Kỹ sư công nghệ bỏ phố về quê khởi nghiệp
Những ngày cuối năm, tiết trời Khánh Hòa nắng ấm, Đặng Thế Truyền dậy khá sớm cùng các cộng sự tất bật chuẩn bị trưng bày các sản phẩm chế biến từ xoài ở đường Đinh Tiên Hoàng, xã Cam Hải Tây, huyện Cam Lâm, phục vụ khách dịp Tết.
Lấm tấm mồ hôi, Truyền cầm trên tay các sản phẩm làm từ xoài được thái mỏng, vàng rộm, đựng trong hộp trông bắt mắt, giới thiệu khi có người ghé tới. “Đây là thành quả sau những ngày tìm tòi của mình với những người bạn để những sản phẩm xoài ngon nhất tới người dùng”, Truyền nói.
Truyền, 32 tuổi, tốt nghiệp ngành Công nghệ Thông tin ở TP.HCM năm 2013. Nhà cậu có hai anh em, cha mẹ mở quán cơm cạnh quốc lộ 1 ở huyện Cam Lâm. Mỗi lần về quê, Truyền thấy người dân nơi mình sống gặp khó khăn khi xoài được mùa thì rớt giá, khó tiêu thụ, phải bán tháo. Nhiều chủ vườn rầu rĩ vì xoài chín rụng, nằm đầy gốc. Trong khi, địa phương này được xem là thủ phủ xoài với hơn 6.000ha, lớn nhất cả tỉnh.
Khi trở lại TP.HCM làm việc, Truyền trăn trở mãi với suy nghĩ cần làm điều gì đó để phát triển kinh tế địa phương, đồng thời giúp nông dân trồng xoài tiêu thụ được. Do đó, cậu nảy ra ý định về quê khởi nghiệp, năm 2020.
Tuy nhiên, về quê trình bày ý tưởng với người thân, Truyền bị chỉ trích. Mọi người bảo, cho cậu ăn học để kiếm được việc làm ở thành phố, đằng này quay về quê làm xoài, chẳng khác gì “đốt tiền”.
Chưa kể, Truyền vừa lập gia đình chưa được bao lâu, vợ quê tận Tây Ninh. Công việc của anh đúng chuyên ngành, thu nhập lại khá ổn định. Nhưng nghe cậu giải thích, dần dần Truyền được người thân ủng hộ. "Tôi sinh ra, lớn lên ở vùng quê này, từ nhỏ mọi thứ đã gắn liền với tuổi thơ, nhất là trái xoài, nên tôi mong muốn phát huy nghề của quê hương", anh chia sẻ.
Mạnh dạn vay tiền làm xoài sấy muối ớt
Trong những lần rong ruổi ở địa phương, Truyền tình cờ gặp Nguyễn Thành Hoàng và Nguyễn Thanh Phong (31-32 tuổi). Nghe bạn chia sẻ về công việc cũng như mong muốn, cả hai đều hứng thú vì chung ý nghĩ. Họ thành lập một nhóm cùng thực hiện những dự định trong tương lai.
Nguyễn Thành Hoàng cho hay, ngoài xoài, nơi anh sinh ra có nhiều nét văn hóa, ẩm thực, địa điểm du lịch,... song chưa được nhiều người biết tới. Sau nhiều khảo sát, nghiên cứu, họ quyết định áp dụng những thành quả từ “cách mạng công nghệ 4.0” để tương tác, phát triển dựa trên nền tảng này.
Có thế mạnh là am hiểu về lĩnh vực công nghệ, cả nhóm vạch ra kế hoạch. Bước đầu, tạo cộng đồng online kết nối các điểm ăn uống, du lịch, di tích văn hóa,... giúp mọi người biết và hoạt động miễn phí. Sau thời gian cần mẫn, cả ba lập nhóm camlamonline do Truyền làm trưởng nhóm, rồi cùng nhau xây dựng web, đi các nơi chụp ảnh, quay video đăng tải giới thiệu. Số lượng người vào tăng lên, trở thành địa chỉ tin cậy.
Không dừng ở đó, năm 2020, thấy người dân trồng xoài bán theo kiểu truyền thống nên khó tiếp cận được nhiều người. Cả nhóm nghiên cứu, thí nghiệm làm xoài sấy muối ớt. Ban đầu, họ gặp khá nhiều khó khăn vì đây là sản phẩm mới, chưa nắm rõ kỹ thuật xử lý nên thất bại nhiều lần và mất vốn.
Tuy vậy, cả ba không nản chí mà vay tiền của gia đình, ngân hàng tiếp tục nghiên cứu, khắc phục hạn chế, như độ cay mặn của muối ớt, xử lý để bảo quản được lâu, tránh hư hỏng, đảm bảo được chất dinh dưỡng... cũng như ổn định nguồn nguyên liệu.
Đáp lại những nỗ lực không ngừng nghỉ, thành công rồi cũng mỉm cười với 3 chàng trai khi sản phẩm xoài sấy muối ớt ra đời, được mọi người đón nhận. Sau đó, sản phẩm được bán trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn. “Đây cũng là bước đệm quan trọng để thương hiệu xoài Cam Lâm vươn xa”, Phong nói. Từ đó, cả nhóm đưa sản phẩm lên các trang mua bán online, mạng xã hội để nhiều nơi biết tới đặc sản địa phương.
Ngoài ra, nhóm chú trọng vào nhận diện thương hiệu, đầu tư bao bì, nhãn mác để hướng sản phẩm đến khách du lịch, dùng làm quà tặng trong các dịp lễ, Tết... Mỗi tháng, nhóm Truyền tiêu thụ 1,5-2 tấn xoài, thu 150-200 triệu đồng, tạo việc làm cho gần 30 người và phần nào giải quyết đầu ra cho người trồng xoài.
Ngoài ra, xoài sấy muối ớt được đăng ký là sản phẩm OCOP của địa phương. Cả nhóm đã liên kết với các đơn vị trong và ngoài nước để hợp tác, khai thác du lịch trải nghiệm ở thủ phủ xoài Cam Lâm. Tới đây, camlamonline dự kiến ra mắt thêm sản phẩm mới làm từ xoài, như trà sữa, xôi xoài, trà xoài.