Mới đây, Đoàn công tác của Bộ GD-ĐT đã đi kiểm tra công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tại Trường THPT Lê Quý Đôn (quận Hải An) và THPT Ngô Quyền (quận Lê Chân) và công tác in sao đề thi của Sở GD-ĐT Hải Phòng.
Qua kiểm tra, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đánh giá công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 của Hải Phòng được triển khai bài bản, nghiêm túc.
Theo Thứ trưởng Độ, kỳ thi tốt nghiệp THPT ngoài mục tiêu xét tốt nghiệp thì khá nhiều các trường đại học sử dụng kết quả của kỳ thi để làm căn cứ tuyển sinh. Do đó, có thể nói, kết quả kỳ thi tạo nên một sự cạnh tranh rất khốc liệt.
“Nhiều gia đình muốn cho con vào đại học bằng mọi giá, kể cả những việc, phương án có thể vượt qua quy chế để đạt được mục tiêu”, Thứ trưởng Độ nói và cho rằng, vì vậy càng cần tổ chức kỳ thi nghiêm túc, chặt chẽ.
Ông Độ cho hay, cần nhắc nhở, cố gắng để không học sinh nào vi phạm quy chế. Nói về việc này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nhắc lại một trường hợp thí sinh vi phạm quy chế thi một cách rất đáng tiếc, khi ông còn phụ trách ngành giáo dục Hà Nội.
“Em học sinh này có học lực rất xuất sắc. Nhưng quên mất chuyện mang điện thoại vào phòng thi. Khi chỉ còn 5 phút nữa là hết giờ làm bài thi, bố em vì nghĩ hết giờ gọi hỏi thăm tình hình và liên hệ để đón con. Tiếng chuông điện thoại kêu thì chính em mới nhớ là mình quên là có mang điện thoại trong túi. Trong biên bản, nữ sinh này chia sẻ bị quên. Cuối cùng, buộc cô giáo giám thị cũng phải rơi nước mắt để lập biên bản. Đó là một việc thực sự rất đáng tiếc. Hậu quả là em đó bị trầm cảm bởi một cú sốc như thế. Không chỉ một học sinh mà ảnh hưởng tới cả gia đình”, ông Độ nói và nhấn mạnh các giám thị cần trách nhiệm hơn trong việc ngăn ngừa việc thí sinh mang điện thoại vào phòng thi trước khi phát đề.
Nói về việc thực hiện quy chế lưu giữ các vật dụng cá nhân của học sinh cách phòng thi tối thiểu 25m để hạn chế thiết bị gian lận công nghệ cao, ông Trần Đức Ngọc, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn cho hay, nhà trường cũng tuyên truyền đến các phụ huynh, học sinh về việc hạn chế mang các vật dụng này đến trường thi.
“Với những học sinh vẫn quên và mang trang thiết bị, vật dụng cá nhân không được mang vào phòng thi, nhà trường cũng bố trí các cán bộ và lực lượng sinh viên tình nguyện để hướng dẫn các em tới nơi để các vật dụng cách phòng thi 25m được trường bố trí sẵn. Các học sinh sẽ có phiếu khi đăng ký gửi đồ”, ông Ngọc cho hay.
Thứ trường Độ lưu ý, các hình thức gian lận công nghệ cao ngày càng phức tạp. Ông cũng lưu ý các nhà trường đến trường hợp hàng rào trường thi gần khu vực nhà dân. Bởi các đối tượng có thể đặt điện thoại, thiết bị công nghệ cao ở nhà dân dù các điểm thi “mải” chú ý việc tìm nơi lưu giữ vật dụng thí sinh cách 25m trong khuôn viên.
“Trong bối cảnh các thiết bị công nghệ phát triển rất mạnh mẽ, năm nay quy định các vật dụng cá nhân không được mang vào phòng thi phải đặt cách tối thiểu 25m, nhưng các năm sau phạm vi tác dụng của các thiết bị gian lận công nghệ cao có thể là 50m,... Chính vì vậy vai trò quan trọng nhất vẫn là con người - những người trực tiếp tham gia giám thị”, ông Độ nhấn mạnh.
Ông Đỗ Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng nêu thực tế, có những thiết bị công nghệ cao mà cán bộ giám thị khó phân biệt. Ở kỳ thi vào lớp 10 của Hải Phòng diễn ra mới đây, có 1 thí sinh đã mang một chiếc kính có gọng hơi to so với bình thường.
“Thấy nghi ngờ, nhưng giám thị không đủ nghiệp vụ để phát hiện đó có phải là phương tiện thu phát sóng. Tuy nhiên, sau đó, vẫn lập biên bản, phối hợp với ngành công an để xác minh tính năng của kính đó. Cuối cùng, đúng là cái kính đó có khả năng thu phát thông tin”.
Ông Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho hay, tất cả những vụ việc sử dụng điện thoại, thiết bị công nghệ cao được địa phương chỉ đạo xử lý nghiêm.
“Có trường hợp học sinh mang điện thoại vào phòng thi, sau đó có người này người kia can thiệp, nhưng chúng tôi yêu cầu làm nghiêm, không có vùng cấm. Từ chỗ làm nghiêm như thế và quan điểm chỉ đạo không có chuyện “nhờ vả con cháu” nên thi cử ở Hải Phòng những năm vừa qua cũng diễn ra nghiêm túc”, ông Nam nói.
Đại diện Cục An ninh chính trị nội bộ (A03), Bộ Công an, thành viên trong đoàn kiểm tra Ban Chỉ đạo cấp quốc gia cho rằng cần công tác giám thị vẫn rất quan trọng, cần được lưu tâm.
“Bởi các dấu hiệu nghi vấn vẫn phải phát hiện tại phòng thi. Có những trường hợp thí sinh lấy dây thun buộc các loại máy vào đùi”, vị này nói và đề nghị các cán bộ giám thị cần nâng cao trách nhiệm.
Ông Lê Mỹ Phong, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) nói trong công tác tập huấn cán bộ coi thi và phổ biến tới thí sinh, cần nói rõ về thời hạn giữ bí mật Nhà nước đối với đề thi, để tăng nhận thức của mọi người.
“Những năm trước chúng ta nói chung chung, nhưng năm nay hướng dẫn nói rất rõ. Cụ thể, cần nhấn mạnh rằng, phải hết thời gian làm bài đối với bài thi trắc nghiệm và hết 2/3 thời gian làm bài đối với bài thi Ngữ văn thì mới được coi là hết thời gian bảo mật bí mật nhà nước độ tối mật. Như vậy, tất cả các tình huống phát sinh trong thời hạn bảo mật thì đều bị xử lý theo quy định pháp luật, thậm chí xử lý hình sự”, ông Phong nói.
Để hạn chế các kết nối thiết bị công nghệ cao từ bên ngoài, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Thủy, Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật nghiệp vụ (A06), Bộ Công an đề nghị công an địa phương cần tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát các hành vi bất thường xung quanh trường thi trong những ngày trước và trong kỳ thi.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cũng đề nghị địa phương, các nhà trường quan tâm đến điều kiện cơ sở vật chất trong những ngày diễn ra kỳ thi.
“Các điểm thi cần bảo dưỡng lại hệ thống quạt trần. Bởi có thể những ngày thường không rơi, nhưng đến hôm thi, quạt rơi thì rất nguy hiểm. Một sai sót nhỏ có thể gây ra hậu quả lớn”, ông Độ nhấn mạnh.
>>>Chi tiết lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2022
Thanh Hùng