Nỗ lực không ngừng nghỉ
Vương Đoan Bằng (SN 1987) sinh ra trong gia đình bố mẹ đều là giáo viên ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. So với bạn bè đồng trang lứa, từ nhỏ anh đã nổi bật bởi sự thông minh, nhanh nhẹn.
Có nền tảng giáo dục tốt từ gia đình, Vương Đoan Bằng ý thức được tầm quan trọng của việc học. Anh biết cách cân bằng thời gian giữa việc học, đọc sách và tham gia hoạt động khóa.
Vương Đoan Bằng thích thể thao, thường chơi bóng rổ, cầu lông tại trường. Mặc dù dành nhiều thời gian cho việc học, nhưng anh ý thức không có sức khỏe, bản thân không thể làm gì.
Cuối tuần, Vương Đoan Bằng có thói quen đạp xe đến thư viện TP mượn sách. Anh thích đọc sách Triết học phương Tây, Vật lý, Văn học hiện đại. Vương Đoan Bằng cho rằng, chỉ có sách mới truyền cảm hứng giúp anh tháo gỡ khó khăn, thay đổi góc nhìn và giải quyết vấn đề.
12 năm học, anh luôn nằm top học sinh có thành tích cao nhất của trường, lớp. Lên cấp 3, Vương Đoan Bằng đạt nhiều giải thưởng học sinh giỏi cấp tỉnh: Giải Nhất Olympic Toán quốc gia, giải Nhì Olympic Sinh học toàn quốc và giải Ba Olympic Hóa học toàn quốc… Do đó, Vương Đoan Bằng xác định rõ mục tiêu tập trung ôn thi ĐH 3 môn Toán, Lý, Hóa.
Sau khi hạ quyết tâm, anh chăm chỉ học ngày đêm. Tan học, Vương Đoan Bằng không nghỉ ngơi mà tiếp tục làm bài tập và học đến khuya. Thời gian sau, anh bị mất ngủ trầm trọng, vẫn cố chấp cho rằng chưa hoàn thiện bài tập sẽ cảm thấy không an tâm.
Vào một ngày, cơ thể có dấu hiệu ‘biểu tình’, khi anh đến lớp chân đứng không vững. Giáo viên lo lắng, khuyên Vương Đoan Bằng đừng cố quá vì sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Anh chỉ đáp lại: "Em còn nhiều thứ phải học, nếu không cố gắng sẽ muộn".
Sau đó, dưới sự hướng dẫn của giáo viên, Vương Đoan Bằng sắp xếp lịch học hợp lý và hiệu quả hơn. Điều này giúp ích cho anh trong kỳ thi tuyển sinh ĐH.
Thủ khoa đại học đạt 749/750 điểm
Năm 2004, Vương Đoan Bằng tham gia kỳ thi tuyển sinh ĐH với điểm số cao nhất tỉnh 729/750. Trong đó, anh đạt 300 điểm tổ hợp môn Tự nhiên, Toán 149 điểm, tiếng Trung 138 điểm và tiếng Anh 142 điểm.
Do đạt giải Olympic quốc gia nên Vương Đoan Bằng được cộng thêm 20 điểm, nâng tổng số lên thành 749/750 điểm. Anh trở thành thủ khoa đạt điểm cao trong lịch sử thi ĐH tại Trung Quốc. Vương Đoan Bằng chọn chuyên ngành Hóa học tại ĐH Thanh Hoa.
Sau khi tốt nghiệp ĐH, vì cảm thấy kiến thức chưa đủ, nên anh tiếp tục sang Mỹ học thạc sĩ và tiến sĩ tại ĐH Stanford. Sau khi có bằng tiến sĩ, anh được ĐH Stanford giữ lại, nhiều Viện Nghiên cứu và trường học mời về làm việc với mức lương mỗi năm hàng chục triệu USD, nhưng anh vẫn từ chối.
Trước khi về nước, anh khởi nghiệp kinh doanh và đạt được một số thành tựu nhất định. Nhưng khi sự nghiệp kinh doanh đang phát triển, Vương Đoan Bằng quyết định dừng lại về Trung Quốc. Anh gia nhập Viện Khoa học Trung Quốc, trở thành nhà nghiên cứu Hóa học Polyme ứng dụng.
Nói về lần trở lại, anh cho biết: “Đất nước cho tôi cơ hội ra nước ngoài học, nên tôi sẽ trở về để báo đáp”. "Mỗi người đều có sự lựa chọn và tôi có ánh sáng của riêng mình từng khao khát”, anh nói thêm.
Mức lương gây tranh cãi
Quyết tâm về nước cống hiến, Vương Đoan Bằng nhận được sự hưởng ứng đông đảo của người dân. Nhưng mức lương anh nhận về cũng khiến nhiều người quan tâm. Theo đó, hàng năm Vương Đoan Bằng nhận được mức lương khoảng 300.000-400.000 NDT (khoảng 980-1,3 tỷ đồng).
Sở hữu mức lương này, Vương Đoan Bằng từng trở thành chủ đề gây tranh cãi trên mạng xã hội. Báo chí cũng không ít lần tốn giấy mực bàn tán, so sánh anh với Hà Bích Ngọc - thí sinh đạt điểm tuyệt đối thi ĐH ở Trung Quốc 750/750.
Liên quan đến mức lương nhận được gây ra nhiều tranh cãi, Vương Đoan Bằng chia sẻ không hối tiếc với sự lựa chọn. Anh vui vì được sử dụng kiến thức và tài năng của mình đóng góp, xây dựng và phát triển đất nước, theo Sohu.
Trong quá trình làm việc tại Viện Khoa học Trung Quốc, Vương Đoan Bằng đạt nhiều giải thưởng danh giá như: Giải thưởng Khoa học và Công nghệ Thanh niên Trung Quốc, Giải thưởng Nhà khoa học trẻ xuất sắc của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc…
Những năm gần đây, vì để chuyên tâm vào nghiên cứu, Vương Đoan Bằng không xuất hiện trước truyền thông. Nhưng anh vẫn là tấm gương sáng được nhắc đến về học tập, nghiên cứu và sự cống hiến hết mình.