- Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đánh giá chất lượng giải quyết thủ tục hành chính ở địa phương còn thấp, khiến dân phải đi lại nhiều lần.
Sáng nay, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng chủ trì hội thảo lấy ý kiến đóng góp đối với dự thảo nghị định về cơ chế 1 cửa, 1 cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.
Theo ông, có 5 tồn tại lớn cần khắc phục nhằm triển khai tốt hơn cơ chế 1 cửa, 1 cửa liên thông, nhằm tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng. Ảnh: Nhật Bắc |
Thứ nhất, việc triển khai cơ chế này ở nhiều địa phương còn lúng túng, trong tổ chức thực hiện còn thủ công, thiếu thống nhất, mang nặng tính hình thức. Dù là cơ chế 1 cửa nhưng thời gian chờ đợi, trả kết quả hồ sơ còn dài.
Thứ hai, Bộ trưởng đề cập đến vấn đề quan trọng là cán bộ công chức. Việc lựa chọn cán bộ ở bộ phận 1 cửa chưa tương xứng, vì vậy, đề nghị các địa phương xem xét lại việc này.
Thứ ba, Bộ trưởng thẳng thắn đánh giá chất lượng giải quyết thủ tục hành chính ở địa phương còn thấp, khiến dân phải đi lại nhiều lần, thậm chí có tính trạng cứ nay nói bổ sung cái này, hôm sau lại yêu cầu bổ sung cái khác.
Thứ tư là việc ứng dụng công nghệ thông tin còn rất thấp.
Cuối cùng, cần nâng cơ sở pháp lý thực hiện cơ chế 1 cửa, 1 cửa liên thông lên thành nghị định.
Ngứa đầu gãi chân thì chất lượng bộ máy không tốt
“Tất cả những việc này để đảm bảo liên kết chặt chẽ giữa cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử và giám sát thủ tục hành chính, mục tiêu nhằm hoàn thiện thể chế, xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động và phục vụ”, ông nhấn mạnh và lưu ý cần chú trọng nguyên tắc lấy cá nhân, tổ chức làm trung tâm phục vụ.
“Như Thủ tướng nhiều lần đã nói, không thể “ngứa ở đầu mà đi gãi chân”. Nếu “ngứa đầu mà gãi chân” thì dân sẽ đánh giá điểm rất xấu, mà điểm xấu liên tục thì các cơ quan công quyền, người dân trong và ngoài nước sẽ đánh giá được chất lượng làm việc của bộ này tốt hay không tốt”, Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng, VPCP mỗi tháng xử lý hơn 14 nghìn văn bản của các bộ, ngành, địa phương gửi đến, nên rất ưu tiên việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc sàng lọc, xử lý, lập hồ sơ.
Các văn bản sẽ được nhập dữ liệu rồi chuyển đến các vụ chuyên môn, các đơn vị của văn phòng, phân tới chuyên viên, với quy định rõ giải quyết trong bao nhiêu ngày. Hồ sơ chậm trả lời các đơn vị cũng được lưu thể hiện hết trên hệ thống.
“VPCP đã thực hiện nhiều đợt kiểm tra việc thực thi công vụ của cán bộ công chức, anh cứ báo cáo làm tốt nhưng cũng có hồ sơ bộ, ngành, địa phương chuyển lên mà chuyên viên “để quên”. Nếu mắc 2 lần như vậy sẽ điều chuyển công tác. Ta cứ sòng phẳng nói với nhau, làm như thế thì không thể giấu được, vì văn bản thể hiện rất rõ đang nằm ở cấp chuyên viên bao nhiêu ngày, cấp lãnh đạo vụ bao nhiêu ngày”, Bộ trưởng nêu rõ.
Ông cũng lưu ý vẫn có những chuyên viên dùng “xảo thuật” để đánh lừa lãnh đạo, tuy nhiên, những “lắt léo” này đều được thấy hết.
Còn tình trạng lòng vòng, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm
Bà Nguyễn Thu Hương, quản lý cao cấp chương trình quản trị của Oxfam tại Việt Nam cho biết, tại 2 hội thảo tham vấn ý kiến các tỉnh thành phía Nam và miền Trung Tây Nguyên vừa qua, nhiều ý kiến cho biết, việc kết nối văn phòng 1 cửa điện tử với các phần mềm chuyên ngành của các bộ, ngành, địa phương chưa hoàn chỉnh.
Vì vậy, việc thực hiện liên thông để giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp chưa thông suốt, vẫn còn tình trạng lòng vòng, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.
Ngoài ra, việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng công nghệ thông tin chưa đồng bộ dẫn đến việc triển khai mô hình Chính quyền điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến còn gặp nhiều hạn chế. Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 còn chiếm tỷ lệ rất thấp, chưa hiệu quả.
Một số đại biểu đã khuyến nghị các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND cấp tỉnh xây dựng lộ trình chuyển hệ thống 1 cửa hiện tại sang hệ thống 1 cửa điện tử.
Thu Hằng