Trà đá là thứ đồ uống giản dị rất đỗi quen thuộc với người Việt Nam, nhưng đối với tác giả Matthew Pike của trang theculturetrip.com, đây lại là một "người hùng thầm lặng".

Thứ đồ giải khát rẻ hều ở Việt Nam được người nước ngoài ca ngợi là người hùng thầm lặng - Ảnh 1.

Cụ thể, trong bài viết nói trên, anh Pike đã phân tích những lý do khiến trà đá "xứng đáng được ưa thích hơn". Theo tác giả này, "trà đá" của người Việt rất khác với quan niệm về "trà đá" của người phương Tây:

"Khi người phương Tây nghĩ đến trà đá, họ sẽ tưởng tượng đến những buổi trưa hè nóng nực và một thức uống ngọt mát, nhiều đường. Trà đá ở Việt Nam loãng và đắng hơn, tuy nó không cho chúng ta cảm giác thèm ăn như cà phê hay nước mía, nhưng điều đó không có nghĩa là nó không phải là thứ thức uống hoàn hảo của Việt Nam."

"Trà đá Việt Nam sẽ không bao giờ lỗi mốt"

Là thứ đồ uống giải khát có giá rất rẻ - chỉ vài ngàn đồng - trà đá hiện diện ở khắp mọi nơi: từ ngõ nhỏ đến phố lớn, bên cạnh những trung tâm thương mại lớn hay trong nhà hàng, quán cà phê sang trọng... Theo anh Pike, "rất nhiều nhà hàng và quán cà phê phục vụ trà đá miễn phí, nhưng nếu bạn cần trả tiền, thì hiếm khi giá tiền vượt quá 5.000 đồng".

"Ngay cả khi ngày càng nhiều em học sinh-sinh viên chuyển sang uống trà sữa trân châu, thì trà đá Việt Nam sẽ không bao giờ lỗi mốt, bởi nó thường là thứ thức uống rẻ nhất", theo anh Pike.

Thứ đồ giải khát rẻ hều ở Việt Nam được người nước ngoài ca ngợi là người hùng thầm lặng - Ảnh 2.

Tuy nhiên, giá rẻ không phải là lý do duy nhất khiến trà đá vỉa hè được ưa chuộng. Mặc dù những quán cà phê sang chảnh mọc lên như nấm nhưng những quán trà đá vỉa hè vẫn có những khách hàng thân thiết, bởi sự tiện lợi, thoải mái và thú vị chỉ có thể tìm thấy ở nơi đây.

Các quán trà đá vỉa hè hoạt động từ sáng sớm cho đến đêm khuya và đã trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày của người dân Việt Nam.

Không cần vị trí quá lý tưởng hay sắp đặt cầu kỳ, những quán trà đá hoạt động ngay trên vỉa hè: chỉ cần một ấm trà, vài chiếc cốc và vài chiếc ghế đẩu nhựa. Một số quán bán kèm cả đậu phộng, hạt hướng dương, kẹo cao su và một số loại đồ uống đóng chai khác.

Trà đá cũng rất đa năng: Nó có thể là thức uống mát lạnh sau bữa sáng để bắt đầu ngày mới, hay thứ thức uống giải khát thư giãn cho giờ nghỉ trưa tại văn phòng, hoặc để nhâm nhi thư giãn cùng bạn bè sau giờ làm việc hoặc đi chơi vào buổi tối.

Khách hàng uống trà đá vỉa hè cũng rất đa dạng: nam và nữ, già trẻ lớn bé và làm nhiều công việc khác nhau, từ nhân viên văn phòng đến nhân viên vệ sinh.

Một người lao động bận rộn lúc nào cũng có thể ghé quán trà đá vỉa hè để giải cơn khát và cơn mệt mỏi của mình. Trà đá cũng là một lựa chọn lý tưởng cho những lúc đợi chờ, hoặc khi bạn có thời gian rảnh.

Đặc biệt, việc tụ tập với bạn bè và ngắm nhìn người qua lại trên đường cũng là một thú vui đặc biệt của những người thích nhâm nhi trà đá vỉa hè. Đây cũng là nơi người ta có thể bàn tán đủ thứ, từ giá xăng dầu, cháy nhà, khủng bố, dịch bệnh, bóng đá, đến những rắc rối trong công việc, mâu thuẫn hàng xóm hay chuyện tình cảm.

Thứ đồ giải khát rẻ hều ở Việt Nam được người nước ngoài ca ngợi là người hùng thầm lặng - Ảnh 3.

Trà đá - "Người hùng thầm lặng"

Anh Tom Divers, chủ nhân trang blog Vietnam Coracle từng mô tả trà đá Việt Nam "bình dân nhưng đặc biệt, thiết thực nhưng thú vị, kỳ lạ nhưng rất giản dị, đơn giản mà tinh tế."

Đối với anh Pike, trà đá không chỉ là lựa chọn hoàn hảo để giải nhiệt cho mùa hè nóng bức, mà đó còn là một lựa chọn "lành mạnh hơn" cho cơ thể của chúng ta, nếu so với những cốc cà phê buổi sáng hay bia hơi buổi trưa.

Và một lý do đặc biệt hơn nữa, theo quan sát của anh Pike, rất nhiều quán trà đá của Việt Nam sử dụng cốc thủy tinh - một điều góp phần giảm xả thải rác nhựa ra môi trường. Anh Pike cho rằng: "mỗi ly trà đá (thủy tinh) đều có khả năng cứu thế giới khỏi một chai nhựa không cần thiết khác. Và điều đó cũng có thể được coi là một siêu năng lực."

"Trà đá luôn sẵn sàng giúp cơ thể bạn có đủ nước - và cũng luôn sẵn sàng để trở thành người hùng", anh Pike kết luận.

(Theo Tổ Quốc)