Thử thách Momo là gì?
Vài ngày trở lại đây, trên báo chí và các trang mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin về Momo Challenge hay Thử thách Momo. Đó là những đoạn video có chứa hình ảnh một người phụ nữ có hình hài đầu người, mình chim, tóc đen, mắt lồi. Những thông tin lan truyền trên Internet cho rằng, Momo Challenge sẽ hướng dẫn trẻ nhỏ cách để tự làm tổn thương mình, thậm chí là tự tử.
Nhiều câu chuyện thêu dệt về Thử thách Momo đang được lan truyền trên các trang mạng xã hội. |
Trước sự lo lắng của các bậc phụ huynh khi lo sợ những đoạn clip được phát tán trên Youtube sẽ gây ảnh hướng xấu đến trẻ nhỏ, mới đây, trang mạng xã hội chia sẻ video này cho biết, Youtube không cho hiển thị bất kỳ một thông tin quảng cáo này liên quan tới Momo Challenge, bất kể người mua quảng cáo có là ai đi chăng nữa.
Theo TheVerge, nhiêu kênh truyền thông lớn như CBS, ABC, CNN, Fox,... đã cho đăng tải các phân đoạn về Momo Challenge. Tuy nhiên, những video này không kiếm được tiền và Youtube đã có cảnh báo tới người xem về nội dung gây rối.
Theo xác nhận của Youtube, mọi nội dung chứa Momo Challenge đều vi phạm các nguyên tắc nội dung thân thiện đối với nhà quảng cáo. Do đó, những video dạng này sẽ không thể hiển thị quảng cáo. Điều đó cũng có nghĩa người phát tán video sẽ không được lợi gì khi chia sẻ các Thử thách Momo này.
Nhân vật Momo thực chất là một tác phẩm điêu khắc có tên "Chim mẹ" của nghệ sĩ Nhật Bản Keisuke Aisawa. Hình ảnh đáng sợ của nó lần đầu xuất hiện vào năm 2016. |
Với những clip có chứa hình ảnh như vậy, trong đó có cả của kênh CBS, Youtube đã cho hiện màn hình cảnh báo trước khi phát các video liên quan đến thử thách này. Thông tin cảnh báo cho biết, đây là những nội dung không phù hợp và gây khó chịu. Được biết, đây là những nguyên tắc được áp dụng từ lâu chứ không phải chính sách mới của Youtube.
Những thông tin trên đã phủ nhận lo ngại của nhiều người về việc có một số kẻ xấu đang cố tình phát tán trào lưu Momo Challenge để kiếm tiền từ quảng cáo trên Youtube.
Momo Challenge có nguy hại như người ta vẫn tưởng?
Câu chuyện về Momo Challenge mới xuất hiện thời gian gần đây khi một tờ báo ở Indonesia cho biết một cô bé đã tự tử sau khi tham gia Thử thách Momo trên WhatsApp. Nhiều kênh truyền thông cho rằng thử thách này là nguyên nhân dẫn tới cái chết cho cô bé. Tuy nhiên, thực tế cho thấy chưa có báo cáo nào về hậu quả của Momo Challenge đối với trẻ nhỏ.
Nhiều thông tin cho biết Thử thách Momo gây ảnh hưởng tâm lý không tốt đến trẻ nhỏ. |
Dù được lan truyền ồ ạt bởi giới truyền thông, Momo Challenge và hậu quả của nó thực chất là một thông tin giả mạo. Đây thực ra chỉ là một câu chuyện được cường điệu hoá so với thực tế. Chúng sau đó được các trang truyền thông vô tình hoặc cố tình đẩy thành một hiện tượng để kiếm view (lượt xem).
Các bậc phụ huynh không cần quá lo lắng trước trào lưu Momo Challenge. Thay vào đó, điều mà xã hội cần làm là hạn chế việc phát tán và cường điệu hoá thử thách này.
Trong thời gian gần đây, trên mạng xã hội Facebook đang xuất hiện khá nhiều các tài khoản và fanpage liên quan đến Momo Challenge. Chính chúng ta chứ không phải ai khác là người chịu trách nhiệm cho việc cổ súy hành vi phát tán nhân vật kinh dị, phản cảm và nguy hại này.
Việc các kênh thông tấn đăng tải nhiều tin tức về Thử thách Momo đã vô tình tiếp tay làm cường điệu hoá tin đồn này. |
Cần chung tay chặn đứng tác hại của Momo Challenge
Trước sự lo lắng của các bậc phụ huynh và toàn thể xã hội, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử (Bộ TT&TT) đã yêu cầu Google gỡ bỏ và tăng cường bộ lọc, kiểm duyệt các clip có nội dung độc hại để không còn tiếp tục xuất hiện trên Youtube.
Bên cạnh đó, yêu cầu phía Google có bộ lọc, chặn những nội dung hướng dẫn tự sát này xuất hiện trên YouTube thay vì chờ gỡ.
Trong trường hợp phát hiện ra những đoạn clip có nội dung bạo lực, hướng dẫn tự sát, người dân có thể phản ánh đến Cục thông qua đường dây nóng: 0899.888.222 và 0896.888.222; hoặc ứng dụng Zalo/Viber/Whatsapp: 0899.888.222 và 0896.888.222; thư điện tử: [email protected] và [email protected].
Ngoài ra, người dân cũng nên cung cấp thêm tên và số điện thoại khi gửi tin nhắn để Cục tiện liên hệ lại khi cần. Các thông tin cá nhân sẽ được bảo mật.
Trọng Đạt