Bằng những nỗ lực không mệt mỏi, ông Thục đã tạo ra quần thể lim xanh độc đáo ở xứ Thanh.
Ông Thục vốn là người dân vùng biển của xứ Thanh. Năm 1962, nghe theo tiếng gọi lên khai hoang miền Tây của tỉnh Thanh Hóa, ông đã lên đường. Ngày đó, rừng già xứ Thanh còn bạt ngàn. Nhưng chỉ sau thời gian ngắn, những cánh rừng cổ thụ cứ mất dần đi. Trong đó có những cây lim xanh to bằng 2 người ôm bi đốn hạ.
Rừng lim xanh mướt của ông Thục. |
Suốt những năm sống ở rừng, nên ông Thục hiểu được lợi ích từ rừng. Nhìn những cánh rừng cổ thụ bị tàn sát, ông Thục như cảm thấy có ai cắt vào lòng mình vậy. Năm 1997, Nhà nước có chủ trương giao đất, giao rừng, ông Thục đã mạnh dạn nhận trông 30ha rừng. "Khi đó, khắp nơi chỉ còn lại cây bụi. Trong đó có những cây lim xanh tái sinh chỉ to bằng cổ tay. Tôi chỉ nghĩ rằng, mình cứ giữ lấy nó. Rồi khu đồi trọc này sẽ thành rừng", ông Thục nhớ lại.
Sau 30 năm trông giữ, ông Thục đã gây dựng được khu rừng rộng 30ha, với cả vạn cây lim xanh. |
Ngoài việc làm nông nghiệp để kiếm kế sinh nhai, nuôi gia đình, ông Thục ngày ngày cuốc hố trồng rừng. Năm nọ nối năm kia, chẳng mấy chôc 30ha rừng dần được phủ xanh. Mồ hôi của ông Thục đổ ra như tưới đẫm vào từng gốc cây. Sau 30 năm, diện tích đồi trọc năm nào đã biến thành rừng cây xanh tốt.
Nhiều cây lim cổ thụ đã được ông Thục trông giữ suốt 30 năm qua. |
Trong khu rừng mà ông Thục bảo vệ có cả vạn cây lim xanh - giống cây bản địa mà chỉ có xứ Thanh còn lưu giữ được nhiều. Nhiều cây to bằng người ôm, tỏa bóng mát tựa như cột chống trời. Rừng lim quý được giữ lại, ông Thực mừng bao nhiêu, ông cũng lo bấy nhiêu. Mỗi cây lim trị giá mấy chục triệu đồng, nhiểu kẻ xấu đã nhòm ngó và vào cưa trộm. Ông Thục chỉ mong, Nhà nước có cơ chế hỗ trợ về kinh phí để ông có thể yên tâm bảo vệ rừng lim xanh quý giá này.
Rừng lim xanh mướt của ông Thục. |
(Theo Dân Việt)