Hàng Việt không chỉ bán nội địa
Ngày 23/10, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" do Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương - thành viên Ban Chỉ đạo, làm Trưởng đoàn đã làm việc với tỉnh Kon Tum.
Báo cáo của tỉnh Kon Tum cho thấy, Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã khơi dậy được ý thức tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, thể hiện lòng yêu nước của mỗi người dân. Người tiêu dùng đã quan tâm mua sắm các mặt hàng sản xuất trong tỉnh, trong nước. Doanh nghiệp, đơn vị kinh tế cũng đang nỗ lực cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện khả năng cạnh tranh của các loại hàng hóa, dịch vụ ở thị trường trong tỉnh và khu vực.
Đáng chú ý, từ năm 2023 đến nay, Sở Công Thương tỉnh này đã vận động doanh nghiệp thường xuyên tham gia đưa hàng Việt về nông thôn, tại các xã, thị trấn vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, phối hợp với nhiều địa phương tổ chức các phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi, khu vực biên giới.
Theo đó, hàng hóa đưa về nông thôn luôn phong phú, đa dạng, đảm bảo chất lượng kết hợp chương trình giảm giá và khuyến mãi. Hiện trên địa bàn tỉnh đã xây dựng và đưa vào hoạt động được 5 điểm bán hàng Việt.
Ngoài ra, Sở Công Thương cũng tăng cường kết nối giao thương giữa nhà cung ứng với đơn vị tiêu thụ các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc trưng của tỉnh vào hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng OCOP tại một số tỉnh, thành trong nước.
Nhờ đó, hàng Việt Nam từng bước chiếm được thị phần và đã tạo sự tin cậy đối với người tiêu dùng về chất lượng, mẫu mã và giá cả...
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương đánh giá cao những kết quả đạt được của tỉnh Kon Tum trong thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" và chia sẻ với những khó khăn của địa phương.
Để đạt hiệu quả tốt hơn trong thời gian tới, ngoài nâng vai trò và trách nhiệm của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động, Thứ trưởng lưu ý tỉnh Kon Tum phải đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa.
Cùng với đó, rà soát, bổ sung các chủ trương, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh. Tăng cường kiểm tra định kỳ các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh; xử lý nghiêm hành vi bán hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Kon Tum cũng cần đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm của địa phương, phát triển kênh phân phối bán hàng trên các sàn thương mại điện tử; tăng cường công nghệ thông tin, công nghệ số nhằm tăng cường phát triển các sàn thương mại điện tử, Thứ trưởng gợi ý thêm.
Tại chuyến khảo sát ở cơ sở sản xuất, Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương cho rằng, mô hình khởi nghiệp thành công như Yến sào Kon Tum không chỉ giúp thúc đẩy kinh tế địa phương mà còn khẳng định giá trị của hàng Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Theo Thứ trưởng, Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" là chiến lược dài hơi và cần sự chung tay của cả cộng đồng. Những doanh nghiệp như Yến sào Kon Tum đã cho thấy sức mạnh của hàng Việt khi kết hợp giữa chất lượng sản phẩm và chiến lược kinh doanh bền vững.
Do đó, ông yêu cầu Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh Kon Tum cần động viên người dân trong tỉnh ưu tiên sử dụng các sản phẩm OCOP của địa phương để nâng cao thương hiệu của tỉnh.
Với hướng phát triển này, các doanh nghiệp Việt Nam có thể kỳ vọng rằng sản phẩm Việt Nam không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn chinh phục những thị trường khó tính trên toàn thế giới, góp phần nâng cao vị thế kinh tế quốc gia trên trường quốc tế.
Tăng cường quảng bá hàng Việt trên nền tảng số
Cùng ngày, Đoàn công tác cũng làm việc với Ban Chỉ đạo thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" tỉnh Gia Lai.
Theo Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh Gia Lai, toàn tỉnh hiện có 8.160 doanh nghiệp và 364 hợp tác xã với tổng vốn đăng ký 124.470 tỷ đồng. Thông qua Cuộc vận động đã góp phần tạo điều kiện cho nền sản xuất trong tỉnh cũng như hoạt động của doanh nghiệp ngày càng phát triển.
Gia Lai có trên 1.500 nhãn hiệu thông thường, 3 chỉ dẫn địa lý, 15 nhãn hiệu chứng nhận, 20 sáng chế… Đặc biệt, tỉnh đã xây dựng được 305 sản phẩm còn trong hạn sử dụng nhãn hiệu OCOP.
Song song với đó, công tác tuyên truyền về Cuộc vận động tại tỉnh cũng được triển khai kịp thời, đồng bộ với nhiều hình thức phong phú, đa dạng và có tác động tích cực đến nhận thức của các cấp chính quyền và các tầng lớp nhân dân. Từ đó, thay đổi nhận thức và hành vi trong sinh hoạt và tiêu dùng hàng ngày theo hướng tạo thành thói quen khi mua sắm, tiêu dùng, ưu tiên sử dụng hàng Việt.
Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương ghi nhận kết quả đã đạt được của tỉnh và biểu dương, khen thưởng các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp Việt có thành tích xuất sắc, giới thiệu những cách làm hay, gương điển hình trong triển khai, thực hiện Cuộc vận động.
Song, ông đề nghị Gia Lai tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong tình hình mới. Cùng với đó, phải kiện toàn Ban chỉ đạo cấp huyện; có chính sách để khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thúc đẩy sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Phải đẩy mạnh tuyên truyền người tiêu dùng Việt Nam ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam. Tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hàng hoá Việt và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong nước có các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ được người tiêu dùng ưa thích trên các nền tảng số, phương tiện truyền thông, Thứ trưởng nhấn mạnh.
"Tôi đề nghị các đồng chí trong Ban Chỉ đạo tỉnh Gia Lai, các cơ quan liên quan tiếp tục nỗ lực, phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những khó khăn, thách thức để Cuộc vận động ‘Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam’ tại Gia Lai ngày càng đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả cao, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và cả nước", Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương khái quát.