Sở hữu một chiếc ô tô nhanh chóng với số tiền bỏ ra ít hơn giá trị xe, phần còn lại để trả góp dần trong 5-10 năm thì ai cũng mong muốn, nhưng nếu điều kiện tài chính chưa cho phép mà cố gồng mình đi mua thì có nên không?
Có trong tay khoảng 200 triệu tiền mặt với thu nhập hàng tháng từ 30-40 triệu, anh T.P (Hai Bà Trưng, Hà Nội) quyết tâm bàn với vợ chuyện mua xe ô tô trả góp. Theo chia sẻ, anh P hiện đang là giám đốc kinh doanh của một công ty trong lĩnh vực sữa nhập khẩu. Nơi anh làm việc cách nhà khoảng 15-18km, di chuyển xe máy mất 2-3 tiếng mỗi ngày.
Nếu có một chiếc xe ô tô thì thời gian này giảm còn 1,5 giờ do được đi vào làn ô tô trên cao tốc. Con cái cũng sẽ được bố đưa đón cùng đường luôn, không sợ nắng mưa khói bụi gì cả. Cuối tuần thì gia đình có thể đánh xe ra ngoại thành đi chơi, đi picnic, về quê thăm ông bà rất tiện và thoải mái.
Ảnh minh họa. |
Thế nhưng vợ anh thì gàn. Chị lấy lý do con cái đang tuổi ăn tuổi lớn, còn cần nhiều khoản lo cho con nữa. Thứ hai, 1 chiếc xe ô tô rẻ nhất trên thị trường hiện nay sau khi tính mọi loại phí cũng vào khoảng 500 triệu. Giả sử anh chị chi hết 200 triệu sẵn có, trả góp ngân hàng trong 5 năm với lãi suất 9-11% thì mỗi tháng cũng ngót 10-12 triệu tiền lương rồi. Chưa kể khi gia đình có việc gấp cần nhiều tiền như cưới xin, ốm đau…thì vợ chồng lại phải đi vay.
Không chỉ riêng anh P, rất nhiều gia đình hiện nay đang có cùng mối băn khoăn này. Lựa chọn chờ tài chính rủng rỉnh rồi trả hết tiền hay mua xe trả góp cũng đều có ưu nhược điểm riêng.
Một số người cho rằng, khi tài chính chưa vững, còn vướng bận nuôi con cái thì các ông chồng không nên vội vàng mua xe. Giống như lời phát biểu của chị vợ trên, việc nuôi 2 con ăn học phát sinh nhiều chi phí tốn kém. Chưa kể tiền sinh hoạt, ốm đau, biếu ông bà nội ngoại…cũng chiếm 1 khoản lớn rồi.
Thứ hai, mua xe khi chưa đủ tiền phải trả góp thì sau 5 năm tính ra số tiền là không nhỏ. Khi trả xong nợ nần, chiếc xe đã cũ đi rất nhiều, nếu muốn lên đời xe lại phải đi vay mượn tiếp.
Thứ ba, việc vay vốn và làm thủ tục mua xe yêu cầu khách hàng thế chấp hoặc chứng minh thu nhập tài chính cá nhân. Nếu thế chấp bằng chiếc xe mới mua thì người mua phải mua bảo hiểm do chính ngân hàng cho vay chỉ định. Điều này đồng nghĩa với việc khách hàng sẽ bị động trong việc lựa chọn gói bảo hiểm và hãng bảo hiểm theo ý mình.
Thế nên chúng ta nên chờ thêm một thời gian nữa cho tình hình tài chính dư dả hơn rồi hãy quyết định.
Ngược lại với quan điểm trên, một số người cho rằng: Mua xe là để bảo vệ gia đình sức khỏe tính mạng người thân. Vay trả góp nợ một tí nhưng có động lực kiếm tiền, cho dù có khó khăn phá sản quay về 10 năm trước cũng vẫn còn cơ hội mua lại xe khác. Trước giờ số người chết vì tai nạn giao thông vẫn nhiều hơn số người chết vì phá sản.
Nếu mua trả góp xe ô tô như anh P bây giờ thì cả gia đình anh sẽ sớm được tận hưởng sự thoải mái, tiện nghi và an toàn từ việc sở hữu ôtô ngay từ khi còn trẻ. Sau một thời gian nữa xe bị cũ và không thể sử dụng thì anh P vẫn còn đủ thời gian từ 5-10 năm để làm việc. Anh vẫn có thể trả góp một chiếc xe mới từ thời điểm đó.
Dù sao thì cũng tận hưởng xe hơi từ lúc trẻ chắc chắn là thích hơn lúc già. Trẻ mới có nhiều thời gian và sức khỏe cho những chuyến dã ngoại cùng bạn bè và gia đình. Và thời gian tận hưởng lên đến 50 năm thay vì chỉ 20 năm cuối đời.
Đối với vấn đề thu nhập: Nếu trừ hết các chi phí sinh hoạt và nuôi con mà dư giả khoảng 20 triệu thì mu axe ô tô trả góp là phương án hợp lý, nếu thấp hơn mức đó thì người mua cũng nên suy nghĩ lại.
Thu nhập tới 30-40 triệu, đã có nhà như gia đình anh P thì việc bỏ ra một khoảng tiền là 10-12 triệu để trả góp chiếc xe cũng không bí bách quá.
Hiện nay đề tài này vẫn còn gây bối rối cho nhiều người. Nếu là bạn, bạn có chấp nhận một khoản vay ngân hàng, trả góp trong 5 năm để có được 1 chiếc xe từ khi con trẻ không? Hay để dành số tiền đó cho gia đình và hưởng thụ tuổi già của mình.
(Theo VTC News)