Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trên phạm vi toàn quốc về các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển, diễn ra vào sáng 14/9.

DNNN đóng góp 28% thu ngân sách Nhà nước

Tại Hội nghị, lãnh đạo Bộ KH&ĐT trình bày báo cáo tổng hợp về tình hình sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển của DNNN; các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động, thúc đẩy đầu tư phát triển của DNNN trong thời gian tới.

Theo báo cáo, đến hết năm 2022, Việt Nam còn khoảng 478 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và khoảng 198 doanh nghiệp do Nhà nước nắm cổ phần chi phối.

Trong đó, tuy chỉ chiếm hơn 10% về số lượng, nhưng khối công ty mẹ tập đoàn-tổng công ty (DNNN quy mô lớn) lại nắm giữ 92% tổng tài sản, 93% tổng doanh thu và 92% lợi nhuận trước thuế của toàn bộ DNNN trên toàn quốc.

Các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước đang nắm giữ khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu của toàn bộ doanh nghiệp trên thị trường, chiếm khoảng 25,78% tổng vốn sản xuất, kinh doanh và 23,4% giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn của các doanh nghiệp. Các DNNN đóng góp khoảng 28% thu ngân sách Nhà nước, chiếm khoảng 7,3% lao động của toàn bộ khu vực doanh nghiệp.

Tính đến hết năm 2022, tổng tài sản của DNNN trên toàn quốc đạt 3.821.459 tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2021.

Năm 2023, tính đến 30/6, tổng doanh thu của DNNN là 689.534 tỷ đồng, đạt 50% kế hoạch năm 2023. Lãi phát sinh trước thuế thu nhập doanh nghiệp là 67.403 tỷ đồng, đạt 63% so với kế hoạch năm 2023.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, thua lỗ, tỷ suất lợi nhuận/tài sản còn thấp, hiệu quả hoạt động chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ. Các tập đoàn, tổng công ty chưa chú trọng đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có tính dẫn dắt, tạo động lực. Các tập đoàn, tổng công ty chưa có sự phối hợp, liên kết, tận dụng thế mạnh của doanh nghiệp trong các lĩnh vực để thực hiện các dự án lớn, trọng điểm, đặc biệt là vấn đề thu xếp vốn cho dự án…

Tại Hội nghị, lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước đã đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách, tận dụng cơ hội hợp tác đầu tư để hoạt động của doanh nghiệp hiệu quả và đột phá hơn nữa.

Ông Đặng Hoàng An, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hứa với Thủ tướng là đảm bảo cung ứng điện từ nay đến cuối năm. EVN cũng đang tập trung các giải pháp tối ưu chi phí, cắt giảm chi phí không cần thiết để bớt gánh nặng tài chính. 

Tuy nhiên, theo ông Đặng Hoàng An, mảng đầu tư cho năng lượng rất vướng. Đầu tư là cho năng lượng là rất lớn và thiết yếu, nhưng trong hệ thống thể chế của chúng ta chưa có bất cứ cơ chế đặc thù nào cho năng lượng.

Trong khi đó, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Viettel Tào Đức Thắng bày tỏ mong muốn Chính phủ thường xuyên lắng nghe khó khăn của doanh nghiệp, đặc biệt là vướng về quy định, chính sách để kịp thời phát hiện và tháo gỡ sự bất cập, đồng thời, cần có quy định bảo vệ người dám nghĩ dám làm ngay cả trong DNNN.

Ông Thắng cũng cho rằng, vừa qua, Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ lên tầm đối tác chiến lược toàn diện nên mong Chính phủ có lộ trình rõ ràng, từ kế hoạch, nhiệm vụ, phân công các đơn vị, bộ, ngành, doanh nghiệp trong việc phối hợp với đối tác Hoa Kỳ để tiếp nhận công nghệ hàng đầu, đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ số.

Đặt mình vào địa vị doanh nghiệp để giải quyết các khó khăn

Thủ tướng yêu cầu tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp, đặt mình vào địa vị doanh nghiệp để giải quyết các khó khăn, vượt qua thách thức.

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng nêu rõ, thông điệp của hội nghị là chung sức, đồng lòng tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, đẩy mạnh đầu tư phát triển, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế năm 2023 và những năm tiếp theo. Tinh thần là hài hòa lợi ích Nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp, hài hòa lợi ích, rủi ro chia sẻ; không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm cho doanh nghiệp.

Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền, tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp, đặt mình vào địa vị doanh nghiệp để giải quyết các khó khăn, vượt qua thách thức, thực sự chia sẻ, khích lệ, khuyến khích những người làm đúng, làm tốt và cương quyết xử lý những người vi phạm, nhũng nhiễu, tiêu cực, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm…

Bộ Tài chính sớm hoàn thiện hồ sơ, trình Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 10/2019/NĐ-CP về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu Nhà nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu sửa đổi quy định về chuyển mục đích sử dụng Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp để tạo điều kiện thực hiện đầu tư trong lĩnh vực liên quan đến khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặt hàng các sản phẩm mới, đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo,...

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc, phê duyệt kế hoạch, chương trình, đặc biệt là kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trực thuộc, thể hiện rõ hơn vai trò dẫn dắt, tạo động lực, mở đường, thúc đẩy các thành phần kinh tế khác phát triển; thực hiện đầy đủ, kịp thời các nhiệm vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu tại các doanh nghiệp theo quy định; chủ động, quyết liệt trong xử lý các vấn đề vướng mắc phát sinh của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của cơ quan đại diện chủ sở hữu.

Các cơ quan đại diện chủ sở hữu khác cần tích cực, kịp thời nắm bắt tình hình tốt hơn, nhất là những khó khăn, vướng mắc lớn, là điểm nghẽn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, khẩn trương giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền; phối hợp, kiến nghị các bộ, ngành hoặc tham mưu cho Chính phủ để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng, vấn đề phát sinh mới.

Thủ tướng cũng đề nghị các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp có quan hệ cộng sinh, cần phát huy tinh thần linh hoạt, sáng tạo, "trong tôi có anh, trong anh có tôi", cùng nhau tháo gỡ khó khăn, nút thắt về tín dụng, nguồn vốn.

Ngoài ra, Thủ tướng nhấn mạnh 6 quan điểm chỉ đạo điều hành để tiếp tục để nâng cao hiệu quả hoạt động, đổi mới khu vực DNNN.

Đồng thời, Thủ tướng cũng nêu rõ 12 nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao hiệu quả hoạt động, đổi mới khu vực DNNN, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển.