khoản viễn thông thanh toán hàng hóa có giá trị nhỏ, ít nhất cho một doanh nghiệp viễn thông thí điểm phương thức này. Ngân hàng và hệ thống viễn thông cùng tham gia thanh toán điện tử nhỏ lẻ ở một số lĩnh vực.
"Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu ở Hội nghị ASEM rằng, 84% giao dịch ở Trung Quốc là qua thanh toán điện tử, nhưng Việt Nam thì ngược lại. Ông chủ Alibaba một năm kiếm vài chục tỷ USD nhờ sớm làm thanh toán điện tử. Do đó, Việt Nam phải nhanh chóng triển khai để tránh tiêu cực, nhất là triển khai về địa phương các vùng sâu vùng xa" Thủ tướng nói.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh, Bộ TT&TT trình Chính phủ cho phép dùng tài khoản viễn thông thanh toán dịch vụ nội dung số, nhà mạng và công ty nội dung số nạp tiền chung tài khoản viễn thông, đây là điểm quan trọng được đề cập Nghị quyết 02 đã đề cập mạnh mẽ.
Giữa năm 2018, tại buổi làm việc giữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với Bộ TT&TT vào sáng ngày 8/9/2018, Viettel, MobiFone, VNPT đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép mở lại kênh thanh toán thẻ cào viễn thông để nạp tiền cho các dịch vụ nội dung số. Ông Tào Đức Thắng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel đề nghị Chính phủ và Bộ TT&TT sớm có chính sách cho phép các doanh nghiệp viễn thông tham gia vào các khâu trong thanh toán điện tử. Ông Phạm Đức Long, Tổng giám đốc VNPT đề nghị Chính phủ cần sớm có chính sách cho doanh nghiệp viễn thông tham gia vào lĩnh vực thanh toán điện tử. Trên thế giới đã thúc đẩy thanh toán không tiền mặt từ rất lâu, ở Việt Nam triển khai khá chậm, bởi vì để thanh toán không dùng tiền mặt thì người dân cần có tài khoản ngân hàng, việc phổ cập dịch vụ ngân hàng tới 100% dân số là khá khó khăn. Trong khi các nhà mạng có kênh thẻ cào phủ rất rộng, nếu sử dụng tài khoản viễn thông để thanh toán một số dịch vụ sẽ tiện lợi. Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Chủ tịch MobiFone, đề nghị cần có hành lang chính thức để cho các doanh nghiệp khác sử dụng thẻ cào viễn thông trong thanh toán. Các dịch vụ cốt lõi viễn thông đang chững lại và giảm xuống trong mấy năm gần đây, các nhà mạng đang trông chờ vào phát triển sang nội dung số và CNTT.
Như vậy, với việc Thủ tướng đồng ý cho sử dụng tài khoản viễn thông để thanh toán dịch vụ nội dung số và thanh toán hàng hóa có giá trị nhỏ được xem là cơ hội cho các doanh nghiệp nội dung số phát triển sau một thời gian điêu đứng vì bị "giới nghiêm" sau vụ đánh bạc nghìn tỷ qua mạng bị phanh phui. Quyết định này của Thủ tướng cũng sẽ thúc đẩy thanh toán điện tử ở Việt Nam cho hầu hết những người dân chỉ với chiếc điện thoại di động mà không cần có tài khoản ngân hàng. Đây cũng là cơ hội cho các nhà mạng nhảy vào lĩnh vực Fintech vốn được cho là rất tiềm năng tại Việt Nam.