Trong văn hóa truyền thống của người Việt, 23 tháng Chạp là ngày cúng Tết ông Công ông Táo. Người dân thường mua cá chép đỏ để làm lễ tiễn ông Công, ông Táo về trời.
Những ngày này, làng cá chép đỏ Thủy Trầm lại nhộn nhịp thương lái đến thu mua cá chép đỏ, đưa ra thị trường phục vụ nhu cầu của người dân.
Cá giống bắt đầu nuôi cách đây 6 tháng, có kích cỡ vừa phải với màu đỏ tươi, vây nhọn, có râu hai bên.
Ông Bùi Đình Chữ (75 tuổi), Trưởng làng nghề cá chép đỏ Thủy Trầm, kể rằng, từ khoảng năm 1960, những con cá chép đỏ đầu tiên của làng được người dân bắt ở sông Hồng có màu đỏ óng ánh rất lạ và đẹp, sau đó được mang về nuôi và sinh sôi nảy nở.
Từ đó, người dân làng Thủy Trầm bắt đầu phát triển nghề nuôi cá chép đỏ.
Theo ông Chữ, vài năm trở lại đây, mỗi năm, làng cung cấp khoảng từ 30-50 tấn cá chép đỏ và được nhiều thương lái khu vực miền Bắc tới thu mua, cung cấp ra thị trường.
Ông Hà Công Vụ là người có diện tích nuôi cá chép đỏ lớn nhất làng với diện tích ao hơn 5 sào. Dự kiến năm nay, ông xuất bán khoảng 7 tạ cá.
Ông Vụ cho biết, mùa cá chép đỏ năm nay, do ảnh hưởng của mưa lũ, diện tích nuôi cá cũng như sản lượng cá trong làng sụt giảm nên giá cá năm nay cao hơn mùa Tết 2024.
"Hiện tại, loại cá vừa, đồng đều, khoảng 50-60 con/kg có giá 150.000 đồng/kg. Loại cá to hơn thì giá rẻ hơn, khoảng 120.000 đồng/kg. Mức giá này cao gấp rưỡi so với mùa cá Tết năm 2024", ông Vụ thông tin.
Ông Đỗ Quang Huy, Bí thư Đảng ủy xã Minh Thắng, cho biết thêm, hiện trên địa bàn xã có khoảng 130 hộ nuôi cá với khoảng 20ha. Mỗi năm, doanh thu từ cá chép mang về cho người dân trên 4 tỷ đồng.