Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai. Nguồn: VGP/Nhật Bắc |
Tại họp báo Chính phủ vào chiều 1/8/2019, trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến sơ bộ ban đầu nghi án Asanzo bán hàng tàu gắn mác Việt. Theo yêu cầu của Thủ tướng, ngày 30/7, các bộ ngành phải báo cáo những kết luận về vụ việc này nhưng mốc thời gian này đã qua. Cách đây vài ngày, Chánh Văn phòng của Ban Chỉ đạo 389 cho rằng phải tới 30/8 mới có kết luận vụ việc. Phóng viên đặt câu hỏi: Vậy trong quá trình điều tra vụ việc có gì khó khăn khiến cho các Bộ ngành phải kéo dài thời gian như vậy?
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo liên quan đến các Bộ, liên quan đến Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, liên quan đến chức năng nhiệm vụ của Bộ Tài chính, cũng là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo 389 quốc gia.
Qua quá trình xác minh ban đầu sự việc liên quan đến nhiều doanh nghiệp, cụ thể hiện nay phải kiểm tra, xác minh 28 doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu liên quan đến Tập đoàn Asanzo; cũng như xác minh liên quan đến Tập đoàn Asanzo, các siêu thị và các nhà bán lẻ, các sản phẩm của Asanzo; kiểm tra thông tin với cơ quan thuế về các giao dịch; xác minh thông tin với Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao về thông tin nhãn hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao.
“Chính vì thế chúng tôi đang có những chỉ đạo quyết liệt, khi có thông tin sẽ công bố với các cơ quan thông tin báo chí”, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết.
Ngày 30/7, tại cuộc họp báo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống hàng giả, gian lận thương mại (Ban chỉ đạo 389), ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 cho biết, Chính phủ đã giao việc làm rõ "vụ Asanzo" cho Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ tập trung phối hợp để xác định, làm rõ những hành vi đúng sai của doanh nghiệp này.
Đến nay, các lực lượng chức năng đang tập hợp thông tin, tài liệu. Kết quả về vụ việc sẽ được thông báo rộng rãi với tinh thần làm việc nghiêm túc, quyết liệt, khách quan, toàn diện. Nếu có hành vi vi phạm sẽ xử lý nghiêm để bảo vệ thương hiệu Việt Nam và lợi ích người tiêu dùng. Không phải không thấy thông tin là vụ việc lắng xuống, dự kiến đến 30/8 sẽ có kết quả.
Kết quả sẽ thông báo cho báo chí và người dân với tinh thần nghiêm túc, quyết liệt, khách quan, toàn diện, nếu có vi phạm phải xử lý nghiêm, bảo vệ thương hiệu Việt Nam, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng. Ban Chỉ đạo 389 đã có văn bản yêu cầu cơ quan thường trực 63 tỉnh, thành phố tập trung rà soát, đánh giá trước vấn đề hàng hóa giả, không rõ nguồn gốc nhưng mang nhãn mác “made in Vietnam”.
Ông Đàm Thanh Thế cũng phân tích, Chính phủ đã phân định rõ chức năng của các bộ ngành, địa phương: Biên giới, cửa khẩu thuộc trách nhiệm của lực lượng hải quan, biên giới đường bộ là của bộ đội biên phòng, khu vực biển là trách nhiệm của lực lượng cảnh sát biển, còn trong nội địa là trách nhiệm của lực lượng quản lý thị trường. Ngoài ra còn có thanh tra chuyên ngành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ… Các lực lượng này đều có chức năng, nhiệm vụ phối hợp với nhau đồng bộ và hiệu quả.