Sự kiện do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức ngày 12/10 với sự góp mặt các cựu sinh viên hiện là đại diện nhiều tổ chức, doanh nghiệp.
Chia sẻ về tổng thể các hoạt động của các doanh nghiệp đối với nhà trường, PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết có 35% liên quan đến đăng ký tuyển dụng, 30% là tổ chức các hội thảo về việc làm, nhưng phần liên quan đến tổ chức đưa sinh viên đến tham quan, thực tập thì không nhiều, chỉ chiếm 20%; 10% còn lại là các hoạt động về trao học bổng.
Còn khảo sát của Phòng Công tác sinh viên nhà trường cho thấy các doanh nghiệp phản hồi nhiều về việc sinh viên còn thiếu những kỹ năng về ngoại ngữ, khả năng làm việc nhóm,…
PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Thanh Hùng. |
Ông Đinh Văn Hải, Trưởng phòng Công tác sinh viên nhà trường cho rằng trong bối cảnh cạnh tranh về nguồn nhân lực, để việc đào tạo gần hơn với nhu cầu, các doanh nghiệp cũng cần tham gia sâu vào quá trình đào tạo cùng nhà trường.
“Hiện nay, doanh nghiệp cần nguồn nhân lực nhưng ở góc độ là khi sinh viên ra trường thì mới đến tuyển. Các doanh nghiệp cứ nói rằng “phải đào tạo lại” nhưng bản chất không phải vậy mà chỉ là đào tạo thích nghi thôi. Bởi mỗi doanh nghiệp một công nghệ, phương pháp riêng. Thay vì đào tạo thích nghi sau khi sinh viên tốt nghiệp thì doanh nghiệp có thể nhận thực tập, cùng với trường ĐH đào tạo để các em ra trường có thể làm được việc ngay”, ông Hải nói.
TS Võ Sỹ Nam (thành viên Viện nghiên cứu Dữ liệu lớn thuộc Tập đoàn Vingroup) chia sẻ khó khăn khi cần tuyển người cho một số dự án nghiên cứu với trình độ tiến sĩ trở lên. “Thậm chí không thể tìm được. Nguồn nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam, nhất là những ngành khá mới như công nghệ sinh học,… có vẻ chưa được chú trọng lắm. Có vẻ sinh viên cũng như xu hướng xã hội hơi tập trung quá nhiều vào AI mà bỏ qua hoặc chưa nhìn thấy tiềm năng của các lĩnh vực về công nghệ sinh học,…”
Ông Nam cho biết, dù rất có nhu cầu nhân lực chất lượng cao để làm các vị trí “đầu tàu” trong những dự án mang tính sáng tạo cao nhưng việc tìm rất khó.
TS Võ Sỹ Nam. Ảnh: Thanh Hùng |
Theo ông Nam, tiềm lực và tố chất của sinh viên Việt Nam giỏi nhưng cần phải tìm cách để giúp họ trở thành những người dẫn đầu, thực sự giỏi để đón đầu và lãnh đạo được những nghiên cứu tiên phong.
Phó trưởng ban quản lý chất lượng của Nhà máy lọc dầu Dung Quất cho hay một trong những khó khăn của các kỹ sư khi tuyển dụng vào là vấn đề về Tiếng Anh. “Đầu vào cơ bản của nhà máy chúng tôi là IELTS đạt 6.0. Do đó, trường cần tăng thời lượng học Tiếng Anh hoặc có chương trình rèn kỹ năng giao tiếp để nâng cao kỹ năng giúp sinh viên khi ra trường có thêm cơ hội”, vị này nói.
Đại diện phía Nhà máy lọc dầu Dung Quất. |
PGS.TS Tạ Hải Tùng, Viện trưởng viện Công nghệ thông tin và Truyền thông (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) cho rằng câu chuyện cần nhìn từ cả 2 phía.
Ông Tùng đặt vấn đề rằng liệu các doanh nghiệp của Việt Nam đã sẵn sàng "làm việc khó" hay vẫn chỉ mong muốn hướng tới những công việc gia công nhanh kiếm tiền mà không đầu tư để có được công nghệ lõi. “Nếu chúng tôi có đào tạo sinh viên tốt quá, chắc doanh nghiệp cũng không cần. Các anh bảo đào tạo tốt như thế, tốn kém như thế thì ra các anh cũng không trả lương được cao”.
Trong bối cảnh cạnh tranh nguồn nhân lực đến từ cả các doanh nghiệp nước ngoài, ông Tùng cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam lại tương đối thụ động. “Và đôi khi không tuyển được lại quay ra giận dỗi trường đại học", ông Tùng cho rằng điều này cần thay đổi, bởi trong bối cảnh cạnh tranh thì sinh viên ra trường hướng đến các công việc có thu nhập cao hơn ở các doanh nghiệp nước ngoài cũng là dễ hiểu.
PGS.TS Tạ Hải Tùng, Viện trưởng viện Công nghệ thông tin và Truyền thông (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội). Ảnh: Thanh Hùng |
Mặt khác, sinh viên của chúng ta thiếu rất nhiều kỹ năng để trở thành một lao động ở thị trường quốc tế.
Ông Tùng dẫn chứng mới đây có cùng với một số người bạn ở Thung lũng điện tử Silicon Valley tổ chức chương trình giới thiệu sinh viên tốt nghiệp ĐH Bách khoa Hà Nội để có thể làm việc tại đó. “Sau khi lọc ra 40 em xuất sắc nhất trong chương trình đào tạo để phỏng vấn thì chỉ được 3 em đạt yêu cầu. Bởi có bạn thuật toán tốt nhưng tiếng Anh kém, còn bạn tiếng Anh và thuật toán tốt thì lại kém kỹ năng mềm khi chả biết viết một cái thư, CV ra làm sao. Mà thực ra những kỹ năng thiếu đó không phải do tư duy các em kém, mà một phần bởi chúng ta chưa cung cấp đủ cho các em những kỹ năng đó.
Tôi hỏi, thì người bạn kể rằng khi học ở Mỹ, họ có rất nhiều khóa về khả năng lãnh đạo, kỹ năng mềm như viết CV, email, thậm chí là cách ăn uống, đi lại,… Những điều đó thực ra rất đơn giản nhưng chúng ta lại chưa chú trọng".
PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội |
PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng muốn đào tạo tất cả những năng lực tư duy, kỹ năng làm việc cho sinh viên càng cần sự vào cuộc, chung tay của các doanh nghiệp.
“Đúng là nếu một doanh nghiệp đứng ra làm có khi thiệt thòi thật, bởi bỏ tiền ra cũng phải tính đến lợi ích. Nhưng nếu nhiều doanh nghiệp cùng tham gia thì cuộc chơi sẽ khác hẳn, chất lượng sinh viên tốt hơn mà tất cả các doanh nghiệp sẽ cùng có lợi”, ông Sơn nói.
Thanh Hùng
"Tự học suốt đời quan trọng hơn văn bằng khá giỏi"
-Tuyển dụng dựa trên năng lực và thế mạnh của ứng viên, việc phân loại bằng cấp không phải là tiêu chí hay điều kiện.