Tôi nhớ một câu nói nổi tiếng về tiền bạc của Aristotle Onassis “Nếu phụ nữ không tồn tại, tất cả tiền bạc trên thế giới này đều trở nên vô nghĩa”. Bởi vậy, đừng nói là mấy đồng lương tính bằng tiền triệu, kể cả thu nhập tính bằng tiền tỷ tôi cũng sẽ tôn trọng và đưa hết cho vợ mình.
Thấy mọi người bàn cãi xung quanh chuyện tiền vợ tiền chồng nhiều quá nên tôi cũng xin phép được có ý kiến bày tỏ quan điểm riêng của mình. Đồng thời góp ý với bạn Quang Đại, tác giả bài chia sẻ “Có nên hủy hôn khi vợ sắp cưới khăng khăng đòi giữ tiền”.
Ảnh minh họa |
Như quan điểm tôi đã khẳng định, nếu tôi làm một người chồng thì đừng nói là mấy đồng lương tính bằng tiền triệu, kể cả thu nhập tính bằng tiền tỷ tôi cũng sẽ tôn trọng và đưa hết cho vợ.
Tôi chưa có vợ nên có thể nhiều người cho rằng tôi đang khoác lác. Nhưng xuất phát từ thực tế những gì xung quanh và từ chính cuộc hôn nhân của bố mẹ mình, tôi cho rằng vấn đề tiền bạc trong gia đình hoàn toàn nên để người vợ “tay hòm chìa khóa”.
Bởi vì như một chị đã nói, phụ nữ về khoản tính toán lặt vặt bao giờ cũng tốt hơn đàn ông rất nhiều. Đầu óc đàn ông là để nghĩ những việc lớn, kiếm tiền về cho vợ con chứ không phải ngày ngày quanh quẩn cơ quan, cuối tháng lĩnh lương rồi “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành” với vợ.
Hơn nữa phải tự hỏi bản thân, vợ là ai. Vợ chính là người mình yêu thương nhất (không phải nhiều người yêu sống chết để cưới được nhau sao), là người sẽ cùng mình đi đến cuối cuộc đời và chăm lo cho mình từng miếng ăn giấc ngủ. Để nói hết công lao của người phụ nữ trong gia đình thì chẳng giấy mực nào tả hết. Tôi nói những điều trên là xuất phát từ chính những gì tôi cảm nhận ở mẹ mình.
Quay lại chuyện tiền nong, khi đã là vợ chồng mà cứ khăng khăng phân ra tiền anh tiền tôi thì hai từ gia đình nó còn có ý nghĩa gì. Để vợ giữ tiền, đến khi có việc thì hỏi vợ tôi thấy việc đó cũng không có gì là nhục nhã. Vợ làm thế là muốn tốt cho gia đình.
Như bản thân tôi, có tiền trong tay là tiêu chẳng cần nghĩ. Có khi không định tiêu, nhưng cứ dắt ví tiền triệu đề phòng trường hợp phát sinh. Mà đã có tiền trong tay thì không việc nọ cũng trò kia, tiền trong túi cứ tự động mà ra đi hết tờ này đến tờ khác. Thử hỏi nếu không có người vợ làm “két sắt” cho mình, những người đàn ông như tôi đến bao giờ mới có được tích lũy.
Phụ nữ quan hệ xã hội ít hơn, thời gian ngoài công việc chủ yếu giành cho gia đình nên để họ giữ tiền là rất hợp lý. Hơn nữa là giữ để chi tiêu chung, chứ đâu như kiểu cướp bóc sức lao động của mình như mấy anh nói quá lên.
Trong gia đình tôi, bố tôi làm giám đốc một chi nhánh ngân hàng thu nhập khá. Trong khi mẹ tôi chỉ là nhân viên với đồng lương ít ỏi, vậy nhưng tháng nào bố tôi cũng mang toàn bộ thu nhập về đưa mẹ tôi. Ông chỉ việc lo cho công việc, tiền nong mẹ tôi cầm bà sẽ tính toán chi tiêu sinh hoạt. Ngoài ra còn lo cho mấy anh em tôi đứa nào cũng được đi du học.
Sau giờ làm việc bố tôi có thể thoải mái về với gia đình, vì mọi thứ ở nhà đã có mẹ tôi lo toan. Chưa một lần thấy bố mẹ tôi mâu thuẫn hay cãi vã nhau chuyện tiền bạc. Cuộc sống như thế không phải là sướng hay sao mà nhiều anh đàn ông cứ phải đắn đo chuyện đưa hay không đưa tiền cho vợ giữ.
Bố tôi bảo tiền nong sẽ chẳng giúp ích gì cho gia đình nếu không có người phụ nữ cất giùm và khéo tính toán. Vậy nên học hỏi từ chính bố mẹ mình, đừng nói mấy đồng lương tính bằng tiền triệu, kể cả tiền tỷ tôi cũng sẽ chọn cách đưa hết cho vợ cất giữ.
Độc giả Ngọc Kiên (Hà Nội)