Trương Quang Thái, (Bến Tre), cựu sinh viên chuyên ngành Tổ chức và dàn dựng sự kiện thuộc khoa Quản lý Văn hóa - nghệ thuật (Trường ĐH Văn hóa TP HCM.)

{keywords}
Trương Quang Thái

Hiện tại, Thái  là nhân viên tổ chức sự kiện, Công ty du lịch TransViet ở TP.HCM.

“Ngoài ra em còn làm “thợ đụng” nữa, nghĩa là đụng gì làm đó. Thời gian rảnh, em cùng một người bạn điều hành một dự án nhỏ về kinh doanh thực phẩm. Cuối tuần, nếu có chương trình thì em cũng nhận lời đi hát ở những quán cà phê cho vui” – Thái vui vẻ tiết lộ.

Không luyện thi vẫn đậu thủ khoa ĐH

Cấp ba Thái học Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre), theo ban chuyên Khoa học tự nhiên. Thế nhưng lần đầu thi ĐH vào năm 2010, Thái lại chọn khối D, đậu thủ khoa ngành Xuất bản của Trường ĐH Văn hóa.

Nhớ lại quãng thời gian thi ĐH, Thái cho biết “Mục tiêu của em lúc đó là chỉ cần đậu thôi là được rồi, không nghĩ là sẽ được cao điểm hay gì hết, nên em cũng không đi học thêm suốt ba năm cấp ba hay luyện thi đại học ở bất cứ “lò” nào hết. Em tự học hoàn toàn ở nhà, cái nào không biết thì đọc thêm sách hoặc hỏi bạn”.

{keywords}
Trương Quang Thái đi hát

“Nhưng sau khi học xong một năm thì bản thân em cảm thấy mình phù hợp với ngành Tổ chức sự kiện hơn nên em đã quyết định bỏ học và thi lại”…

So sánh hai thời điểm – khi nhận tin đỗ thủ khoa đại học và tin trở thành thủ khoa đầu ra, Thái cho biết “Thật ra thì lúc đậu đại học em vui hơn vì em biết tin rất bất ngờ. Với lại, vì thi có một trường thôi, nên em cũng hơi lo. Thành ra khi đọc điểm và xem so sánh thấy điểm mình cao nhất, em cũng không tin vào mắt mình.

Hôm trường tổ chức lễ tốt nghiệp, em có lên phát biểu thay mặt sinh viên trường vì là sinh viên tốt nghiệp loại Xuất sắc duy nhất, em thấy bà ngoại và mẹ rất vui”.

Có thể nói “bí quyết” giữ ổn định phong độ học tập của Thái là việc tự học.

“Từ hồi cấp ba em đã thích tự học rồi, nên lên đại học không bỡ ngỡ lắm. Môi trường đại học cũng có cái thú vị riêng của nó, nếu bạn không muốn học thì sẽ thấy rất dễ dàng vì thầy cô không kiểm tra bài vở như hồi cấp ba. Nhưng, nếu muốn học tốt, thực sự phải bỏ ra khá nhiều thời gian để nghiên cứu sách vở, nhiều khi em đọc cả cuốn sách rồi chỉ để viết được hai câu trong bài tiểu luận”.

{keywords}

Cắm cổ học rồi chê cực nhọc sẽ không có việc như ý

Lý giải cho việc lựa chọn ngành học Tổ chức và dàn dựng sự kiện, Thái cho biết đây không còn là một ngành mới và đã trở thành một ngành “hái ra tiền” ở nước ngoài từ rất lâu rồi. Thế nhưng, ở Việt Nam thời điểm bốn năm năm trước thì tìm một nơi đào tạo bài bản về ngành này là không thể.

“Vậy nên khi trường em mở khóa đầu tiên, em đã không đắn đo nhiều mà quyết định thôi ngành Xuất bản đang học để thi lại ngành này”.

Ra trường và đi làm được một năm, Thái cho biết dù là thủ khoa thì sau khi ra trường cậu vẫn phải “rải” CV, đi phỏng vấn bình thường để được tuyển dụng như các bạn khác. Từ lúc phỏng vấn đến bây giờ đi làm, sếp và đồng nghiệp cũng chưa biết Thái từng tốt nghiệp thủ khoa.

“Ngoài kiến thức học ở trường, em còn đi làm thêm và tự học thêm tiếng Anh mới đủ khả năng vượt qua mấy vòng phỏng vấn và làm việc đến hôm nay đấy.

Nhà tuyển dụng cũng không quan tâm lắm đến việc bạn có phải là thủ khoa hay không, mà chỉ cần thấy bạn có phù hợp với vị trí công việc mà họ đang cần hay không thôi. Thành tích học tập sẽ là một điểm cộng rất lớn, sẽ góp phần “làm đẹp” CV của bạn trong quá trình tuyển dụng, tuy nhiên, phần còn lại phụ thuộc vào rất rất nhiều yếu tố khác nữa”.

Ngày đầu chính thức đi làm, Thái mang một “cảm giác khó tả”. “Đêm hôm trước em trằn trọc mãi mới ngủ được. Sáng hôm đó em dậy sớm mặc áo sơ mi trắng và đến công ty ngồi đợi".

{keywords}                

Lâu nay vẫn có nhận xét rằng việc học ở trường khác xa so với đòi hỏi khi đi làm. Tuy nhiên, Thái lại nghĩ giữa hai việc này không có khoảng cách gì lớn, vì nếu đã tập tành làm việc đúng ngành (dù là công việc nhỏ) trong thời gian đi học thì sẽ không cảm thấy bỡ ngỡ khi đi làm.

“Em nghĩ nhận định đó chỉ đúng với những ai chỉ biết học mà không chịu ra ngoài va chạm. Mình chịu khó một chút rồi mình sẽ quen, chứ nếu chỉ biết cắm cổ ngồi học mà chê công việc cực nhọc không chịu thử làm thì khó mà tìm được việc gì đúng như ý muốn của mình được”.

“Đi học thì luôn luôn phải làm đúng, còn khi đi làm, đôi khi làm “đúng” theo sách vở thì lại không thể thành công, vì phải phụ thuộc vào mong muốn của khách hàng nữa.

Không thể vì mình không làm được việc mà mình lại đổ lỗi cho nhà trường đã không dạy. Nhà trường không thể dạy hết được, muốn đi làm, buộc phải tự học thêm. Kiến thức có bao giờ là đủ”.

Thái nhìn nhận “Vừa học vừa làm luôn tốt hơn là học xong rồi mới lọ mọ đi làm, lúc đó người ta đã chạy đến đâu rồi”.

Thủ khoa tốt nghiệp Trường ĐH Văn hóa TP.HCM khóa 2011-2015
- Tốt nghiệp loại: Xuất sắc.
- Điểm tốt nghiệp: 3.68/4
- Thủ khoa đầu vào khối D Trường ĐH Văn hóa TP.HCM năm 2010.
- Thủ khoa đầu vào khối R4 Trường ĐH Văn hóa TP.HCM năm 2011.

Lê Huyền - Ngân Anh