Hôm nay, tôi đến đây không phải để nói về sứ mệnh vĩ đại, lớn lao của ngành Thông tin và Truyền thông, hay của công nghệ số, vì tôi không chắc tới buổi chiều hôm nay, còn bao nhiêu bạn sinh viên ngồi đây sẽ còn nhớ về những điều đó.
Hôm nay, tôi cũng không muốn đến đây để trao cho các bạn sinh viên một chiếc cặp sách đầy “trách nhiệm”, để các bạn làm hành trang trong suốt những năm học tại đây.
Hôm nay, tôi đến đây chỉ vì muốn được nghe các bạn chia sẻ cùng tôi, và tôi cũng chia sẻ cùng các bạn lý do chúng ta chọn học ngành Thông tin và Truyền thông, ngành công nghệ thông tin, ngành công nghệ số này vì điều gì?
Mỗi thế hệ hãy kể câu chuyện của chính mình
Các bạn đại diện cho một thế hệ, gọi là thế hệ Z. Lịch sử của mỗi dân tộc là những câu chuyện, trong đó, mỗi thế hệ kể câu chuyện của chính mình.
“Bạch đầu quân sĩ lại
Vãng vãng thuyết Nguyên Phong”
(“Người lính già đầu bạc
Kể mãi chuyện Nguyên Phong”)
Câu chuyện thời Nguyên Phong năm 1258 vẫn luôn được các lão chiến binh kể lại cho con cháu và trở thành điểm tựa sức mạnh để quân dân Ðại Việt tiếp tục chiến thắng kẻ địch mạnh.
Cha tôi đã kể cho tôi nghe về câu chuyện bước chân xẻ dọc Trường Sơn. Tôi lớn lên trong tiếng ru của bà, của mẹ, có những câu tôi nhớ mãi:
“Khi Tổ quốc gọi tên từng thế hệ
Trong vinh quang con không phải cúi đầu
Ai biết mang niềm kiêu hãnh xa sâu
Sẽ biết sống làm người xứng đáng”.
Vậy các bạn sinh viên thế hệ Z, sau này, các bạn sẽ kể cho con cháu mình nghe câu chuyện gì về thế hệ của mình? Tại sao các bạn lại chọn học ngành thông tin và truyền thông, công nghệ thông tin, công nghệ số?
Ước mơ về một thế hệ lập trình
Từ rất lâu trước khi chiếc máy tính đầu tiên ra đời, Alan Turing đã ước mơ và hình dung về một chiếc máy có thể tính toán bất cứ thứ gì tính toán được.
Từ rất lâu trước khi Google trở nên phổ biến toàn cầu, Larry Page và Sergey Brin đã ước mơ về việc biến tất cả thông tin trên thế giới này đều có thể tìm kiếm và truy cập được và họ vẫn tiếp tục thực hiện việc đó cho tới hôm nay.
Những chiếc iPhone vừa ra mắt gần đây, vẫn tiếp tục thực hiện khát khao của cha đẻ ra nó là tạo ra những sản phẩm tốt nhất thế giới.
Mỗi thành tựu lớn lao đều được nhen nhóm từ rất lâu trước đó bởi những ước mơ như vậy.
Còn các bạn sinh viên thế hệ Z, ước mơ của các bạn là gì? Tôi nghĩ, và tôi mong rằng, đó sẽ là những ước mơ của một thế hệ lập trình. Trong kỷ nguyên số, toàn cầu đang nói chung một thứ ngôn ngữ. Đó là ngôn ngữ lập trình. Các bạn đừng chỉ sử dụng các ứng dụng do người khác viết sẵn, hãy lập trình ra nó.
Có thể, có bạn sẽ đặt câu hỏi: Tại sao chúng ta cần lập trình ra các sản phẩm công nghệ số để làm gì, khi thế giới đã có rất nhiều những sản phẩm của nước ngoài rồi?
Có những vấn đề, những bài toán của người Việt mà nếu chúng ta không làm thì sẽ không ai giúp chúng ta làm.
Nếu các bạn còn nhớ, chỉ mới năm ngoái thôi, chúng ta vẫn đang trải qua những đợt phong toả kéo dài do đại dịch Covid-19. Tính đến nay, đã hơn 4 vạn đồng bào Việt Nam tử vong vì Covid-19, xếp thứ 26/231 vùng lãnh thổ, đứng thứ 3 ở ASEAN.
Khi tham gia Tổ công tác đặc biệt tại tâm dịch Thành phố Hồ Chí Minh, câu chuyện làm tôi nhớ mãi là một người quen nhờ tìm kiếm giúp người thân đang nằm ở bệnh viện nào, tình trạng ra sao. Nhưng do sự đứt gãy về thông tin giữa các tuyến bệnh viện phòng chống Covid-19, phải mất một thời gian tôi mới tìm ra. Khi ấy, người bệnh đã mất. Tôi cảm thấy bất lực giữa cơn đại dịch và ước rằng giá mà chúng ta có giải pháp công nghệ số tốt hơn!
Đại dịch Covid-19 đã tạm yên, nhưng những đại dịch khác rồi sẽ lại tới.
Có thể, có bạn sẽ đặt câu hỏi: Alan Turing, Lary Page, Sergey Brin hay Steve Job là những thiên tài, còn chúng ta chỉ là những người bình thường, chúng ta có làm được không?
Thực ra, trong mỗi người, đều có sẵn một thiên tài đang say ngủ. Có thể các bạn chưa tin lời tôi nói, rằng bản thân mình có thể trở thành con người có tài năng về bất kỳ lĩnh vực nào. Song bạn hãy tin là trên đời này tuyệt đối không có người nào bất tài cả. Alex Ferguson là một cầu thủ trung bình, nhưng lại là một huấn luyện viên xuất sắc. Mỗi người chúng ta có thể chọn một việc để xuất sắc. Mỗi người chúng ta có thể lựa chọn một chỗ đứng phù hợp với mình trong thế hệ lập trình này.
Tôi xin được chia sẻ một chút về sự lựa chọn của cá nhân tôi. Cách đây 22 năm, lúc đó, tôi bằng tuổi các bạn đang ngồi đây và cũng lựa chọn theo ngành công nghệ thông tin.
Từ ngày còn học phổ thông, tôi đã có niềm tin rằng công nghệ sẽ tạo nên những giá trị tốt đẹp hơn cho xã hội. Và ước mơ ngày đó của tôi đơn giản là vào một ngày đẹp trời, mình có thể tạo ra một ứng dụng có hàng triệu người dùng.
Ước mơ này dẫn dắt tôi vào Đại học Bách khoa để theo đuổi ngành Công nghệ thông tin. Những năm tháng tiếp theo học tập tại Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, tôi nhận ra rằng người Việt chúng ta do yếu tố lịch sử mà đã có rất nhiều thiệt thòi. Chúng ta đã lỡ nhịp toàn bộ những cuộc cách mạng khoa học công nghệ trước đây. Vì vậy mà thành tựu về khoa học công nghệ, sản xuất, giáo dục hay tiến bộ xã hội mà các quốc gia khác có hàng trăm năm để xây dựng, chúng ta chỉ có vài chục năm để cải thiện.
Nhưng chỉ chưa đầy 6 tháng đi làm sau khi tốt nghiệp, tôi đã quyết định không đi theo con đường ban đầu mà tôi đã chọn. Thay vào đó, tôi đã quyết định trở về Việt Nam, tôi trở thành công chức quản lý nhà nước trong lĩnh vực công nghệ thông tin tại Bộ Thông tin và Truyền thông.
Tại sao tôi lại làm như vậy? Vì tôi nhận ra rằng, nếu chỉ một mình, dù giỏi đến đâu, tôi cũng chỉ có thể tạo ra một số lượng hạn chế các ứng dụng. Nhưng nếu trở thành một công chức quản lý nhà nước về công nghệ thông tin, tôi sẽ có khả năng tạo ra các chính sách và hỗ trợ hàng trăm nghìn người tạo ra hàng chục nghìn sản phẩm, ứng dụng hữu ích phục vụ có thể lên tới hàng trăm triệu người dùng trong tương lai. Cùng một ước mơ, nhưng thực hiện theo một cách khác. Tôi nghĩ rằng, chúng ta không cần phải giới hạn bản thân trong một lựa chọn, một con đường. Có rất nhiều cách để ta có thể thực hiện ước mơ của mình, và đôi khi, con đường ít được chọn lựa lại mang lại sự thay đổi lớn nhất.
Có thể, có bạn sẽ đặt câu hỏi: Chúng ta đang gặp nhiều khó khăn, chúng ta có làm được không?
Nếu bạn sinh ra trong một hoàn cảnh khó khăn, thì hãy nhớ rằng khó khăn là bà đỡ cho những tài năng lớn. Người xưa tổng kết: “Khi trời giao sứ mạng trọng đại cho người nào, nhất định trước hết phải làm cho ý chí của họ được tôi rèn, làm cho gân cốt họ bị nhọc mệt, làm cho thân xác họ bị đói khát, làm cho họ chịu nỗi khổ sở nghèo túng, làm việc gì cũng không thuận lợi. Như thế là để lay động tâm chí người ấy, để tính tình người ấy trở nên kiên nhẫn, để tăng thêm tài năng cho người ấy”.
Ước mơ về một thế hệ lập trình sẽ là ngôi sao dẫn lối, là ngọn đuốc soi đường cho chúng ta đi. Ước mơ về một thế hệ lập trình sẽ tạo ra một quốc gia lập trình. Một thế hệ lập trình sẽ đưa Việt Nam trở thành một quốc gia số, thịnh vượng, nhân văn và rộng khắp.
Nhưng không có giấc mơ nào trở thành hiện thực nếu chúng ta không thức dậy làm việc một cách chăm chỉ và kiên trì trong thời gian đủ dài. Để có khoảnh khắc quả táo rơi vào đầu vào năm 1687, khi phát minh ra định luật vạn vật hấp dẫn, Issac Newton đã trăn trở suy nghĩ về câu chuyện này trong hơn 20 năm, từ năm 1665.
Lớn lên từ những việc nhỏ
Hãy lớn lên từ những việc nhỏ. Khi suy nghĩ, hãy suy nghĩ những điều lớn lao. Khi thực hiện, hãy bắt đầu từ những điều nhỏ nhất. Hạt mầm cây cổ thụ phải được gieo trồng trên mảnh đất lớn, nhưng trưởng thành nhờ hàng tỷ những hạt sương và hạt mưa nhỏ.
Đi học nhưng quan trọng là tự học
Ở giảng đường đại học, những gì các bạn được học cũng chỉ là một số thứ tổng quan để hiểu cái đại cương mà thôi. Biển học là vô bờ. Trong thời đại hiện nay, mọi thứ biến động và thay đổi rất nhanh, còn giảng đường lại dạy ta những điều đã cũ, ít khi thay đổi. Giảng đường dạy chúng ta những điều căn bản, cho chúng ta phương pháp nhận xét, lý luận, tìm kiếm. Giảng đường cho chúng ta phương tiện để tự chúng ta học thêm nữa. Vì vậy, đi học nhưng quan trọng là tự học.
Hãy giữ mãi sự tò mò của thuở ấu thơ, khi mà chúng ta thắc mắc xiết bao khi nhìn con cò đứng ngủ bằng một chân, con ve kêu ra rả cả buổi trưa, con cua bò ngang trên mặt đất, con đom đóm tỏa sáng mỗi tối.
Lớn lên một chút, lúc đi học, rồi đi làm, chúng ta thường thắc mắc tại sao có một số người học rất giỏi lại vất vả, tại sao một số người không nổi bật lắm lại thành công.
Khi mới đi làm, tôi luôn mặc cảm tự hỏi tại sao những nước nhỏ, ít dân, lại giàu mà những nước khác thì không. Tại sao những nước nghèo tài nguyên lại có nền kinh tế phát triển?
Những câu hỏi đó thường không được thầy cô giáo giải thích trên lớp một cách thấu đáo, thuyết phục. Bố mẹ tôi ở nhà cũng không có khả năng giải thích một cách thấu đáo. Nhưng thật may mắn, những năm tháng ấu thơ và đi học, bố mẹ tôi và thầy cô giáo đã tạo cho tôi một thói quen đọc sách, đam mê sách.
Mỗi khi tìm được một ý hay trong sách tôi thường ghi chép lại. Thầy tôi dạy: Tốt nhất là đóng góp tri thức mới, nếu không làm được như vậy, thì tổng hợp lại những cái đã biết theo một cách mới cũng là đóng góp. Những gì hôm nay tôi chia sẻ với các bạn hầu hết là những tri thức mà tôi đọc sách và ghi chép lại.
Hãy thắp lên ánh lửa trong mỗi đôi mắt
Sinh viên là những người con ưu tú của Đất nước. Để đi được xa, các bạn phải khỏe mạnh. Các bạn hãy chọn cho mình một môn thể thao và rèn luyện thường xuyên. Các bạn hãy luôn có một sự rực rỡ hiện lên trên khuôn mặt, có sự tự do phóng khoáng của tuổi trẻ, có một ngọn lửa trong mỗi ánh mắt, có sự tự tin quả cảm và sự rực sáng của khát vọng.
Trong 2 năm nay, chúng ta đều đã trải nghiệm trong năm nay về sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, cụ thể là ChatGPT. Không thể phủ nhận rằng, trí tuệ nhân tạo đã thay đổi thế giới theo cách đột phá, tạo ra những tiến bộ vượt bậc chưa từng có trong lịch sử công nghệ. Tuy nhiên, nhân loại lại đang phải đối mặt với một thách thức rất lớn đó là: Làm thế nào để kiểm soát trí tuệ nhân tạo và dạy trí tuệ nhân tạo những giá trị tốt đẹp?
Trong một thế giới mà máy móc ngày càng trở nên thông minh và giống người hơn, thì hơn lúc nào hết công cuộc đào tạo, trồng nên những con người khỏe mạnh nhân văn, vị tha, trí tuệ lại càng quan trọng.
Tôi mong mỗi thầy cô sẽ là những tấm gương nhanh nhạy nhất nắm bắt xu thế chuyển dịch của thế giới, thường xuyên cập nhập các kiến thức mới, kỹ năng mới và những năng lực cần thiết để đào tạo cho các ngành kỹ thuật, kinh tế xã hội trong thời đại số.
Khi còn đi học, tôi đã có cảm giác thật đặc biệt khi đeo khăn quàng đỏ, hướng về lá cờ Tổ quốc hát Quốc ca, Đội ca.
Quay trở về với câu hỏi: Lý do các bạn chọn học ngành này vì điều gì?
Tôi cho rằng mỗi chúng ta đều có những lý do khác nhau. Nhưng tôi mong rằng dù lý do là gì, các bạn cũng hãy đặt những đồng bào và Đất nước gần sát nhất với mục đích của bản thân mình.
Chỉ có công nghệ vị nhân sinh mới có thể tạo cho chúng ta động lực mạnh mẽ để vượt qua mọi khó khăn để đi tới thành công.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng