Kết luận điều tra của Công an TP.HCM trong vụ án Tề Trí Dũng và đồng phạm can tội “Tham ô” và “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tại sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC), Công ty Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco) và các đơn vị liên quan, đã chỉ rõ về thương vụ mua bán rẻ 9 triệu cổ phần.

Theo hồ sơ, Công ty Sadeco là công ty con của Công ty IPC (100% vốn của UBND TP.HCM). Sadeco có vốn góp của các cổ đông Nhà nước gồm: IPC, Công ty TNHH MTV đầu tư xây dựng Tân Thuận (Công ty Tân Thuận), Văn phòng Thành ủy và các tổ chức khác.

Trước tháng 3/2015, tỷ lệ vốn góp của IPC trong Sadeco lên đến 74,8%.

{keywords}
 Vụ Công ty Nguyễn Kim mua rẻ 9 triệu cổ phần của Sadeco đã gây ra tổng thiệt hại hơn 940 tỷ đồng

Ngày 26/3/2015, IPC tiến hành bán đấu giá vốn tại Sadeco. Công ty Eximland là nhà đầu tư trúng giá mua hơn 5,2 triệu cổ phần (chiếm 30,8% vốn điều lệ trong Sadeco), với giá 26.100 đồng/cổ phần.

Nhưng ngày 12/9/2016 công ty Nguyễn Kim ký hợp đồng với Công ty Eximland mua hơn 5,2 triệu cổ phần nói trên, với giá 57.000 đồng/cổ phần, tổng giá trị hơn 287 tỷ đồng.

Có thể nói đây là thương vụ “làm ăn”… cực tốt, khi Eximland đã thu lợi nhuận gấp đôi trong thời gian ngắn.

Tại thời điểm tháng 10/2016, vốn điều lệ của Sadeco được xác định là 170 tỷ đồng, tương ứng 17 triệu cổ phần.

Trong đó, IPC chỉ còn 44%. Vốn của Thành uỷ TP.HCM chiếm 16,7%.

Nhóm cổ đông cá nhân chiếm 30,8%, tương ứng 5,2 triệu cổ phần mà công ty Nguyễn Kim mua lại từ Eximland. Đứng tên thay cho Công ty Nguyễn Kim là người nhà của ông Nguyễn Văn Kim (Chủ tịch HĐQT Công ty Nguyễn Kim) gồm: mẹ vợ, mẹ ruột và chị vợ của ông Kim. Còn lại 8,5% cổ phần Sadeco là các cổ đông khác.

Ngày 10/11/2016, Công ty Nguyễn Kim có công văn gửi Công ty Sadeco đề nghị xác lập mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai bên, thông qua hình thức tham gia mua cổ phần để trở thành cổ đông chiến lược, để hợp tác đầu tư hai dự án là dự án khu dân cư Rạch Chiếc và dự án khu phức hợp căn hộ thương mại 7B Lý Thường Kiệt, phường 8, quận Tân Bình.

Tuy nhiên, đến nay qua điều tra, cơ quan CSĐT xác định, Công ty Nguyễn Kim không có năng lực để thực hiện hai dự án trên, Nguyễn Kim không phải là chủ đầu tư mà chỉ là đối tác góp vốn.

{keywords}
 Bị can Tề Trí Dũng có vai trò chỉ mưu của vụ án

Từ các tờ trình của đại diện nguồn vốn nhà nước tại Sadeco, cuối tháng 4/2017, Văn phòng Thành uỷ TP.HCM ký tờ trình số 1148/TTr-VPTU gửi ông Tất Thành Cang, Phó Bí thư thường trực đề xuất chấp thuận chủ trương để Văn phòng Thành uỷ biểu quyết chấp thuận cho Sadeco phát hành cổ phần theo phương án 2.

Cụ thể, phương án 2 là phát hành 9 triệu cổ phần cho cổ đông chiến lược - Công ty Nguyễn Kim, giá bán 40.000 đồng/cổ phần, với tổng giá trị là 360 tỷ đồng.

Đáng nói chỉ nửa năm trước Nguyễn Kim mua 5,2 triệu cổ phần từ Eximland giá đã là 57.000 đồng/cổ phần. Nhưng lần này mua 9 triệu cổ phần thì giá chỉ 40.000 đồng/cổ phần.

Bút phê của ông Tất Thành Cang dẫn đến thiệt hại bao nhiêu?

Hai trong số các bị can của vụ án là ông Phạm Nhật Vinh (Tổng giám đốc) và Nguyễn Hữu Thành (Phó chủ tịch HĐQT Công ty Nguyễn Kim).

Hai ông này cũng là thành viên HĐQT công ty Sadeco, đã có hành vi cùng các thành viên khác biểu quyết chọn Nguyễn Kim là cổ đông chiến lược, giá bán 40.000 đồng/cổ phần.

Phạm Nhật Vinh bị Công an TP.HCM truy nã toàn quốc và đề nghị truy nã quốc tế, vì đã xuất cảnh đi nước ngoài. Công an đã ra quyết định tách vụ án hình sự đối với hành vi của ông Vinh, chờ bắt được sẽ xử lý sau.

Trong vụ án này, cơ quan điều tra xác định hành vi của ông Tất Thành Cang, khi đó là Phó Bí thư thường trực, đã bút phê “đồng ý” vào tờ trình 1148/TTr-VPTU của Văn phòng Thành uỷ như nói trên. Chính sự chấp thuận chủ trương của ông Tất Thành Cang là bảo bối để “bộ sậu” Sadeco, IPC dễ dàng phát hành, bán rẻ 9 triệu cổ phần cho Nguyễn Kim.

{keywords}
 

Tuy nhiên vai trò chủ mưu vụ án được xác định là ông Tề Trí Dũng, Tổng giám đốc và là thành viên HĐTV Công ty IPC, Chủ tịch HĐQT Công ty Sadeco. Công an cho rằng, vài trò của ông Tề Trí Dũng là xuyên suốt từ đầu đến cuối.

Tề Trí Dũng với vị trí những chức vụ quan trọng trong các công ty nói trên, đã chủ trì các cuộc họp, ký các tờ trình, công văn… đốc thúc quá trình phát hành 9 triệu cổ phiếu cho Công ty Nguyễn Kim.

Vụ án bán rẻ 9 triệu cổ phần, theo Công an TP.HCM xác định, đã gây thiệt hại hơn 940 tỷ đồng. Trong đó thiệt hại cho vốn UBND TP.HCM là hơn 413 tỷ đồng, tương đương 44% và vốn của Thành uỷ là hơn 157 tỷ đồng, tỷ lệ 16,7%. Vậy cơ sở nào để xác định những con số thiệt hại này?

Kết luận điều tra nêu, có thể sử dụng phương pháp dòng tiền chiết khấu (là phương pháp mà Công ty CP Chứng khoán TP.HCM (HSC), sử dụng để xác định cổ phần của Sadeco) và phương pháp tài sản.

Nếu sử dụng phương pháp dòng tiền chiết khấu, giá cổ phần Sadeco tại thời điểm tháng 1/2017 (thời điểm phát hành 9 triệu cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim) có giá là 86.383 đồng/cổ phần. Như thế chênh lệch là 46.383 đồng/cổ phần. Tổng thiệt hại trên 9 triệu cổ phiếu được tính là hơn 417 tỷ đồng.

Còn nếu sử dụng phương pháp tài sản theo Nghị định 95/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 thì giá cổ phần Sadeco tại thời điểm tháng 1/2017 là 144.489 đồng/cổ phần. Như vậy chênh lệch sẽ là 104.489 đồng/cổ phần. Tổng thiệt hại trên 9 triệu cổ phiếu là hơn 940 tỷ đồng.

Cơ quan tố tụng cho rằng Công ty HSC không có chức năng thẩm định giá. Phương pháp của công ty này không có căn cứ, chưa phản ánh đầy đủ giá trị thực tế của doanh nghiệp. Như vậy phương pháp tài sản được áp dụng trong việc định giá thiệt hại của vụ án.

Từ đó cơ quan tố tụng thống nhất, việc phát hành bán rẻ 9 triệu cổ phần Sadeco cho Nguyễn Kim gây ra tổng thiệt hại 940 tỷ đồng.

Ông Tất Thành Cang đổ tội, cho rằng bị lừa bằng tài liệu giả

Ông Tất Thành Cang đổ tội, cho rằng bị lừa bằng tài liệu giả

Ông Tất Thành Cang khai báo, bị lãnh đạo của Sadeco và những người đại diện vốn Thành ủy làm giả tờ trình, báo cáo không trung thực, che giấu thông tin khi xin ý kiến.

Linh An