Từ một làng nghề làm tre trúc truyền thống nổi tiếng, nhiều hộ ở Xuân Lai (xã Xuân Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) hiện tại khấm khá lên nhờ hoạt động sản xuất khẩu trang, đồ bảo hộ y tế.

Theo người dân địa phương chia sẻ, thời điểm đầu năm 2020 khi dịch Covid-19 bùng phát việc tiếp cận và mua khẩu trang tại "thủ phủ" sản xuất khẩu trang lớn nhất miền Bắc này vô cùng khó khăn.

Khẩu trang từng bán "rẻ như cho" bỗng giá tăng gấp 50 lần, tiền mặt chất thành đống từ đầu làng cũng khó mua được

Về làng Xuân Lai những ngày cuối tháng 5, con đường dẫn vào làng giờ đây thông thoáng hơn rất nhiều so với 2 năm trước. Thời được xem là "đỉnh cao", "cả núi" khẩu trang vải ế chỏng chơ bỗng chốc bị "vét" sạch.

Thủ phủ khẩu trang ở Bắc Ninh bây giờ ra sao sau dịch COVID-19?  - Ảnh 2.

Làng Xuân Lai (xã Xuân Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) được gắn liền với cái tên "thủ phủ" sản xuất khẩu trang.

Vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh, các xưởng sản xuất khẩu trang tại thôn Xuân Lai hoạt động hết công suất. Một người bán nước giải khát đầu làng cho biết cách đó 2 năm quán nước của người phụ nữ này không lúc nào hết khách. Xe lớn, xe bé đi vào làng chờ đợi để mua khẩu trang xếp hàng ngày đêm.

"Thời điểm trước lúc dịch, trong làng chỉ có khoảng hơn 10 hộ sản xuất khẩu trang nhưng ngày đó không bán được, có bán cũng bán "rẻ như cho", ế ẩm lắm. Một thùng khẩu trang đang bán 700.000 đồng thì có khi bán thanh lý chỉ 500.000 đồng.

Thế nhưng, đùng một cái dịch Covid-19 xuất hiện có thời điểm giá khẩu trang lên tới 25 triệu đồng/thùng (gấp 50 lần)", bà H. cho biết.

Thủ phủ khẩu trang ở Bắc Ninh bây giờ ra sao sau dịch COVID-19?  - Ảnh 3.

2 năm sau khi dịch bùng phát, thủ phủ khẩu trang lớn nhất miền Bắc không còn cảnh xe lớn, xe bé ngày đêm đi vào làng chờ đợi để mua khẩu trang.

Theo lời bà H., thời gian dịch bùng phát mạnh cũng là lúc hoạt động mua bán ở làng Xuân Lai đông chưa từng có. Là một người sống tại địa phương nhưng bà H. không thể mua được bất kì thùng khẩu trang nào.

"Thời gian đó kể cả người không biết buôn bán cũng có thể kiếm được nhiều tiền. Chỉ chở 1,2 thùng khẩu trang ra đến đầu làng là có thể kiếm được vài triệu đến vài chục triệu nhưng "chịu", người nhà cũng không mua được.

Tôi nhớ thời điểm đó, có người cháu trên huyện đặt mua của một cơ sở sản xuất khẩu trang trong làng 2 thùng khẩu trang nhờ tôi chở hộ ra đầu làng. 2 thùng khẩu trang mua với giá 11 triệu đồng một thùng nhưng khi tôi chở ra đến đầu làng có người sẵn sàng trả 17 triệu/thùng.

Chẳng phải làm gì chỉ mua rồi chở ra đầu làng đã kiếm được nhiều tiền thế rồi mà cũng chịu, mình không mua được. Các nơi họ về họ lấy hết hàng chứ không có hàng tới lượt mình", bà H. cho biết.

Thủ phủ khẩu trang ở Bắc Ninh bây giờ ra sao sau dịch COVID-19?  - Ảnh 4.

Từ một làng nghề làm tre trúc truyền thống nổi tiếng, nhiều hộ ở Xuân Lai (Gia Bình) giờ đây còn khấm khá lên nhờ hoạt động sản xuất khẩu trang bảo hộ, y tế.

Theo bà H., lúc "sốt" hàng, giá khẩu trang lên tới đỉnh giá là 25 triệu đồng/thùng. Nhiều người bán lẻ đến các xưởng xếp hàng từ 5-6h sáng để chờ mua. Đến 8h sáng đã "cháy" kho.

"Thời gian đó nhiều người dân làng Xuân Lai giàu lên sau một đêm. Tôi bán nước ở đây chứng kiến, khách mua khẩu trang đi ô tô tiền mặt xếp trên bàn nhiều vô kể. Bây giờ các anh đến đây thấy đường thông thoáng chứ lúc đang dịch ngoài đường nhộn nhịp xe cộ, người đi người vào làng đông lắm", bà H. nói.

Đi sâu vào làng, chị L.A. (chủ một cơ sở sản xuất khẩu trang) nhớ lại lúc cao điểm kinh doanh, xưởng của vợ chồng chị hoạt động hết công suất cả ngày lẫn đêm. Thậm chí, theo chủ cơ sở này thời gian vừa làm xưởng xong, máy nhập về thì lao vào sản xuất luôn không kịp thành lập công ty.

Thủ phủ khẩu trang ở Bắc Ninh bây giờ ra sao sau dịch COVID-19?  - Ảnh 5.

Trái với khung cảnh lúc cao điểm kinh doanh, các hộ luôn kín cổng cao tường, đang hoạt động hết công suất thì hiện tại hoạt động sản xuất, mua bán khẩu trang tại đây đã trở nên ảm đạm.

"Trước lúc dịch anh nhà tôi cũng định mở xưởng rồi nhưng khi đó ông bà bắt phải lấy vợ mới đầu tư tiền mua máy móc. Hai vợ chồng vừa lấy nhau thì đúng lúc dịch Covid-19 ập đến thế là quyết định mua máy móc về làm luôn.

Lúc máy về đến xưởng, hai vợ chồng tôi lao vào làm không kịp thành lập công ty. Một thời gian sau khi hàng chững lại mới có thời gian mở công ty, kiểm định và đăng ký ISO", chị L.A. cho biết.

Theo lời chị L.A., thời gian cao điểm nhất doanh thu mỗi tháng của xưởng lên tới 8 tỷ đồng. Trừ đi tiền nhập vải, tiền nhân công... mỗi tháng vợ chồng chị A. lãi khoảng 1 tỷ đồng. Tiền về dồn dập khiến chị phải xếp vào bao tải mới đủ.

"Thời gian đó toàn bộ các xưởng trong làng đều giao dịch bằng tiền mặt vì số tiền quá lớn. Ai có tiền mặt thì chúng tôi mới bán", chị L.A. cho biết thêm.

Hết dịch, máy móc nằm "đắp chiếu", phải bán tháo để gỡ vốn

Theo chị L.A., thời điểm hiện tại, do nhu cầu thị trường đã giảm mạnh, nhất là thị trường trong nước, kéo theo việc sản xuất, kinh doanh cũng vì thế mà trầm lắng theo. Ngay tại làng khẩu trang, nhiều hộ kinh doanh đã dừng chạy hàng từ hơn một tháng nay do ế ẩm. Thậm chí, một số hộ đã rao bán máy móc, vải, nguyên phụ liệu… để chuyển nghề do không có đầu ra.

Thủ phủ khẩu trang ở Bắc Ninh bây giờ ra sao sau dịch COVID-19?  - Ảnh 7.

Do nhu cầu thị trường đã giảm mạnh, nhất là thị trường trong nước kéo theo việc sản xuất, kinh doanh cũng vì thế mà trầm lắng theo.

"Giá khẩu trang hiện tại chỉ còn 700.000-1.000.000 đồng/thùng khiến khách không còn "mặn mà". Khách quen trong nước giờ cũng lác đác, người hẹn vài thùng. Vừa xong tôi chở ra cho khách quen 2 thùng chứ trước làm gì có thời gian.

Thậm chí ngày đó khách người ta vào tận nhà chờ lấy hàng còn không có. Có người tự đóng khẩu trang vào thùng, đóng được bao nhiêu họ lấy bấy nhiêu vì xưởng không có người làm. Trước ngày đang đếm nhiều tiền quen giờ lác đác khách cảm thấy "không có tiền", chị L.A. cười.

Thủ phủ khẩu trang ở Bắc Ninh bây giờ ra sao sau dịch COVID-19?  - Ảnh 8.

Tại làng khẩu trang, nhiều hộ kinh doanh đã dừng chạy hàng từ hơn một tháng nay do ế ẩm.

Đi sâu vào làng Xuân Lai thời gian này hỏi mua máy làm khẩu trang thì chỉ cần đi dọc đường hỏi sẽ được chỉ ngay tới hàng loạt hộ muốn bán. Theo lời người dân trong làng, thị trường khẩu trang hiện nay bão hòa khiến giá máy làm khẩu trang loại mới hiện nay chỉ có giá dao động từ 500-800 triệu đồng.

"Năm 2020, nhiều gia đình thấy việc sản xuất khẩu trang kiếm lời nhiều nên bỏ ra 3-4 tỷ đồng để mua máy nhưng đến giờ khẩu trang không bán được phải bán thanh lý máy với giá 150-200 triệu đồng. Có người rao bán rất lâu cũng chẳng có người mua.

Một số nhà mua máy mới về kho còn chưa bóc tem vì không có đầu ra", chị L.A. cho hay.

Thủ phủ khẩu trang ở Bắc Ninh bây giờ ra sao sau dịch COVID-19?  - Ảnh 9.

Bỏ ra hàng tỷ đồng mua máy làm khẩu trang, giờ đây nhiều hộ dân tại thủ phủ khẩu trang đang tìm cách bán tháo để hoàn vốn.

Gia đình chị Hằng (thôn Xuân Lai) kể từ sau khi thị trường khẩu trang ảm đảm cũng đánh tiếng muốn bán máy. Thấy thị trường khẩu trang "sốt" vợ chồng chị quyết định bỏ ra một số tiền chung với bạn để mua máy về sản xuất. Tuy nhiên đầu tư từ đợt dịch năm 2020, đến nay chị Hằng vẫn chưa gỡ lại được số vốn đã bỏ ra.

"Gia đình tôi làm mây tre đan là nghề chính hơn 20 năm nay. Thời gian trước thấy sản xuất khẩu trang phát triển nên 2 vợ chồng mới quyết định chung tiền với bạn mua máy. Ngày đấy cũng tính toán khẩu trang bán chạy với giá cao như thế thì chẳng mấy mà lấy lại vốn nên vợ chồng mới quyết định đầu tư.

Giờ thị trường ảm đạm nên cũng không mặn mà nữa. Gia đình cũng có nghề truyền thống nên giờ cũng muốn bán máy đi để lấy lại vốn. Máy móc giờ mất giá vợ chồng tôi lại lỗ thêm một khoản", chị Hằng nói.

(Theo Tổ Quốc)

Vỡ mộng làm giàu, giới sản xuất khẩu trang ồ ạt bán tháo, thanh lý thiết bị

Giá khẩu trang y tế liên tục sụt giảm khiến giới sản xuất điêu đứng, lỗ "chổng vó". Để hòa vốn, nhiều công xưởng còn phải liên tục bán tháo, thanh lý thiết bị, máy móc.