Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Việt Nam chúng ta đang đứng trước một cơ hội rất lớn để thực hiện khát vọng xây dựng quốc gia hùng cường nếu có thể ứng dụng hiệu quả các công nghệ lõi của cuộc CMCN 4.0 như trí tuệ nhân tạo, Internet kết nối vạn vật, dữ liệu lớn, công nghệ chuỗi khối, điện toán đám mây… |
Hôm nay, ngày 24/6/2019, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) và những vấn đề pháp lý đặt ra cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam”.
Diễn ra trong cả ngày 24/6, hội thảo gồm có 3 phiên thảo luận chuyên đề bàn về pháp luật dân sự, kinh tế, việc xây dựng Chính phủ điện tử, thành phố thông minh, tiếp cận công lý và bảo đảm an ninh mạng trong bối cảnh CMCN 4.0 cùng phiên tham luận quan trọng, với tổng số hơn 50 tham luận của cả khu vực công và tư.
Trong Phát biểu chỉ đạo hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, CMCN 4.0 đang tác động, ảnh hưởng sâu rộng đến cấu trúc các mối quan hệ trong nền kinh tế toàn cầu. Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Đó là thay lao động bằng tự động hóa, thay vốn bằng trí thức và dữ liệu, thay đổi toàn diện mối quan hệ giữa chính quyền với người dân, giữa các chủ thể trong nền kinh tế thông qua việc xóa bỏ các cơ chế trung gian trong chuỗi giá trị bằng công nghệ kết nối trực tiếp, và đặc biệt là thay đổi thói quen tiêu dùng của hàng tỉ người cũng như hành vi ứng xử của toàn xã hội.
Thủ tướng cho rằng, Việt Nam chúng ta đang đứng trước một cơ hội rất lớn để thực hiện khát vọng xây dựng quốc gia hùng cường nếu có thể ứng dụng hiệu quả các công nghệ lõi của cuộc CMCN 4.0 như trí tuệ nhân tạo, Internet kết nối vạn vật, dữ liệu lớn, công nghệ chuỗi khối, điện toán đám mây… - những công nghệ phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội.
“Những công nghệ tiên tiến cùng với chất lượng nguồn nhân lực, năng lực thể chế quyết định tăng trưởng trong dài hạn, là chìa khóa đột phá nguồn tài nguyên công nghệ. Như vậy, có thể nói công nghệ - nguồn nhân lực - thể chế là chìa khóa phát triển cho Việt Nam”, Thủ tướng nói.
Đứng trước cơ hội này, Thủ tướng cho biết, thời gian qua, Việt Nam đã có một số thành công đáng khích lệ. Theo đó, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam liên tục tăng, dẫn đầu nhóm quốc gia tăng trưởng trung bình. Cụ thể, năm 2017 tăng 12 bậc, năm 2018 tăng tiếp 2 bậc, xếp thứ 45/100 quốc gia… Ngoài ra, Việt Nam đứng thứ 4 ASEAN về tốc độ Internet, đứng thứ 3 ASEAN về tỷ lệ người dùng điện thoại thông minh, đứng thứ 2 ASEAN về tốc độ tăng trưởng về thanh toán qua điện thoại di động.
Các nguồn lực đang dịch chuyển theo hướng tích cực, có sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư cho khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo, một số doanh nghiệp công nghệ đã có bước tăng trưởng ngoạn mục, tạo dựng nên các thương hiệu uy tín như Viettel, VNPT, VinGroup, FPT…
Bên cạnh kỳ vọng thành công, theo Thủ tướng, chúng ta cũng cùng nhau nhận thức đâu là thách thức với Việt Nam trong CMCN 4.0 để có giải pháp khắc phục. Đó là trình độ khoa học công nghệ có khoảng cách khá xa so với các quốc gia dẫn đầu ASEAN, nhất là khoảng cách giữa nghiên cứu khoa học công nghệ với phát triển ứng dụng vào đời sống xã hội, sản xuất; hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia còn non trẻ, manh mún; nghiên cứu phát triển trong khu vực doanh nghiệp còn ít, thiếu kết nối hiệu quả với các trường đại học, viện nghiên cứu; chưa xây dựng môi trường chính sách, pháp luật phù hợp để huy động nguồn lực, tận dụng thế mạnh công nghệ 4.0.
“Sự chậm trễ này đôi khi còn là rào cản làm nhụt nhuệ khí đổi mới sáng tạo, làm nản tâm huyết cống hiến, trí tuệ của nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao, khiến chúng ta không thể đột phá và dễ tụt lại phía sau”, Thủ tướng chia sẻ.
Thủ tướng chỉ rõ, yêu cầu cấp bách trong thời đại công nghệ 4.0 là xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật nên Hội thảo là dịp để nhận diện rõ những vướng mắc về thể chế, pháp lý cần giải quyết, đồng thời đề xuất giải pháp, hiến kế với Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trước hết, chúng ta cần nhận diện chính xác những vấn đề pháp lý phát sinh, đặc biệt khi công nghệ đang làm mờ dần ranh giới giữa các quốc gia, CMCN 4.0 đang biến những vấn đề pháp lý quốc tế thành vấn đề pháp lý của quốc gia và ngược lại.
Điển hình được Thủ tướng nêu là trong lúc chúng ta đang nghiên cứu giải pháp điều chỉnh mô hình kinh tế chia sẻ, tài sản mã hóa, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo thì mới đây Facebook đã công bố chuẩn bị phát hành tiền điện tử, được nhiều công ty công nghệ lớn hỗ trợ. Những vấn đề này tác động trực tiếp tới chúng ta, đòi hỏi phải có phản ứng chính sách kịp thời và giải pháp pháp lý phù hợp. Vì vậy, Thủ tướng rất trân trọng các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của đại biểu tại hội thảo.
Nhắc lại nhiều chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tăng cường năng lực tiếp cận cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển Chính phủ điện tử, Thủ tướng cho biết thêm ngay trong sáng nay, ngày 24/6, ông đã trực tiếp khai trương E-Cabinet, một nội dung quan trọng của Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số. Thủ tướng khẳng định tới đây sẽ có những chỉ đạo mang tầm chiến lược về dữ liệu số quốc gia trong CMCN 4.0 để hướng tới một Việt Nam số, trong đó tất cả ngành nghề, lĩnh vực đều hướng tới kết nối số, tăng cường ứng dụng CNTT và thay đổi để thích nghi môi trường số hóa.