Ở Việt Nam, báo điện tử là loại hình báo chí ra đời và phát triển đã hơn 20 năm. Trong từng ấy thời gian, độc giả đã hình thành thói quen đọc báo miễn phí. Triển khai mô hình báo chí thu phí trong một bối cảnh như vậy chắn chắn gặp nhiều gian nan và thử thách. 

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và truyền thông đã chia sẻ với VietNamNet xung quanh vấn đề này.

{keywords}
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông nói về mô hình báo chí thu phí ở Việt Nam (ảnh: Lê Anh Dũng)

PV: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về xu hướng triển khai mô hình thu phí với các báo điện tử Việt Nam hiện nay?

Ông Nguyễn Thanh Lâm: Cơ hội chắc chắn là không đến với tất cả mọi người. Nó chỉ đến với những bộ óc đã được chuẩn bị, là đến với những cơ quan đã có thương hiệu, đã có tiếng nói, đã có chỗ đứng trong lòng độc giả. 

Tuy nhiên, sự cạnh tranh sẽ là rất lớn. Trong thời đại hệ sinh thái số đang phát triển mạnh mẽ, các nội dung online miễn phí rất hấp dẫn, đa dạng. Đó có thể là bằng âm thanh, hình ảnh, văn bản, bài viết và được cung cấp bởi các nền tảng công nghệ khác nhau trên toàn thế giới. Báo chí chỉ là một phần trong hệ sinh thái nội dung số thôi. 

Làm nội dung số không thôi đã khó, lại còn thu phí ở đó nữa, lại rất khó. Vì thế, miếng bánh thu phí ở nội dung báo chí giờ đây đã trở nên hẹp hơn. 

Tôi không nhìn nhận báo chí thu phí ở Việt Nam giống như một trào lưu. Hiện, mới chỉ có 3 tờ báo triển khai mô hình này là VietnamPuls, tạp chí Ngày Nay và VietNamNet nên chưa thể có dữ liệu thực tế để đánh giá cụ thể.

Khi dịch bệnh Covid-19 bùng nổ, người dân trên toàn thế giới tiêu thụ các nội dung online nhiều hơn. Việt Nam lại đang chuyển đổi số mạnh mẽ ở mọi ngành, mọi lĩnh vực. Đây chính là thời điểm chín muồi để báo chí Việt tham gia cuộc chơi. Nhưng chắc chắn, sẽ cần những bước được chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng và cơ hội chỉ dành cho một số thôi. 

PV: Độc giả đã quen với đọc miễn phí. Các tờ báo Việt Nam mở ra mô hình này liệu có bị mất độc giả, thưa ông?

Ông Nguyễn Thanh Lâm: Thực ra, chính cách làm báo miễn phí hiện nay mới khiến chúng ta bị mất độc giả. Ngày xưa, chúng ta bán báo (báo giấy), chúng ta luôn biết độc giả của mình là ai? Người ta mua để đọc thật, vì có nhu cầu thật. 

Còn giờ, người ta xem một bản tin mà đôi khi chẳng cần biết, bản tin đó là của tờ báo nào, hay là của một trang thông tin ngoài luồng nào đó.

Những thông tin thuộc về thói quen, thị hiếu giờ không ở các báo mà lại nằm trên các nền tảng công nghệ. Các báo không những mất doanh thu (doanh thu bán báo) mà còn có khả năng mất thứ quan trọng nhất, mất độc giả. 

Mô hình thu phí độc giả, ngoài ý nghĩa tìm một nguồn tiền mới, còn là câu chuyện ta quay về với độc giả đích thực. Khi quay về độc giả đích thực thì phải chăng là chúng ta đang quay về với nghề báo đích thực. 

{keywords}
Làm mô hình báo chí thu phí chính là tìm lại giá trị cốt lõi của nghề báo

PV: Theo ông, các tờ báo làm thế nào để thay đổi được thói quen độc giả, từ đọc miễn phí sang trả phí?

Ông Nguyễn Thanh Lâm: Không nói riêng báo chí mà lĩnh vực kinh doanh nói chung, cái khó nhất, tốn kém nhất mà nhiều khi vẫn thất bại là thay đổi thói quen của khách hàng. 

Khách hàng đang nhìn nhận mình như này rồi mà bảo người ta nhìn nhận khác đi là vô cùng vất vả. Tuy nhiên, điều đó không phải là không thể làm được nhưng là quá trình khó khăn, lâu dài. 

Cho nên, việc chuyển đổi sang thu phí độc giả không thể là một quyết định duy ý chí được. Các tờ báo sẽ phải phân tích kỹ và không bao giờ được xem nhẹ những điều này. 

Để thay đổi thói quen của độc giả, sẽ không có một kịch bản giống nhau cho từng cơ quan báo chí. Nó sẽ phải xuất phát từ việc, tờ báo hiểu sâu sắc về nhóm đối tượng độc giả của mình là những ai? Việc này có thể thấy qua các công cụ đo kiểm.

Có khi, mình tưởng mình là một tờ báo như này, nhưng độc giả lại định vị mình là một tờ báo như thế kia. 

Loại nội dung mà người ta đọc trên báo mình có phải là loại nội dung ngày mai người ta sẵn sàng trả phí để đọc không? Chúng ta nghĩ rằng, chúng ta sẽ mang tới cho độc giả những cái khác hay hơn, nhưng liệu đó có phải là thứ mà độc giả trung thành kỳ vọng không?

Không có công thức cố định nào cho vấn đề này. Tất cả những câu hỏi đó chỉ có thực tế quá trình làm mới có thể trả lời được. 

Nhưng nhìn chung, những thông tin chạy theo sự kiện, bản chất là đẩy view mà ít bản sắc của tờ báo thì khó có thể thu phí được.

Ví như thông tin về Covid-19, câu chuyện sâu sắc về Covid-19 có khi ít người đọc hơn so với các bản tin về người này người kia dương tính đi đâu. Những tin mang tính thị hiếu đó chắc chắn không phải nội dung cốt lõi để chúng ta làm báo chí thu phí được. Và đối tượng độc giả sẵn sàng trả phí bao giờ cũng ít hơn nhóm độc giả muốn xem miễn phí. 

PV: Vậy ông nhìn nhận, đâu sẽ điểm cốt lõi để chúng ta tin rằng, mô hình thu phí báo chí ở Việt Nam sẽ thành công?

Ông Nguyễn Thanh Lâm: Câu chuyện này sẽ không diễn ra bằng phẳng. Đây là một quá trình vừa phải truyền thông mạnh mẽ để góp phần thay đổi nhận thức trong xã hội vừa phải làm cho độc giả thấy, sự khác biệt giữa nội dung miễn phí và thu phí. Những nội dung miễn phí đã tới giới hạn với những thông tin trôi nổi, thật giả lẫn lộn.

Tôi tin một xu hướng là, trong biển thông tin hiện nay, người ta rất mau chóng mệt mỏi và chỉ muốn có vài thứ vào đầu mình hàng ngày, để giúp mình sống tốt hơn, làm việc tốt hơn, nâng cao chất lượng cuộc sống của mình. 

Và để đáp ứng nhu cầu đó, sẽ phải có chi phí là bình thường.

Hiện nay, chi phí cho nội dung số chưa phải là chi phí cao trong rổ chi phí của một gia đình. Một tháng ta bỏ mấy trăm nghìn đồng mua băng thông internet, về bản chất cũng chính là trả tiền cho nội dung thông tin.

Chỉ có điều, doanh thu đang chỉ thuộc về các nhà mạng. Đã có lúc ta đặt vấn đề, phải chăng các nhà mạng nên chia sẻ lợi ích cho các cơ quan báo chí? Phải chăng, chúng ta cần phân phối lại doanh thu đó.

Mở ra nội dung thu phí, không phải là điều gì sáng tạo. Nhưng đó là xu thế tất yếu khi các nội dung miễn phí đã tới giới hạn. 

Như tôi muốn nhấn mạnh, cơ hội không đến với tất cả mọi người. Thu phí ở đây không phải là đi tìm một nguồn tiền mới, mà chính là dịp để mình trở lại giá trị cốt lõi căn bản của báo chí ban đầu. Ngày xưa, ta làm báo là ta bán báo mà, có gì mới đâu. Chẳng qua, ta chuyển từ không gian thực lên không gian số thôi. 

Cảm ơn ông!

Phạm Huyền (thực hiện)

  >>> Trải nghiệm không gian đọc báo Premium TẠI ĐÂY

Chuyện bán báo và kinh doanh báo chí

Chuyện bán báo và kinh doanh báo chí

Ngày tôi mới khởi sự làm tạp chí, có hai con số cực kỳ đau đầu mà chúng tôi phải tính toán và quyết định: Giá bìa và đơn giá quảng cáo tiêu chuẩn.