Cọ là cây đặc trưng ở vùng núi trung du, trong đó được phân bố nhiều nhất ở Phú Thọ, Yên Bái, Nghệ An, Hà Tĩnh... Cây cọ mọc hoang trên đồi, trong rừng và được trồng để phủ xanh đất trống, đồi trọc, làm hàng rào. Lá cọ được dùng để lợp nhà, hàng quán và các khu chợ.
Theo người dân địa phương, những cây cọ bắt đầu ra hoa, kết quả vào giữa tháng 7 Âm lịch. Khoảng 3-4 tháng sau đó là thời điểm quả cọ bắt đầu chín, vỏ màu xanh đậm rồi ngả dần sang xanh da trời. Tùy theo điều kiện thời tiết mà mùa cọ chín có thể kéo dài tới vài tháng. Quả cọ bắt đầu được bán vào khoảng tháng 10, 11 Âm lịch.
Công việc thu hoạch quả cọ rất vất vả, khó khăn. Để hái được những quả cọ trên những cây cao, chi chít gai, người hái thường phải leo lên cây hoặc dùng sào để hái, nếu không cẩn thận sẽ làm quả cọ bị sây sát, giảm độ ngon và nhanh hư hỏng.
Thoạt nhìn bề ngoài, quả cọ trông khá giống quả trám. Nhưng nhìn kỹ sẽ thấy sự khác biệt bởi quả trám hình thoi còn quả cọ có hình cầu.
Quả cọ chỉ nhỏ bằng ngón tay cái người lớn, có hình bầu dục, to hơn thì độ 2 đầu ngón tay. Quả cọ chín đạt chất lượng sẽ có màu xanh pha nâu đen, lớp vỏ mỏng dễ bóc và tách lớp, ruột cọ màu vàng đậm, thịt cứng. Quả cọ sau khi hái về sẽ được rửa sạch, loại bỏ bụi bẩn.
Nhưng không phải cây cọ nào cũng cho quả ngon mà phải là cọ nếp. Nhiều khi cả trăm cây cọ ra quả mới có một cây cọ cho quả ngon. Quả cọ ngon thì phần thịt sẽ cho màu vàng óng, thớ quả mịn và ít thô.
Dù có vẻ bề ngoài trông khá bắt mắt nhưng cọ lại có vị rất chát nếu như ăn luôn khi hái trên cây xuống. Vậy nên nhiều người phải mang đi "ỏm" (tức làm chín) để cọ chín mềm. Khi đó, cọ sẽ bớt chát hơn nhiều và mang đến cho người ăn một hương vị khá lạ miệng. Bên cạnh đó, quả cọ còn có thể được chế biến thành nhiều món ngon hấp dẫn.
Trước đây, quả cọ có rất nhiều, đến mùa rụng đen đất, thường bị bỏ đi, rất ít người sử dụng.
Nhưng khoảng chục năm lại đây, nhiều người phá cọ để trồng các loại cây ăn trái khác hoặc xây dựng nhà cửa, công trình, khu công nghiệp. Do diện tích trồng cọ ngày càng thu hẹp nên loại quả này ít dần và trở thành đặc sản, được bán với giá cao.
Hiện, cọ không chỉ xuất hiện nhiều ở các tỉnh miền núi mà còn được bán nhiều ở các chợ thành phố cũng như mạng xã hội.
Gần đây, loại quả này đang rất hot trên các nền tảng mạng xã hội khi nhiều người thi nhau tìm mua, ăn thử và check in thứ quả dân dã này.
Quả cọ thường có giá khoảng 60.000-70.000 đồng/kg nhưng cọ nếp ngon thì giá cao hơn, có khi 100.000-110.000 đồng/kg vẫn "hút" khách tìm mua.
Ngoài loại cọ tươi thì rất nhiều người cũng bán cọ đã "ỏm" sẵn, thực khách chỉ cần mang về ăn luôn. Tuy nhiên, giá sẽ cao hơn cọ tươi từ 5.000-10.000 đồng.
Cọ không chỉ là thức ăn vặt ngon mà còn là nguyên liệu chế biến thành nhiều món ăn ngon. Quả chín có thể ăn sống. Ở vài nơi, cọ nếp được dùng làm bánh dầy. Người ta còn làm cả món dưa cọ ngày Tết hoặc cọ kho cá, kho thịt rất thơm ngon.
Không chỉ là đặc sản, quả cọ còn là món ăn cung cấp một số dinh dưỡng nhất định với cơ thể, thậm chí hỗ trợ điều trị một số bệnh nếu sử dụng hợp lý. Một số nghiên cứu cho thấy trong quả cọ có hàm lượng chất béo, chất đạm, canxi nhất định.
Nhưng không nên sử dụng quá nhiều vì dễ gây nên tình trạng “say cọ”. Ngoài ra, do quả cọ có chất chát nên ăn nhiều có thể gây táo bón, vón cục thức ăn trong ruột. Những người có vấn đề về đường tiêu hóa như bị đầy bụng, khó tiêu, hay táo bón không nên ăn loại quả này.