Ngày 25/12, Cục Viễn thông, Cục Tần số và Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) đã cùng tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch công tác năm 2020.
Phát biểu tại hội nghị này, ông Hoàng Minh Cường, Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, trong năm 2019, Cục đã trình Lãnh đạo ký giấy phép thử nghiệm 5G cho Viettel, VNPT, MobiFone hay dịch vụ chuyển mạng giữ số sau hơn 1 năm triển khai đã có hơn 1 triệu thuê bao chuyển mạng thành công. Đồng thời, Cục đã chủ động xử lý tình trạng SIM rác, tin nhắn rác hay xin chủ trương dừng công nghệ viễn thông di động mặt đất thế hệ cũ 2G ở Việt Nam tạo điều kiện thực hiện Đề án Chuyển đổi số quốc gia, Chính phủ điện tử. Cục Viễn thông cũng đã ban hành Chỉ thị về tăng cường chia sẻ, dùng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động giữa các doanh nghiệp viễn thông hay có sự chỉ đạo doanh nghiệp viễn thông nâng cao tốc độ gói cước băng rộng với giá không đổi, nâng cao tốc độ truy nhập băng rộng di động hơn 35% và băng rộng cố định tăng hơn 65% so với năm 2018.
Ông Hoàng Minh Cường, Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, trong năm 2019, Cục đã trình Lãnh đạo ký Giấy phép thử nghiệm 5G cho Viettel, VNPT, MobiFone. |
Bên cạnh nhiều điểm sáng, những thách thức của lĩnh vực viễn thông bao gồm khung pháp lý chưa hoàn chỉnh, một số quy định đã lạc hậu, cản trở sự phát triển của lĩnh vực. Doanh thu dịch vụ di động vẫn dựa vào các dịch vụ truyền thống, đặc biệt là thoại, SMS (chiếm 76,6%); mạng di động cùng lúc duy trì 4 công nghệ (2G, 3G, 4G, 5G) khiến doanh nghiệp tốn kém chi phí vận hành, không tập trung được nguồn lực tham gia công nghệ di động thế hệ mới. Chưa kể đến, việc cạnh tranh quá mức đã gây ra nhiều loại rác như SIM rác, cuộc gọi rác, vấn nạn quảng cáo, lừa đảo trên mạng di động... gây ảnh hưởng đến trật tự xã hội, quyền lợi người dân và an toàn, an ninh thông tin.
Đối với kết quả Cục Tần số năm 2019, ông Lê Văn Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Tần số cho biết, Cục Tần số đã tham mưu và Bộ TT&TT thành lập Hội đồng đấu giá, Hội đồng xác định giá khởi điểm, xây dựng Hồ sơ mời đấu giá quyền sử dụng tần số băng tần 2.6Ghz, hoàn thành xây dựng, trình Bộ TT&TT dự thảo Thông tư quy hoạch băng tần 700 Mhz hay hoàn thành ngừng phát sóng Analog đối với trạm phát sóng chính tại 12 tỉnh.
Ong Lê Văn Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Tần số cho biết, Cục ác định giá khởi điểm, xây dựng Hồ sơ mời đấu giá quyền sử dụng tần số băng tần 2.6Gh |
Đối với công tác kiểm soát tần số, xử lý can nhiễu, trong năm 2019, Cục Tần số đã phát hiện và lập 208 báo cáo vi phạm/tổng số 481 vi phạm trong năm 2019. Năm 2019, số vụ nhiễu mạng thông tin di động vẫn chiếm tỷ lệ lớn 97/133 vụ, 9 vụ nhiễu mạng điều hành bay, 6 vụ nhiễu mạng phát thanh truyền hình... Cục Tần số đã phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an giải quyết 8 vụ nhiễu mạng thông tin di động, đài quốc phòng, an ninh.
Với công tác thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm về sử dụng tần số, Cục Tần số đã kiểm tra đột xuất 218 tổ chức, ban hành 119 quyết định xử phạt với tổng số tiền 573.350.000 đồng, xử phạt cảnh cáo 19 vụ và nhắc nhở 82 tổ chức, cá nhân.
Còn với VNNIC, đại diện đơn vị này cho biết, trong năm 2019, VNNIC đã vận hành hệ thống máy chủ tên miền DNS quốc gia hoạt động an toàn, ổn định, không xảy ra sự cố nghiêm trọng nào, đồng thời tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống trạm trung chuyển lưu lượng Internet quốc gia VNIX. Đối với công tác quản lý, xây dựng chính sách quản lý tài nguyên Internet, tên miền quốc gia ".vn" là tên miền mã quốc gia có số lượng đăng ký sử dụng cao nhất khu vực ASEAN, top 10 khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, tỷ lệ sử dụng IPv6 đạt 40% với 21 triệu người dùng, đứng thứ 8 toàn cầu.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải cho biết, Bộ trưởng đã làm việc với từng đơn vị và đã có định hướng cụ thể. Năm 2019, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng công tác quản lý nhà nước của Cục Viễn thông, Cục Tần số, VNNIC đã giúp tạo môi trường để các doanh nghiệp viễn thông, Internet tiếp tục tăng trưởng. Tuy nhiên, năm 2020, các đơn vị cần có những dự báo, điều chỉnh kịp thời vì các doanh nghiệp viễn thông sẽ đứng trước nguy cơ không còn giữ được tăng trưởng tốt.
Theo Thứ trưởng Phạm Hồng Hải, Cục Viễn thông, Cục Tần số và VNNIC cần tiếp tục đưa ra các chính sách mở rộng không gian phát triển cho các doanh nghiệp viễn thông, Internet như dịch vụ Mobile Money. |
Cũng theo Thứ trưởng Bộ TT&TT, thời gian qua, nhiều biện pháp, chính sách, quy định được đưa ra giúp tăng cường quản lý tốt hơn như việc xử lý SIM rác. "Điều này thể hiện quyết tâm của các đơn vị, giúp doanh nghiệp hiểu được việc nếu tiếp tục vi phạm sẽ ảnh hưởng đến hoạt động trong dài hạn, hay thậm chí vi phạm pháp luật. Năm 2020 và các năm tiếp theo, các đơn vị cần tiếp tục kiên quyết hơn nữa, tránh để doanh nghiệp vi phạm.", Thứ trưởng Bộ TT&TT nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải cho biết, năm 2019, các đơn vị đã có sự tiếp cận, nghiên cứu và đề xuất những dịch vụ, chính sách mới như Mobile Money, tần số cho mạng 5G, hoạt động cho VNIX.
Thứ trưởng Bộ TT&TT cũng đã đề nghị lãnh đạo các đơn vị trong năm 2020 tiếp tục có quyết tâm cao hơn trong công tác quản lý, bảo đảm các doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện các quy định, tránh vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Nếu phát hiện các doanh nghiệp chưa đáp ứng các quy định cần có giải pháp thanh tra hay thậm chí chuyển cơ quan điều tra, tránh gây ra những hậu quả nghiêm trọng, nhất là đối với các quy định quản lý SIM rác, tên miền, can nhiễu....
Năm 2020, đối với Luật Viễn thông, Luật tần số, Nghị định 72..., các đơn vị sẽ phải tổng kết và đưa ra những hướng đi phù hợp cho giai đoạn sắp tới. "Như luật Viễn thông sẽ tiếp tục là luật Viễn thông hay được mở rộng hơn, thành luật ICT, có quản lý hạ tầng số, mobile money hay không?", Thứ trưởng Phạm Hồng Hải đặt câu hỏi.
Ngoài ra, 3 đơn vị cần tiếp tục nghiên cứu và đưa ra các chính sách thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp viễn thông hay mở rộng không gian phát triển cho các doanh nghiệp viễn thông truyền thống. "Mobile Money là cơ hội tốt để doanh nghiệp viễn thông mở rộng không gian phát triển dù ẩn chứa nhiều rủi ro", Thứ trưởng Bộ TT&TT chia sẻ.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cần có sự đánh giá tác động công nghệ, phương thức kinh doanh mới sẽ ảnh hưởng đến thị trường viễn thông như thế nào về lâu dài. Như dịch vụ cáp quang vệ tinh, chúng ta có quản lý không hay để tự do phát triển và ảnh hưởng, tác động thế nào đến dịch vụ truyền thống.
Cuối cùng, đối với Cục Tần số, năm 2020, Cục cần thực hiện tốt việc số hoá truyền hình để tắt sóng analog vào ngày 31/12/2020 hay triển khai dứt điểm đối với băng tần 2.6Ghz, quy hoạch băng tần cho mạng 5G. "Cục cần có kế hoạch cụ thể và lường trước những khó khăn có thể xảy ra để có thể có biện pháp xử lý phù hợp", Thứ trưởng Phạm Hồng Hải nói.
Còn đối với Cục Viễn thông, Cục cần sớm có ý tưởng triển khai chương trình Viễn thông Công ích mới. "Song song với việc tăng cường thúc đẩy cạnh tranh, chúng ta cần điều tiết thị trường theo cách khác, đó là thông qua chương trình viễn thông công ích để đảm bảo phát triển viễn thông ở vùng sâu vùng xa", Thứ trưởng nhấn mạnh,