Thời gian qua, Chính phủ đã ưu tiên nguồn lực đầu tư nhiều công trình hạ tầng thiết yếu, mang tính kết nối, là động lực cho phát triển kinh tế. Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông được cải thiện rõ rệt, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, xã hội.

{keywords}
Ảnh minh hoạ

Tuy nhiên, việc phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vẫn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển, còn những bất cập phải tập trung để đầu tư, hoàn thiện; đặc biệt là phát triển hệ thống đường cao tốc.

Hành lang vận tải Bắc - Nam có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước, kết nối trung tâm chính trị Thủ đô Hà Nội và trung tâm kinh tế TP.HCM, đi qua 32 tỉnh và thành phố, kết nối 4 vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, miền Trung, phía Nam và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, kết nối các đô thị lớn, cảng biển, trung tâm kinh tế lớn...

Theo nghiên cứu của các tổ chức tư vấn trong nước và quốc tế, dự báo đến năm 2020 nhu cầu hành khách, hàng hóa trên hành lang vận tải Bắc - Nam là 45,37 triệu hành khách/năm và 62,27 triệu tấn hàng hóa/năm.

Đến năm 2020, nếu không xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông hoặc đường sắt tốc độ cao thì nhu cầu vận tải trên hành lang vận tải Bắc - Nam sẽ vượt tổng năng lực của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông khoảng 5,92 triệu hành khách/năm và 14,5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Trong khi đó, việc đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao yêu cầu nguồn kinh phí rất lớn, công nghệ phức tạp, chắc chắn không thể triển khai trước năm 2025. Đồng thời, các công trình hạ tầng như cảng hàng không, cảng biển, đường thủy nội địa tuy đã được ưu tiên đầu tư nhưng còn thiếu đồng bộ, tính kết nối chưa cao, chưa đáp ứng tốt các nhu cầu,… nên chưa thể phát huy tối đa hiệu quả.

Quốc hội đã có Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017 thông qua chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. Trước mắt đầu tư 11 dự án với tổng chiều dài 654 km, đi qua địa phận 13 tỉnh, thành phố; gồm 3 dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, hợp đồng BOT. Đến nay, các phần việc của dự án đã được triển khai gấp rút, đáp ứng yêu cầu tiến độ, thể hiện tinh thần làm việc tập trung, quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải cùng các Bộ, ngành trung ương và các địa phương có tuyến đi qua.

Để đáp ứng tiến độ Dự án hoàn thành vào năm 2021 theo yêu cầu của Quốc hội, cần tập trung hoàn thiện thiết kế kỹ thuật, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) và công tác lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư. Trong đó, công tác GPMB là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, quyết định đến tiến độ Dự án.

Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung tối đa để triển khai các nhiệm vụ về công tác giải phóng mặt bằng.

Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm kiểm tra và chỉ đạo Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án và các cơ quan chức năng cung cấp đủ, kịp thời các tài liệu cần thiết và tiến độ thực hiện dự án cũng như kế hoạch phân bổ vốn cho công tác GPMB; tổ chức triển khai ngay công tác cắm mốc GPMB, mốc lộ giới theo hồ sơ thiết kế cắm cọc GPMB được phê duyệt (cuối quý 1, đầu quý 2/2019).

Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các địa phương trong việc đảm bảo tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt và công khai phương án chi tiết GPMB theo quy định; thực hiện tốt chế độ phối hợp và cung cấp thông tin với chính quyền và các cơ quan có liên quan của địa phương, đảm bảo minh bạch các thông tin về dự án đầu tư, tư vấn, nhà thầu xây dựng; đặc biệt, cần thông tin về tiến độ thực hiện dự án thành phần GPMB theo định kỳ hàng tháng, quý để theo dõi, giám sát trong quá trình thực hiện.

Các Bộ, ngành trung ương khẩn trương thống nhất phương án giao vốn để các địa phương thực hiện công tác đền bù, GPMB, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phối hợp với các địa phương di dời các công trình truyền thông, công trình điện đáp ứng tiến độ GPMB và kịp thời xử lý các vấn đề khác có liên quan.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh nơi có dự án đi qua huy động toàn bộ hệ thống chính trị của địa phương vào cuộc, bàn giao mặt bằng để phục vụ thi công trong thời gian sớm nhất, bảo đảm đúng quy định pháp luật. Đồng thời, hỗ trợ cung cấp các nguồn vật liệu phục vụ thi công dự án; đảm bảo an toàn, an ninh, không để xảy ra các điểm nóng trong quá trình thi công.

Chủ tịch UBND các địa phương chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo Chủ đầu tư dự án thành phần GPMB và các ban, ngành của địa phương thực hiện tốt công tác tổ chức, tuyên truyền, vận động mọi tổ chức, cá nhân về tầm quan trọng, ý nghĩa của công trình; chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và thực hiện giải phóng mặt bằng của dự án; đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, hợp lý của người dân.

Khẩn trương triển khai ngay các thủ tục lựa chọn nhà thầu tư vấn, xây lắp phục vụ công tác GPMB, tái định cư; khẩn trương rà soát quy hoạch tái định cư, triển khai các thủ tục xây dựng các khu tái định cư; chỉ đạo triển khai các thủ tục về thu hồi đất, lập và trình duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

2019: Khởi công 3 dự án giao thông ngàn tỷ cao tốc Bắc - Nam

2019: Khởi công 3 dự án giao thông ngàn tỷ cao tốc Bắc - Nam

3 dự án được đầu tư bằng vốn ngân sách sẽ được khởi công trong năm nay. Bộ GTVT sẽ sơ tuyển chọn nhà đầu tư 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP  từ tháng 1/2019.

Theo VGP