- Quy định mới về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong giáo dục được cho là sẽ khắc phục, sửa đổi những bất cập trong quy định hiện hành tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam.

{keywords}
Ông Nguyễn Xuân Vang, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế. Ảnh: Lê Văn.

Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo Nghị định Quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục sẽ thay thế Nghị định 73 ban hành năm 2012.

Theo ông Nguyễn Xuân Vang, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế cho biết, Nghị định mới sẽ khắc phục, sửa đổi những bất cập trong quy định hiện hành từ thủ tục cho tới điều kiện đầu tư nhằm tăng cường năng lực canh tranh, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các đầu tư của nước ngoài vào lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam.

VietNamNet có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Vang về những điểm mới của Nghị định mới về hợp tác, đầu tư nước trong lĩnh vực giáo dục.

Nhiều quy định thuận lợi hơn cho đầu tư

- Xin ông cho biết vì sao chúng ta phải ban hành Nghị định mới về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục trong khi quy định hiện tại mới thực hiện được 4 năm?

- Ông Nguyễn Xuân Vang: Nghị định 73 ban hành năm 2012 tới nay trải qua 4 năm thực hiện đã bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc. Chẳng hạn nhiều nhà đầu tư phàn nàn về thủ tục hành chính phức tạp hay những quy định gây khó khăn cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các trường nước ngoài dạy học sinh Việt Nam…

Chẳng hạn trong Nghị định 73 quy định cụ thể tỉ lệ học sinh Việt Nam trong các trường phổ thông nước ngoài ở các cấp tiểu học (10%) hay trung học (20%) gây khó cho các nhà đầu tư. Hay như quy định giáo viên dạy ngoại ngữ phải là tiến sĩ và có thâm niên công tác…

Bên cạnh đó, tháng 4/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19 về nhiệm vụ giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực canh tranh của Việt Nam chủ trương phải giảm bớt thủ tục hành chính, giảm bớt rườm rà.

Vì vậy, Bộ GD-ĐT được phân công chủ trì soạn thảo Nghị định mới, sửa đổi Nghị định 73 Quy định Quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Mục tiêu là sửa đổi những gì bất cập, vướng mắc, đơn giản hóa thủ tục nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các đầu tư của nước ngoài vào lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam.

- Dự thảo Nghị định mới có những quy định nào mới nhằm đạt được mục tiêu nói trên, thưa ông?

- Nghị định mới sẽ có nhiều quy định mới về quy trình cho phép thành lập, điều kiện đầu tư, từ cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên cho tới chương trình thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư.

Chẳng hạn, về quy trình cho phép thành lập, quy định hiện tại, với cả 3 loại hình cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài đều phải trải qua 3 bước. Tuy nhiên, theo quy định mới, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn hoặc các cơ sở giáo dục ngắn hạn, trường mầm non, phổ thông do cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài, tổ chức quốc tế liên Chính phủ thành lập thì chỉ cần trải qua 2 bước.

Hay về điều kiện đầu tư. Trước đây, các nhà đầu tư buộc phải bỏ tiền để xây dựng cơ sở vật chất trong khi chưa biết cơ sở mở ra có hiệu quả hay không. Theo quy định mới, các nhà đầu tư không cần đầu tư xây dựng mà có thể thuê lại cơ sở vật chất trong thời hạn là tối thiểu 5 năm ổn định. Tuy nhiên, cơ sở vật chất đi thuê cũng phải đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định tại Nghị định.

Quy định về việc tiếp nhận học sinh Việt Nam tại các cơ sở giáo dục nước ngoài cũng "cởi mở" hơn. Trước đây, cơ sở mầm non không được nhận học sinh Việt Nam. Cấp tiểu học chỉ được nhận 10% còn cấp trung học thì chỉ 20% học sinh Việt Nam trong tổng số học sinh của trường. Tuy nhiên, quy định mới đã giao quyền "tự chủ" cho các cơ sở giáo dục, cho phép các cơ sở tự quyết định tỷ lệ học sinh Việt Nam.

Tuy nhiên, quy định mới cũng nêu rõ, các cơ sở mầm non cũng như phổ thông nhận học sinh Việt Nam phải dạy những nội dung bắt buộc của Việt Nam (các môn Lịch sử, Địa lý, tiếng Việt). Nội dung này sẽ do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định.

Điểm mới ở đây là quy định "môn học bắt buộc" trước đây được thay bằng "nội dung bắt buộc", cho phép các trường quốc tế có thể linh hoạt lồng ghép các nội dung môn học, miễn là nội dung đạt được. Quy định về nội dung bắt buộc cũng được áp dụng tương tự ở bậc ĐH.

Bên cạnh đó, Nghị định mới cũng cho phép nhà đầu tư nước ngoài được phép góp vốn, mua cổ phần, nhận chuyển nhượng quyền đầu tư của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài hoặc vốn đầu tư trong nước đã được thành lập ở Việt Nam…

Điều kiện 1.000 tỷ là để nâng cao chất lượng

- Theo dự thảo thì các nhà đầu tư nước ngoài muốn mở trường ĐH tại Việt Nam phải có vốn đầu tư tối thiểu là 1.000 tỷ đồng. Xin ông cho biết căn cứ và lý do chúng ta đưa ra con số này?

- Hiện nay, Bộ GD-ĐT cũng đang dự thảo Nghị định đầu tư trong nước và cũng yêu cầu các dự án mở trường ĐH của các nhà đầu tư phải phải có tổng vốn đầu tư 1.000 tỷ, khoảng 50 triệu USD.

Khi soạn thảo, chúng tôi cũng mong muốn điều kiện đối với các nhà đầu tư nước ngoài cũng bằng với đầu tư trong nước, bên cạnh đó, một số yêu cầu sẽ cao hơn để đảm bảo chất lượng, không phải chỉ đầu tư để thu lời.

Mức đầu tư này cũng đã tham khảo thực tế để có cơ sở giáo dục ĐH ở mức vừa phải, đảm bảo chất lượng. Thực tế để mở 1 trường ĐH thì mức 50 triệu là rất ít. Những trường có đầu tư nước ngoài được đầu tư tốt tại Việt Nam như Trường ĐH Việt - Đức hay Trường ĐH KHCN Hà Nội có tổng vốn đầu tư lên tới 200 triệu USD, gấp 4 lần quy định này.

Bên cạnh đó, điều kiện tổng số vốn 1.000 tỷ cũng không phải là phải có tiền mặt ngay lập tức mà là quá trình đầu tư từ cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, phòng thí nghiệm...

{keywords}
Trường ĐH RMIT, một trong những trường ĐH có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Ngoài quy định về vốn đầu tư, để nâng cao chất lượng, điều kiện về đội ngũ nhà giáo đối với các dự án đầu tư mở trường ĐH cũng nâng cao hơn. Chẳng hạn trước đây quy định tỉ lệ tiến sĩ trên giảng viên của các cơ sở ĐH có vốn nước ngoài chỉ là 35% thì nay tăng lên 50%. 

- Nghị định mới có những quy định nào về chế tài xử lý các cơ sở, đơn vị vi phạm trong quá trình hoạt động cũng như bảo vệ quyền lợi cho người học, thưa ông?

- Nghị định mới chỉ quy định các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài, chương trình liên kết hợp tác với nước ngoài chịu sự thanh kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền Việt Nam. Chế tài xử lý các vi phạm này được quy định riêng tại Nghị định số 138 năm 2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.

Đối với vấn đề bảo vệ quyền lợi cho học sinh, sinh viên, Nghị định mới đã bổ sung quy định trách nhiệm của các bên trong các chương trình liên kết đào tạo. Trong trường hợp vi phạm, các chương trình liên kết đào tạo bị đình chỉ thì phải bồi hoàn kinh phí cho người học nếu người học không chuyển sang nơi khác học hoặc không muốn chuyển sang.

Như vậy, khác với quy định cũ, nếu như chương trình bị đình chỉ vì vi phạm mà người học không muốn chuyển sang chương trình khác thì cơ sở giáo dục đó vẫn phải bồi hoàn. Quy định như vậy chặt chẽ hơn và cũng sát với thực tế hơn.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Lê Văn (thực hiện)