Một bản làng nghèo khó của xã Châu Bình (Quỳ Châu, Nghệ An) bỗng chốc trở nên nổi tiếng, khiến hàng nghìn người dân và giang hồ tứ chiêng kéo đến tìm vận may. Ở xứ sở mà “cứ vốc 1 nắm đất lên là gặp đá quý” có những người bỗng dưng đổi đời sau 1 đêm nhưng cũng có ngày 75 người bỏ mạng ngay trên đồi.
Gặp người nhặt được đá đỏ tiền tỷ: 'Nhà tôi nghèo lắm'
Bất ngờ nhặt được viên đá quý gần 700 triệu khi đang... đi dạo
“Mới cuối năm ngoái đây thôi, anh Hồ Văn Q. (xóm Quỳnh 1) đi kiếm củi ở khu vực Trại Bò, bị trượt ngã. Lúc bò dậy, thấy có 1 vật màu đỏ dính vào đế giày, cứ ngỡ là mảnh vỡ của đèn pha, cạy ra mới biết là 1 viên hồng ngọc, bán được 1,1 tỷ đồng. Người mua đá sau đó bán qua tay cho lái buôn được 5 tỷ đồng. Còn những viên đá màu bán dăm triệu thì người dân ở đây thỉnh thoảng vẫn nhặt được”, ông Lang Thanh Hoài -Trưởng Công an xã Châu Bình kể.
Khu vực đồi Tỷ thuộc bản Khoang (Châu Bình, Quỳ Châu, Nghệ An), nơi được xem là có trữ lượng đá màu, trong đó chủ yếu là ruby, hồng ngọc rất lớn. |
Câu chuyện của ông Hoài – thôi thúc chúng tôi “xâm nhập” vào lãnh địa đá đỏ một thời. Dường như, ước mơ tìm vận may đổi đời của người dân sống trên kho đá đỏ này vẫn chưa nguội hẳn, dù cơn sốt đá đỏ Quỳ Châu đã lùi xa hàng chục năm trời.
Bản Khoang (xã Châu Bình, Quỳ Châu) một buổi sáng tháng 10, nắng trải vàng ươm trên những cánh rừng xanh ngút mắt. Đường vào đồi Tỷ vắng lặng, toàn sống trâu. Đi qua một chiếc cổng sắt đã rỉ sét của Công ty kim loại màu, qua mấy dãy nhà cấp 4 xập xệ, vượt qua một chặng đường rừng, ông Lang Thanh Hoài chỉ tay vào mỏm đá trước mặt bảo: “Đây là đồi Tỷ. Đồi Tỷ là tên người ta đặt sau khi tìm được nhiều đá đỏ ở đây thôi. Tương tự, bên kia là đồi Triệu, cũng tìm thấy đá đỏ nhưng ít hơn bên này. Ở đồi Tỷ này nhiều người đã đổi đời sau một đêm nhưng cũng tầm 80 người bỏ mạng ở đây, vì đá đỏ cả”.
Thỉnh thoảng người ta vẫn bắt gặp những lời rao bán đá đỏ Quỳ Châu ở trên mạng xã hội. Dù cơn sốt đá đỏ lùi xa ngót 20 năm trời nhưng thảng hoặc, một số người dân đi rừng vẫn nhặt được những viên đá lóng lánh, bán từ vài triệu cho đến hàng tỷ đồng (ảnh facebook). |
Người dân bản Khoang cũng không hề biết mình đang sống trên một kho đá quý cho đến một ngày cuối năm 1990, họ thấy một toán người dân Hà Nam Ninh, nghe đâu là người nhà của một kỹ sư địa chất đi thăm dò khoáng sản – cần mẫn đào bới và mang lên cả vốc đá màu đỏ lóng lánh ở khu vực đồi Tỷ bây giờ.
Chả mấy chốc, thông tin về mỏ đá quý này loang ra, dân tứ xứ ùn ùn kéo đến đông nghìn nghịt cả bản. Người dân bản Khoang cũng hớt hải bỏ ruộng, bỏ vườn nhập cuộc, đi “đào lộc trời”. Những cái tên như đồi Tỷ (rất nhiều đá quý), đồi Triệu (có đá quý nhưng trữ lượng ít hơn), đồi Điên, hòn Mồ Côi… lần lượt được hình thành trong giới dân phu đá.
Những thông tin về người này, người kia đào được những viên đá đỏ (ruby hoặc hồng ngọc) bằng ngón tay, bán 600-700 triệu – một con số khủng khiếp vào thời điểm đó càng củng cố quyết tâm đi tìm vận may của hàng nghìn người.
Già trẻ, trai gái trong xã, ngoài huyện, nhiều nhất vẫn là người Hà Nam Ninh vào, ùn ùn kéo đến, thời điểm phải lên đến vài nghìn người có mặt ở đồi Tỷ, cùng với tay cuốc, tay xẻng. Họ lật tung từng mảng rừng, đào thành những chiếc hố sâu hoắm để tìm đá đỏ.
Dấu tích còn lại của thủ phủ đá đỏ là những hố đào sâu hoắm vẫn chưa thể hoàn lấp. |
Ông Lương Văn Đại – Chủ tịch UBND xã Châu Bình kể: “Thời đó tôi đang là kế toán của HTX, cũng chưa từng biết viên đá đỏ tròn méo như thế nào, chỉ thấy đồi Tỷ, đồi Triệu đông đặc những người. Thời đó đá quý nhiều đến nỗi người ta đồn đại chỉ cần vục tay xuống, vốc 1 vốc đất lên, đãi là ra đá quý.
Người ta giành nhau từng khoảnh đất, xác định lãnh địa riêng, đào hầm tìm đá đỏ. Đào đất tìm đá đỏ chưa hết, người ta đóng đất thành từng bì, bán cho cánh phụ nữ, người già đãi tìm đá, một bì 500-600 nghìn đồng. Họ tìm được nhiều đá lắm, viên đẹp thì bán 600-700 triệu, viên nhỏ xíu cũng vài chục triệu bạc, bằng cả mấy năm làm lúa chứ ít gì. Có nhiều người đổi đời sau 1 đêm, xây được nhà tầng”.
Theo giới thiệu của ông Chủ tịch xã, chúng tôi gặp ông Kim Văn X., ông Lang T.S… - những người được cho là nhặt được đá đỏ và đổi đời, xây được nhà lầu. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ nhận được những cái lắc đầu từ chối khéo. Không ai muốn nhắc tới câu chuyện đổi đời nhờ những viên đá lấp lánh gắn với ký ức đau thương, khổ cực ấy.
Ông Lương Văn Đại - Chủ tịch UBND xã Châu Bình: "Người ta đồn đại, ở đồi Tỷ chỉ cần vốc 1 nắm đất lên, miết cái là gặp đá quý. Ở đồi Triệu thì ít hơn". |
Giấc mơ đổi đời từ những viên đá lấp lánh trong lòng đất có ma lực khủng khiếp. Người ta bất chấp nguy hiểm để khoét rừng, đào rú, chui sâu vào đất để tìm đá đỏ. “Cứ chui vào hầm, một thì đổi đời, giàu có, hai thì bỏ mạng. Đá tìm được không biết là mấy nhưng người chết do sập hầm, do tranh giành lãnh địa, do cướp bóc thì đến gần cả trăm người”, ông Đại kể tiếp.
Ở nơi “hốt đất ra đá đỏ” này bắt đầu hình thành những băng nhóm xã hội, chia nhau cát cứ các khu vực được cho là nhiều đá quý với những Phong “trọc”, Tường “lợn”, Phương “tay trái”, Đường “mặt rộ”, Hà “lỳ”... Những cuộc thanh trừng, tranh giành lãnh đại, cướp bóc diễn ra ngay trên những miệng hầm. Tệ nạn ma túy, mại dâm, bất ổn về an ninh trật tự khiến khu vực này trở thành điểm nóng. Châu Bình thời điểm đó chỉ có màu đỏ của đá, màu đỏ của đất rừng bị xới tung và màu đỏ của máu!
Khu vực đồi Triệu, nơi được xem là có trữ lượng đá quý lớn thứ 2 ở xã Châu Bình. |
Sự việc vượt quá tầm kiểm soát của Công an huyện Quỳ Châu. Tháng 7/1991, Công an tỉnh Nghệ An quyết định điều 2 đại đội cảnh sát cơ động với gần 150 cán bộ chiến sĩ, phối hợp với Công an huyện, công an xã, dân quân tự vệ có mặt, lập lại trật tự nơi đây. Một trạm cảnh sát kinh tế đặc biệt cũng được thành lập.
Cựu Thiếu tá Đặng Trọng Khánh – thời điểm đó là Trung úy, có mặt trong lực lượng của cảnh sát cơ động Công an tỉnh Nghệ An kể: “Thời đó người dân ùn ùn đi tìm đá đỏ mong đổi đời, người chen chúc, ùn tắc cả tuyến đường sắt Vinh – Nghĩa Đàn. Chúng tôi có nhiệm vụ bảo vệ khu vực có khoáng sản đá quý kéo dài từ xã Châu Hồng (Quỳ Hợp) lên Châu Bình (Quỳ Châu), đẩy đuổi, trục xuất người dân khai thác trái phép. Nhưng đẩy chỗ này thì họ tràn sang chỗ khác, đuổi ngày thì họ làm đêm, cả đồi Tỷ, đồi Triệu đêm xuống như một đại công trường, ánh đèn pin dày đặc như sao trên trời…".
Đến tháng 10/1992, tình hình mới được kiểm soát nhưng 1/3 quân số của cảnh sát cơ động vẫn phải để lại, cùng với lực lượng tại chỗ để tiếp tục ổn định an ninh trật tự khu vực. Tuy vậy, cơn sốt đá đỏ vẫn âm ỉ mảnh đất này cho đến cả chục năm sau...
(Theo Dân trí)
Phú Thọ: Dân đổ xô ra sông đãi tìm đá quý
Hàng trăm người dân ở khắp nơi tụ tập tại khu vực bến Chuối, thuộc địa phận thôn 2, xã Đồng Khê (Đoan Hùng, Phú Thọ) để đãi cát, bới sỏi sau tin đồn nhiều người “trúng quả” khi tìm thấy những viên “đá quý”.
Đào tiên thạch anh, nho đá quý giá trăm triệu chơi Tết
Những cây nho cảnh, đào tiên bằng đá quý có giá lên đến 100 triệu đồng đang trở thành trào lưu chơi cây phong thủy mới mẻ trong dịp Tết Nguyên đán 2017.
Đắt như đá quý, đại gia lùng mua sâm Mỹ tẩm bổ
Người Trung Quốc chuộng sâm rừng Mỹ bởi nhân sâm châu Á chủ yếu là sâm trồng với chất lượng thấp. Loại sâm Mỹ 20 năm tuổi có giá trị cao tương đương với đá quý.