Sáng 12/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc làm việc với các tập đoàn kinh tế tư nhân nhằm huy động hiến kế sáng tạo, chủ động và đóng góp cho kinh tế tư nhân đối với sự phát triển đất nước trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lây lan trên toàn cầu. 

Động lực kích hoạt sự thay đổi

Tại cuộc làm việc, mặc dù lo ngại trước ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 đối với ngành du lịch, các DN lữ hành lớn cho rằng, các biện pháp của Chính phủ về giảm bớt luồng khách từ nước ngoài là cần thiết. “Chống được dịch, ổn định tâm lý, có môi trường an toàn thì du khách mới an tâm, đi du lịch”, đại diện Vietravel nói. Hiện sức nén tâm lý trong dịch rất lớn. Vì thế, sau dịch, cần có biện pháp truyền thông “giải tỏa tâm lý”, vị này đề xuất.

Đồng quan điểm, Chủ tịch Tập đoàn Masan Nguyễn Đăng Quang cho rằng, cần phải ổn định tâm lý, ổn định xã hội, ổn định an sinh xã hội.

Đến nay, tại hệ thống hơn 3.200 siêu thị và cửa hàng VinMart, VinMart+, ngoài thịt lợn của Masan, doanh nghiệp đã nhanh chóng ký xong hợp đồng với Tổng công ty Lương thực miền Bắc để đảm bảo cung cấp đủ gạo, bình ổn giá tại tất cả các điểm bán trên 63 tỉnh thành.

{keywords}
Giá các mặt hàng rau củ quả, lương thực, thực phẩm ổn định, nguồn cung dồi dào khi dịch Covid-19 xảy ra

Giải pháp này ngay lập tức tạo ra sự ổn định đối với hai mặt hàng quan trọng là gạo và thịt, giúp người dân an tâm hơn. 

“Chúng tôi đang làm việc với các doanh nghiệp chủ chốt của Việt Nam để đảm bảo các sản phẩm thiết yếu khác như mỳ, rau, trứng, sữa,... luôn đầy đủ, chất lượng đảm bảo, giá cả hợp lý”. Ông Quang cho hay, các nhà máy của Masan đang hoạt động tối đa công suất để đảm bảo đủ hàng cho chuỗi cung ứng này. 

Cũng theo ông Quang, khủng hoảng luôn là động lực để kích hoạt sự thay đổi, giúp chúng ta phát triển mạnh mẽ hơn. Quan trọng hơn là tận dụng được cơ hội để thành công. Khi đối thủ đang lo che mưa để khỏi ướt thì chúng ta tập trung vào trận đấu, thủ thật chắc và tìm các cơ hội để bứt phá.

Bán hàng online là xu thế tất yếu của tương lai và ông tin rằng khủng hoảng do Covid-19 sẽ đẩy xu thế này phát triển nhanh hơn. Các doanh nghiệp về công nghệ nên đi đầu để nhanh chóng đón bắt, ông Quang nhận định.

Theo Chủ tịch HĐQT Tập đoàn THACO Trần Bá Dương, các địa phương cũng cần học tinh thần của Thủ tướng, mời các doanh nghiệp đến lắng nghe ý kiến, hiến kế về biện pháp chống dịch, vừa để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh. Sự đồng hành, chia sẻ giữa chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và người dân là hết sức cần thiết, nhất là trong bối cảnh có dịch bệnh.

Ông cho hay, trong khó khăn nhưng vẫn có cơ hội cho doanh nghiệp đầu tư phát triển, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, vì thế, doanh nghiệp này đã đầu tư vào lĩnh vực này.

Chuẩn bị bứt phá sau khi hết dịch 

Ủng hộ chính sách của Nhà nước coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, bà Hương Trần Kiều Dung, Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC, nhận xét, Luật Đầu tư chưa có điều nào xếp các dự án du lịch được ưu đãi đầu tư, mong được Chính phủ quan tâm vấn đề này, nhất là các dự án đầu tư du lịch nghỉ dưỡng quy mô lớn, có vốn trên 10.000 tỷ đồng.

Doanh nghiệp này khẳng định, cần chuẩn bị sẵn sàng tâm thế để ngay sau khi dịch kết thúc thì phát triển mạnh hơn, bù đắp lại thiệt hại kinh tế do dịch gây ra.

Trong khi đó, đại diện Tập đoàn Vingroup kiến nghị các cơ quan chức năng của Chính phủ cần rà soát lại quy định, tạo môi trường đầu tư thông thoáng để khi dịch chấm dứt, doanh nghiệp “rộng tay, rộng chân hơn để phát triển”.

{keywords}
Các doanh nghiệp đang chuẩn bị sẵn sàng tâm thế để sau khi hết dịch phát triển bứt phá, mạnh mẽ hơn

Bà Hồ Ngọc Yến Phương - Phó Tổng giám đốc Vietjet Air, đề xuất cần có các giải pháp về nới lỏng chính sách tiền tệ, giảm lãi suất, tăng cung tiền, giãn thời gian trả nợ cho doanh nghiệp...

Doanh nghiệp này cũng đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường đánh vào giá xăng dầu, bởi chi phí nhiên liệu chiếm tới 30-40% tổng chi phí của một hãng bay. Hiện thuế bảo vệ môi trường đánh vào xăng dầu là 3.000 đồng/lít, tương ứng khoảng 22% giá xăng. Hiện giá xăng dầu giảm mà thuế thì không nên doanh nghiệp vẫn mất một khoản chi phí lớn.

Bà Phương cũng chỉ ra sự cần thiết triển khai đồng bộ các gói giải pháp kích cầu tiêu dùng, du lịch. Trong giai đoạn này, cần thúc đẩy thu hút đầu tư, trong đó bao gồm hạ tầng hàng không như nhà ga, sân đỗ, các công trình hàng không... ; khuyến khích đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài thông qua các biện pháp như hỗ trợ thủ tục, chính sách ưu đãi thuế tuỳ theo ngành nghề đầu tư. 

Ông Nguyễn Đăng Quang cho rằng cần hỗ trợ cho xuất khẩu hàng hóa tạo ra chuỗi cung ứng, thu hút nguồn lực từ thế giới vào Việt Nam để sẵn sàng cho các bước kế tiếp. Đồng thời, đề xuất các doanh nghiệp của Việt Nam cần liên kết với nhau, cùng với sự định hướng tập trung theo nhóm ngành lớn tạo thành chuỗi liên kết để đảm bảo an sinh xã hội, an toàn, ổn định.

Cũng tại cuộc làm việc với Thủ tướng, một tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng khẳng định sẵn sàng chia sẻ khó khăn với Nhà nước, có thể trích bớt lợi nhuận để giảm lãi suất. Còn lãnh đạo các bộ, ngành thông tin cụ thể hơn về các gói hỗ trợ tài chính, tín dụng; khẳng định tinh thần luôn ủng hộ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp.

Tâm An