Ngày 6/10, hội thảo “Nâng cao hiệu quả chính quyền điện tử, phát triển đô thị thông minh trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0” do Bộ TT&TT, UBND tỉnh Lào Cai và Hội Tin học Việt Nam phối hợp tổ chức đã chính thức khai mạc.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh: Sự bùng nổ của kinh tế số đang tác động mạnh lên mọi mặt đời sống xã hội, con người. Ứng dụng CNTT để phát triển Chính phủ điện tử, triển khai các đô thị thông minh cũng là những trọng tâm ưu tiên của Chính phủ để đón xu hướng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, từ đó làm cho đô thị vận hành hiệu quả hơn, có sức cạnh tranh hơn, thúc đẩy sự phát triển bền vững.

Cũng theo Thứ trưởng, trong một thành phố thông minh, hoạt động quản lý nhà nước của bộ máy chính quyền đóng vai trò chủ đạo. Chính quyền điện tử là chính quyền ứng dụng CNTT-TT trong mọi hoạt động nhằm phục vụ nhân dân tốt hơn, hiệu quả hơn. Việc hình thành một thành phố thông minh sẽ phải trải qua nhiều giai đoạn, phải thỏa mãn nhiều yếu tố khác nhau và được cấu thành bởi nhiều hợp phần. Mỗi thành phố có những điều kiện tự nhiên và nguồn lực khác nhau nên cần có chiến lược, kế hoạch phát triển riêng nhằm ưu tiên và tập trung vào một số lĩnh vực.

Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng lưu ý, trong toàn bộ quá trình dịch chuyển sang thành phố thông minh, CNTT-TT chỉ là một công cụ để giúp một thành phố giải quyết một hay nhiều vấn đề cụ thể, không phải là mục tiêu phát triển của thành phố.

Chiến lược và kế hoạch xây dựng thành phố thông minh cần được xem xét chặt chẽ dựa trên nhiều yếu tố khác nhau, tránh đầu tư tràn lan các hệ thống thông tin hoặc quá chú trọng vào ứng dụng CNTT-TT mà coi nhẹ các vấn đề cơ bản khác của một thành phố.

“Đặt vấn đề phát triển Chính phủ điện tử và xây dựng thành phố thông minh trong xu thế của cuộc CMCN 4.0, chúng ta phải thấy được Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn. Các nước đang phát triển như Việt Nam không thể chỉ dựa vào khai thác tài nguyên, lao động giản đơn mà cần mở rộng đầu tư mạnh vào đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu. Cần tích cực đổi mới mô hình tăng trưởng để nâng cao trình độ phát triển của nền kinh tế; phát triển chủ yếu dựa trên sáng tạo, công nghệ tiên tiến, năng suất cao và tranh thủ thời cơ của cách mạng công nghiệp 4.0”, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng nói.

Để phát triển Chính phủ điện tử, xây dựng thành phố thông minh hiệu quả, trong thời gian tới, Việt Nam cần tập trung xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng CNTT, nhất là hạ tầng viễn thông băng rộng cố định và di động hiện đại, an toàn, dung lượng lớn, tốc độ cao, chất lượng tốt và vùng phù dịch vụ rộng trên phạm vi toàn quốc; tiếp đó là hạ tầng cơ sở dữ. liệu quốc gia lànyiền tảng cho mọi cấu phần.

Tại hội thảo, ông Bùi Mạnh Hải, Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam cũng cho rằng để xây dựng đô thị thông minh hiệu quả, Việt Nam cần sớm thống nhất tiêu chí về đô thị thông minh để tránh mỗi nơi làm một kiểu. Ngoài ra, cần có tiêu chí cụ thể phù hợp với điều kiện hoàn cảnh Việt Nam, trên cơ sở nền tảng cũ.

Trao đổi cụ thể về vấn đề chuẩn bị mọi mặt cho xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, thành phố thông minh, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho rằng về công nghiệp CNTT, cần đẩy mạnh các sản phẩm, dịch vụ có giá trị gia tăng cao, đem lại nhiều thặng dư xã hội, có khả năng triển khai ở quy mô khu vực và toàn cầu và góp phần tăng trưởng bền vững cho Việt Nam.

Về nhân lực CNTT, cần tích cực đổi mới hệ thống giáo dục để đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao hơn, từng bước đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số, có chính sách thúc đẩy nhằm đào tạo con người có tư duy và kỹ năng phù hợp với xu thế của cách mạng công nghiệp 4.0, chính sách khác phục các mặt trái của cuộc cách mạng này như ô nhiễm môi trường, vấn đề thất nghiệp, gia tăng bức xúc xã hội, suy thoái lối sống, những rủi ro gán với an toàn, an ninh thông tin.

Về đầu tư ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước sẽ cần tập trung, không dàn trải trên nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương, ưu tiên và tập trung chủ yếu vào các dữ liệu dùng chung và dịch vụ nền tảng cùng các loại hình cung cấp dịch vụ CNTT chuyên nghiệp đáp ứng nhu cầu các cơ quan nhà nước; tăng dần tỉ trọng kinh phí thuê dịch vụ CNTT trên tổng chi phí mua sắm CNTT của các Bộ, ngành, địa phương.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ mới sẽ mở ra những cơ hội lớn nhưng cũng tạo ra hàng loạt nguy cơ mới về an toàn, an ninh thông tin, ảnh hưởng mạnh đến các hoạt động kinh tế, chính trị, an ninh quốc gia.

Do vậy, song song vói việc triển khai chính quyền điện tử và thành phố thông minh, các địa phương cần đặc biệt chú trọng đến công tác bảo đảm an toàn thông tin khi mạng lưới kết nối ngày càng đa dạng và phức tạp, bộc lộ nhiều điểm yếu có thể bị khai thác.