Tác phẩm đã được chuyển thể thành phim, kịch nói, cải lương và ở phiên bản nào cũng khiến người xem bùi ngùi xót xa cho thân phận những con người ở thời kỳ đen tối của xã hội Việt Nam cách đây 80 năm. Những con người đã từng sống dưới đáy xã hội, muốn vươn lên sống bình dị, hạnh phúc như bao người khác nhưng cái giá của tội lỗi do họ gây ra vẫn phải trả trong đau đớn.
Bỉ vỏ được nhà viết kịch Đăng Thanh chuyển thể thành vở kịch Những mảnh đời bị đánh cắp vừa được Nhà hát kịch Hà Nội đưa lên sân khấu Thủ đô tối 8/6.
Khi tấm màn nhung mở ra, cảnh gào thét ai oán của người thân Tám Bình và Năm Sài Gòn hỗn loạn. Trong khi đó, Tám Bính và Năm Sài Gòn liên tục kêu oan, đổ thừa cho số phận và những vị quan ngồi tít trên ngôi cao kia đã đẩy họ xuống vũng lầy của tội lỗi. Rồi lần lượt họ kể về cuộc đời mình, những nỗi đau liên tiếp nỗi đau, bị cuộc đời vùi dập không thể trở thành người lương thiện.
Nhân vật Tám Bính (Thu Hà đóng) thể hiện trên sân khấu không giống như những gì mà Nguyên Hồng kể về 'đàn chị Hải Phòng' đầy uy lực, tinh quái mà có phần ủy mị kín đáo và nhẫn nhịn. Tám Bính cũng 'tình' hơn thế nên dễ được người xem cảm thông hơn dù cô và đồng bọn trong lúc cướp giật đã vô tình giết chính con đẻ của mình.
Vẻ ngoài hiền lành khiến nhân vật Năm Sài Gòn (Trung Hiếu đóng) khiến mọi người lo lắng anh không tròn vai. Tuy nhiên, với giọng nói trầm ấm, cùng các động tác chững chạc, dứt khoát Trung Hiếu đã thể hiện tương đối ổn Năm Sài Gòn hào sảng đúng chất 'Anh hai Nam Bộ'.
Người xem cũng hy vọng ở nhân vật Chín Hiếc - là tay đàn em đã phản bội Năm Sài Gòn, là yếu tố xuyên suốt trong đường dây xung đột từ đầu đến cuối vở với Năm Sài Gòn thì diễn viên này đóng chưa tròn vai. Dù đạo diễn đã gảy những pha hài để cho nhân vật Chín Hiếc đỡ khô cứng nhưng quả thực diễn viên đã không thành không, biến nhân vật Chín Hiếc thành "một màu" từ đầu chí cuối.
Với đội ngũ hơn 60 diễn viên lại được chuyển thể từ tiểu thuyết dài vài trăm trang, chỉ diễn trên sân khấu có hơn 2 giờ đồng hồ thì khó tránh khỏi sự giản lược đôi khi không hề có lợi. Tâm lý nhân vật bị trôi tuột vì gần như không đủ thời gian để chuyển tải, các tình tiết diễn ra chóng vánh, sơ sài, tạo cảm giác như vở làm chưa tới.
Với những con người mà mỗi sự việc xảy đến với cuộc đời họ có sức nặng như một biến cố của thân phận như Tám Bính, Năm Sài Gòn thì thời lượng chỉ gói gọn trong vài giờ là quá ít. Nhưng nếu dài hơn thì e là khán giả không còn đủ kiên nhẫn để xem những vở kịch lê thê như trước đây. Đó cũng là cái khó của sân khấu trong thời buổi này.
Tiểu thuyết "Bỉ vỏ" của nhà văn Nguyên Hồng cho đến hôm nay vẫn còn lay động tâm hồn công chúng, vẫn như một lời cảnh báo, nhắc nhở con người, nhắc nhở xã hội, rằng chúng ta cần có trách nhiệm trước một cuộc đời, một số phận, dù có thể chưa quen biết. Nếu chúng ta sống tốt đẹp hơn, nhân ái hơn thì cuộc đời này cũng sẽ bớt đi những nỗi đau, bớt đi "những mảnh đời bị đánh cắp".
T.Lê