Chiều nay, theo giờ Việt Nam, tại Thủ đô Berlin (CHLB Đức), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp gỡ, đối thoại với một số doanh nghiệp hàng đầu của Đức trong nhiều lĩnh vực như công nghệ thông tin, tài chính, y tế, nông nghiệp, công nghiệp công nghệ cao…
Tại cuộc gặp, Thủ tướng đã thông tin về điểm đến đầu tư hấp dẫn Việt Nam, với kinh tế tăng trưởng nhanh, vĩ mô ổn định, môi trường đầu tư kinh doanh đang được Chính phủ cải thiện ngày càng thuận lợi. Cùng với việc chuyển dịch tăng trưởng kinh tế sang các ngành có giá trị gia tăng cao, Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, phấn đấu thuộc nhóm đứng đầu ASEAN về môi trường kinh doanh.
‘Nếu có cả một ngày, tôi sẽ giải đáp hết’
Nhấn mạnh Đức là một trong những đối tác ưu tiên của Việt Nam trong bối cảnh công nghiệp lần thứ 4, Thủ tướng cho biết có nhiều doanh nghiệp Đức đầu tư vào Việt Nam hiệu quả, kim ngạch thương mại hai chiều trên 9 tỷ USD. Việt Nam có nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, có khả năng tiếp cận nhanh với công nghệ mới. Việt Nam nằm trong top 10 khu vực châu Á-Thái Bình Dương, và top 30 thế giới về gia công phần mềm. Việt Nam và Đức có thể thúc đẩy hợp tác trong nhiều lĩnh vực tiềm năng như thương mại, đầu tư, đào tạo, năng lượng, du lịch, công nghệ thông tin.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ, đối thoại với một số doanh nghiệp hàng đầu của Đức |
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các doanh nghiệp Đức đều bày tỏ mong muốn hợp tác với Việt Nam trong những lĩnh vực quan tâm, trong đó có các ngành công nghiệp 4.0, y tế, giáo dục đào tạo, nông nghiệp công nghệ cao, các dự án năng lượng tái tạo, giải pháp thông minh tiết kiệm điện cho thành phố và người dân… đồng thời nêu lên những vấn đề quan tâm.
Sau khi yêu cầu lãnh đạo một số bộ làm rõ thêm các vấn đề mà nhà đầu tư quan tâm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp giải đáp, đối thoại với lời bộc bạch rằng nếu có thời gian một ngày (thay vì chỉ có hơn một giờ đồng hồ) thì “chúng tôi sẽ giải đáp hết tất cả vấn đề các bạn đặt ra”. Tuy nhiên, giải đáp ngắn gọn, cụ thể của Thủ tướng đối với từng vấn đề doanh nghiệp Đức nêu ra liên tục nhận được các tràng pháo tay của nhà đầu tư.
Ông Cedrik Neike, thành viên Hội đồng quản trị Siemens cho biết, đang thúc đẩy hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp Việt Nam để đẩy mạnh phát triển công nghiệp số hóa và công nghiệp 4.0 tại Việt Nam. Siemens là tập đoàn công nghiệp lớn hàng đầu ở châu Âu và mong muốn hợp tác với Việt Nam trong việc cung cấp năng lượng xanh, chăm sóc y tế. Siemens và các công ty của Đức cũng muốn tham gia thúc đẩy dự án tàu điện ngầm ở TPHCM, hay đầu tư xây dựng các máy turbine khí.
“Siemens là nhà đầu tư rất nổi tiếng ở Việt Nam nhưng trước đây các bạn chủ yếu bán thiết bị, tất cả người dân đều biết Siemens. Bây giờ các bạn chuyển sang làm tàu điện ngầm, rồi xây dựng nhà máy turbine khí thì chúng tôi rất hoan nghênh. Việt Nam không chỉ mong muốn tiêu thụ sản phẩm mà Việt Nam mong muốn các bạn sẽ đầu tư sản xuất tại Việt Nam và không phải chỉ thị trường Việt Nam 100 triệu dân mà đây là thị trường gần 650 triệu dân của các nước ASEAN và kể cả sang Trung Quốc”, Thủ tướng cho biết.
Trong khi đó, Giám đốc tài chính của BayerHelthcare Pharma, ông Julio Triana cho biết, công ty lịch sử hơn 100 năm này hoạt động trong lĩnh vực y tế và nông nghiệp và hiện có 15.000 nhân viên. Công ty đã có mặt ở Việt Nam từ cách đây 20 năm và mong muốn đầu tư mạnh mẽ hơn ở Việt Nam.
“Chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục có được một cuộc đối thoại với Chính phủ về môi trường và y tế để mang lại nhiều lợi ích cho xã hội. Chúng tôi có câu hỏi đã chuyển trước: Đó là liệu có biện pháp nào nâng cao chất lượng y tế của Việt Nam? Chúng tôi làm thế nào để là đối tác thúc đẩy cung cấp thuốc men chất lượng cao, đạt được mục tiêu cung cấp dịch vụ y tế chất lượng cao cho người dân?”, ông Julio Triana đặt vấn đề.
Về vấn đề này, Thủ tướng nhấn mạnh, việc bên cạnh cung cấp thiết bị y tế, thuốc men tốt thì “giá thuốc phải tốt nhất”. “Giá thuốc Việt Nam còn cao quá nên quyền lợi của người dân nghèo bị ảnh hưởng”, Thủ tướng nói và mong muốn doanh nghiệp hãy giúp cho Việt Nam, giúp ngành y tế Việt Nam có thuốc tốt và quan trọng nhất là có giá cả phù hợp để nhiều người dân có thể tiếp cận.
Được Thủ tướng giao làm rõ thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Chính phủ Việt Nam rất khuyến khích đầu tư tư nhân cũng như đầu tư nước ngoài về lĩnh vực tài chính y tế như bảo hiểm y tế, trang thiết bị y tế, dược, xây dựng các cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe ban đầu cũng như các bệnh viện, kể cả khuyến khích hình thức hợp tác đầu tư công-tư (PPP). Đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật như luật Dược, luật Bảo hiểm y tế, luật Khám chữa bệnh… Tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp về thủ tục hành chính. “Kể cả y tế, chúng tôi có chính sách về vốn và đất rút gọn nhất”, Bộ trưởng nói.
Mong nhà đầu tư hướng vào sản xuất chứ không chỉ bán sản phẩm
Các nhà đầu tư cũng hoan nghênh Chính phủ đẩy mạnh phát triển theo xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và mong muốn đầu tư vào lĩnh vực đào tạo nhân lực, hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực này. Về lĩnh vực phát triển thành phố thông minh, trong đó áp dụng công nghệ 4.0 để giúp tiết kiệm điện, ông Karsten Vierke, Tổng giám đốc của Philips Lighting DACH, cho biết: “Chúng tôi đang phối hợp với các doanh nghiệp của Việt Nam để mang lại những lợi ích về chiếu sáng cho nhiều địa phương tại Việt Nam. Hiện nay chúng ta có thể hợp tác trong việc tiết kiệm điện cho người dân và du lịch phát triển. Chúng tôi đang đầu tư về cơ sở hạ tầng chiếu sáng để phát triển các thành phố thông minh như Los Angeles cho phép tiết kiệm tới 65% điện năng và chúng tôi cũng muốn giúp Việt Nam giảm lượng tiêu thụ điện năng. Bên cạnh đó các thành phố thông minh còn bảo đảm an toàn cho người dân và du khách”.
Hoan nghênh ý tưởng của nhà đầu tư này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi: “Bây giờ nói về công ty điện 4.0 tiết kiệm năng lượng đến 65%, đây là điều Việt Nam rất hoan nghênh”. Ở Việt Nam, cứ tăng trưởng 1% GDP thì phải tăng đến 2% năng lượng điện tiêu thụ, tức là chi phí này rất lớn. Cho nên việc giảm 65% năng lượng điện là điều rất quan trọng. Cùng với việc đó, các nhà đầu tư sẽ hợp tác với Việt Nam xây dựng thành phố thông minh để đẩy mạnh công nghiệp 4.0 ở Việt Nam. “Tôi rất hoan nghênh ý tưởng này và các bạn sẽ triển khai ở một số thành phố lớn và một số địa phương đã có chủ trương của Chính phủ Việt Nam”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng hoan nghênh nhà đầu tư Dustche Bank của Đức đã hợp tác đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực tài chính và quan tâm đến phát triển số hóa ở Việt Nam trong lĩnh vực này, trong đó có lĩnh vực chứng khoán. Thủ tướng cho biết, thị trường chứng khoán Việt Nam ổn định và tăng trưởng liên tục. Chỉ số VN-Index vừa đạt mức cao nhất trong 9 năm qua. Thủ tướng mong muốn nhà đầu tư Đức cùng tham gia áp dụng cách mạng công nghiệp số vào lĩnh vực này ở Việt Nam.
Về đề nghị của nhà đầu tư Đức thành lập Phòng Công nghiệp-Thương mại song phương, Thủ tướng cho biết sẽ nghiên cứu ý kiến này để vận dụng sao cho phù hợp với luật pháp Việt Nam và thông lệ quốc tế, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Đức vào đầu tư hợp tác ở Việt Nam.
Thủ tướng tham quan một phân xưởng chế tạo rotor tại nhà máy của Tập đoàn Siemens |
Nói về chính sách dài hạn để phát triển ngành năng lượng tái tạo, thu hút nhà đầu tư làm ăn lâu dài, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Thủ tướng đã ký một quyết định trong đó đưa ra giá điện mặt trời là 9,35 cent/kwh, một mức giá cao. Việt Nam còn có tiềm năng lớn về các nguồn năng lượng tái tạo như gió và sóng biển, nên Thủ tướng mong muốn các nhà đầu tư Đức, với công nghệ cao, nghiên cứu đầu tư ở Việt Nam. Thủ tướng cũng cho biết sẽ giao Bộ Công Thương trình một khung giá mới về điện gió để khuyến khích các nhà đầu tư vào lĩnh vực này.
Nêu ra một số tấm gương điển hình của các nhà đầu tư nước ngoài thành công khi đầu tư vào Việt Nam từ rất sớm, Thủ tướng cho biết, tiềm năng hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước còn rất lớn. Với kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và Đức hiện nay trên 9 tỷ USD và đầu tư của Đức vào Việt Nam khoảng 2 tỷ USD, Thủ tướng cho rằng đây là mức thấp và mong muốn các nhà đầu tư Đức đầu tư mạnh mẽ hơn vào Việt Nam.
Thủ tướng đề nghị các nhà đầu tư Đức hãy đầu tư mạnh mẽ hơn vào Việt Nam gắn với sản xuất, chứ không chỉ tập trung vào tiêu thụ sản phẩm. Chính phủ Việt Nam cam kết tạo mọi điều kiện, quan tâm đến nguyện vọng chính đáng của nhà đầu tư, “coi thắng lợi của các bạn là thắng lợi của Việt Nam”.
Ngay sau cuộc gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp Đức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới tham quan nhà máy sản xuất turbine khí của Tập đoàn Siemens, một doanh nghiệp đang có dự định tăng cường đầu tư vào Việt Nam.
Thủ tướng tới Berlin, gặp gỡ đại diện người Việt tại Đức
Ngay khi đặt chân tới Thủ đô Berlin, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi nói chuyện thân mật với đông đảo cộng đồng người Việt tại Đức.
Thủ tướng đến Frankfurt, bắt đầu thăm CHLB Đức
Chuyên cơ chở Thủ tướng và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến sân bay quốc tế Frannkfurt, bắt đầu chuyến thăm CHLB Đức.
Thủ tướng gặp gỡ, làm việc với lãnh đạo bang Hessen, CHLB Đức
Tiếp tục chương trình thăm chính thức làm việc tại CHLB Đức, chiều 5/7 theo giờ địa phương, Thủ tướng đã tới thăm, làm việc tại bang Hessen.
Thủ tướng lên đường thăm CHLB Đức, dự hội nghị G20
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Hà Nội, lên đường bắt đầu thăm CHLB Đức.
Theo VGP