Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng đã chủ trì phiên họp đầu tiên của Ban soạn thảo, Tổ biên tập Nghị định xác thực điện tử và định danh diện tử. |
Đề nghị xây dựng Nghị định về định danh và xác thực điện tử được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết 44 ngày 24/6/2019. Chính phủ giao Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng Nghị định về định danh và xác thực điện tử, trình Chính phủ trong tháng 9/2019.
Việc xây dựng Nghị định về định danh và xác thực điện tử hướng tới mục tiêu tạo cơ sở pháp lý cho quản lý, cung cấp và sử dụng định danh điện tử và dịch vụ xác thực điện tử, góp phần đảm bảo an ninh, an toàn thông tin cho giao dịch điện tử, nâng cao hiệu quả sử dụng Cổng Dịch vụ công quốc gia và các Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp Bộ, cấp tỉnh và đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử.
Triển khai nhiệm vụ Chính phủ giao cho Bộ TT&TT, hôm nay, ngày 1/8/2019, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng đã chủ trì phiên họp đầu tiên của Ban soạn thảo, Tổ biên tập Nghị định xác thực điện tử và định danh diện tử. Tham dự có đại diện Văn phòng Chính phủ, các Bộ ngành, đại diện các doanh nghiệp và các đơn vị chức năng liên quan của Bộ TT&TT.
Giới thiệu những nội dung chính của dự thảo 01 của Nghị định xác thực điện tử và định danh diện tử, đại diện Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC) thuộc Bộ TT&TT cho biết, dự thảo Nghị định gồm 5 Chương và 33 Điều, với các nội dung chính gồm: Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, nguyên tắc định danh điện tử và xác thực điện tử; Những quy định liên quan đến định danh điện tử như: giá trị pháp lý của định danh điện tử, tổ chức cung cấp định danh điện tử và thông tin định danh điện tử; điều kiện để được cấp chứng nhận cung cấp thông tin định danh điện tử; trách nhiệm, nghĩa vụ của tổ chức cung cấp định danh điện tử, của tổ chức, cá nhân sử dụng định danh điện tử và thông tin định danh điện tử; Quy định về xác thực điện tử, dịch vụ định danh và xác thực điện tử; Quy định về sử dụng dịch vụ định danh và xác thực điện tử; và các điều khoản thi hành.
Tại phiên họp, đại diện Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia cũng đưa ra một số đánh giá về các hoạt động liên quan đến định danh và xác thực trên Cổng dịch vụ công của 63 tỉnh thành và 22 Bộ ngành và đối với các giao dịch ngân hàng, từ đó nêu bật tính cấp thiết phải xây dựng Nghị định này. Theo đó, về đăng ký và cung cấp thông tin định danh, với các cổng dịch vụ công, người sử dụng tự đăng ký tài khoản và cung cấp thông tin định danh; việc xác thực tài khoản và thông tin cung cấp chủ yếu qua email (mã xác thực hoặc đường link). Còn với giao dịch ngân hàng, để đăng ký tài khoản cần trực tiếp đến quầy giao dịch, việc kiểm tra thông tin định danh được thực hiện khi gặp mặt trực tiếp.
Về việc xác thực khi thực hiện giao dịch, với các cổng dịch vụ công, chủ yếu xác thực người sử dụng bằng tài khoản tên/mật khẩu. Chỉ có một số rất ít dịch vụ công kết hợp các phương thức xác thực khác như chứng thư số. Còn vi giao dịch ngân hàng, xác thực người sử dụng thông qua tài khoản tên/mật khẩu và mật khẩu sử dụng một lần (OTP) qua ứng dụng (App) hoặc tin nhắn.
Bên cạnh đó, đại diện Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia cũng chia sẻ kinh nghiệm quốc tế của một số nước như Đức, Phần Lan liên quan đến xác thực và định danh điện tử.
Trao đổi tại phiên họp, đại diện đến từ các bộ, ngành như Bộ Kế hoạch Đầu tư, Tổng cục thuế, Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam… và đại diện doanh nghiệp đã đưa ra nhiều ý kiến tham góp, cũng như chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn khi triển khai hoạt động xác thực trong Bộ, ngành mình.
Phát biểu kết luận phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng đánh giá cao các ý kiến đóng góp, những góc nhìn khác nhau của các đại biểu đến từ các Bộ ngành, doanh nghiệp cho dự thảo đầu tiên của Nghị định xác thực điện tử và định danh diện tử.
Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng nhận định, xây dựng dự thảo Nghị định xác thực điện tử và định danh diện tử là một công việc khó và phức tạp, bởi vừa bao gồm các nội dung chính sách, vừa bao gồm các quy định pháp lý.
"Sau phiên họp, sẽ hình thành một nhóm nhỏ gồm đại diện Trung tâm chứng thực điện tử quốc gia, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính – Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Tổng cục Thuế, Bảo hiểm Xã hội, Tập đoàn VNPT để thống kê và xác định rõ các vấn đề dự thảo Nghị định cần phải giải quyết, căn cứ trên những ý kiến đóng góp của các đại biểu tại phiên họp này", Thứ trưởng đề nghị.