Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh ASEAN năm 2016 diễn ra ngày 8/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc đến một trong những thách thức to lớn là “chủ nghĩa bảo hộ đang có nguy cơ trở lại”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, thế giới và khu vực ASEAN đang phải đối mặt với những thách thức to lớn trên nhiều lĩnh vực về an ninh, kinh tế, lương thực, tiền tệ, biến đổi khí hậu.

Đặc biệt, Thủ tướng cũng nhắc đến một thách thức to lớn khác là “chủ nghĩa bảo hộ đang có nguy cơ trở lại”.

Nhấn mạnh tình đoàn kết trong ASEAN tại Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh ASEAN năm 2016, do Hãng tin Bloomberg phối hợp với Bộ KH-ĐT tổ chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý: Từng thành viên ASEAN không thể phát triển nếu chỉ dựa vào khai thác tài nguyên và lao động giản đơn, mà cần đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu sâu hơn và vươn lên các mức giá trị gia tăng cao hơn.

{keywords}
Thủ tướng nhấn mạnh việc nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập sâu rộng.

Trong những phiên thảo luận, nguy cơ chủ nghĩa bảo hộ quay trở lại mà Thủ tướng đề cập trong bài phát biểu đã được nhiều DN chia sẻ. Trong đó, việc Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi TPP, rồi “kéo việc làm trở lại nước Mỹ”, việc Anh rời EU,... được đặc biệt quan tâm.

Ông Axel Pannes, đại diện BMW ở khu vực châu Á, nhận định: "Bảo hộ không phải cách thức phù hợp. Tuy nhiên, phải xem trên thực tế diễn ra thế nào. Góc nhìn của tôi, Mỹ đã liên kết rất lớn với kinh tế toàn cầu nên rất khó có thể bảo hộ được".

Đề cập việc Mỹ rút khỏi TPP, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT, cho rằng: Không có TPP, Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển, mở cửa, tự do thương mại, tự do di chuyển con người, kĩ năng. Đó là cuộc chơi không ai dừng lại được, song có thể không có TPP thì sẽ chậm lại.

"Chúng tôi đã từng phấn khích về TPP, vì TPP có thể giúp GDP Việt Nam tăng thêm khoảng 10%. Nếu không có TPP, đó có thể là cú sốc với tính toán của nhiều DN Việt Nam. Thế nhưng, cần hướng tới tương lai và chúng tôi tính tới khối RCEP (Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực có sự góp mặt của Trung Quốc - PV) với dân số lên đến 3-4 tỷ", ông Phạm Văn Thịnh, CEO của Deloitte Việt Nam, nói thêm.

Theo ông Thịnh, Việt Nam vẫn tiếp tục cởi mở hội nhập, thực hiện các hiệp định thương mại với các quốc gia khác để tăng thương mại.

"Chúng ta đã cam kết thực hiện cải cách khi vào TPP, giờ không có TPP thì cải cách vẫn tiếp tục vì đó là nhu cầu nội tại của Việt Nam", ông nói.

Ông Roger Lee, CEO của TAL Apparel cho biết: Trong ASEAN thì đầu tư ở Việt Nam dễ nhất. Chúng tôi đang giảm đầu tư ở Trung Quốc, tăng đầu tư ở Việt Nam, với số đầu tư dự kiến 500 triệu USD không phải vì có TPP hay không.

“TPP cũng tốt nhưng không quá cần”, ông Roger Lee nhận định.

Lương Bằng