Hôm nay (23/12), TAND Hà Nội tuyên phạt Trịnh Minh Hoàng (SN 1973) và Đỗ Thị Mận (SN 1981, cùng ở quận Đống Đa) lần lượt mức án 4 năm và 36 tháng tù về tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức.

Cùng tội danh, Ngô Thị Hồng Nhung (SN 1990, ở Hoàng Mai), Nguyễn Thùy Ninh (SN 1991, ở Nam Từ Liêm) và Nguyễn Thị Huyền (SN 1992, ở Gia Lâm) nhận án từ 20- 30 tháng tù treo.

{keywords}
Các bị cáo tại tòa

Theo cáo trạng, khoảng từ năm 2007- 2019, thấy các học viên học cao học ở ĐHQG Hà Nội và những đối tượng khác có nhu cầu mua Chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Anh, Tin học giả để đủ điều kiện xét tốt nghiệp cao học, Hoàng tìm cách làm bằng giả để bán kiếm lời.

Bị cáo biết Trung tâm đào tạo tiếng Anh khoa học Jupiter có đào tạo và cấp các loại chứng chỉ nên đã lấy mẫu giấy chứng nhận tiếng Anh, Tin học của trung tâm này, chụp ảnh hình dấu tròn màu đỏ của trung tâm, scan lên máy tính cá nhân để làm giả chứng chỉ.

Hoàng đăng quảng cáo bán các loại chứng chỉ trên. Khi khách hàng đặt mua, bị cáo yêu cầu khách gửi ảnh chân dung, photo CMND và báo giá bán từ 70.000- 200.000 đồng/1 chứng chỉ ngoại ngữ giả và 50.000 đồng/1 chứng chỉ tin học giả.

Tại phòng trọ, bị cáo tự điền thông tin, giả mạo chữ ký giám đốc trung tâm.

Hoàng cũng đáp ứng yêu cầu của các khách hàng có nhu cầu mua giấy chứng chỉ tiếng Anh, tin học do các trường đại học cấp và giấy chứng nhận năng lực tiếng Anh B1. Các chứng chỉ này bị cáo mua lại của một đối tượng tên Thắng (không rõ nhân thân) rồi bán lại để hưởng lợi.

Cáo trạng cho rằng, Hoàng còn liên hệ với bị cáo Mận (giáo viên dạy tin học) để tìm khách hàng.

Từ năm 2017-2018, Hoàng đã bán cho Mận 23 giấy chứng nhận năng lực tiếng Anh B1 giả, chứng chỉ năng lực ngoại ngữ và 2 chứng chỉ tiếng Anh, tin học trình độ C.

Bị cáo Hoàng và Mận đã làm giả 27 loại giấy tờ giả, hưởng lợi tổng cộng 77 triệu đồng.

Trong vụ án này, Ninh, Nhung, Huyền bị xác định có vai trò môi giới, trung gian. Bị cáo Nhung làm giả 23 chứng chỉ giả, thu lợi 18,6 triệu đồng; Ninh làm giả 22 chứng chỉ thu lời 29,3 triệu đồng và Huyền làm giả 17 chứng chỉ thu lời 5,7 triệu đồng.

Riêng bị cáo Huyền trực tiếp đặt mua của Ninh giấy chứng nhận năng lực tiếng Anh B1 để được xét điều kiện bảo vệ luận văn tốt nghiệp hệ cao học. Ngoài ra, Huyền còn mua hộ cho các bạn học và hưởng phần chênh lệch.

Tại tòa, một vị PGS có lời xin HĐXX giảm nhẹ tội cho bị cáo Huyền. Theo lời vị PGS, bị cáo Huyền có tố chất, nghiên cứu tốt và bảo vệ thành công luận án cao học. Bị cáo có 3 công trình khoa học mà vị PGS đánh giá cao tâm huyết và nỗ lực của bị cáo.

Về năng lực tiếng Anh, bị cáo Huyền thừa khả năng thi đỗ chứng chỉ. Nhưng bị cáo đã chọn cách làm sai lầm và phải trả giá đắt.

Nghe vị PGS nói những lời xin cho mình, bị cáo Huyền khóc nấc, bày tỏ sự ăn năn hối lỗi.

Thu hồi bằng thạc sĩ của người sử dụng chứng chỉ giả

Quá trình điều tra làm rõ, có 22 học viên mua giấy chứng nhận năng lực tiếng Anh và chứng chỉ năng lực ngoại ngữ giả, sau đó nộp cho Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội). Có 1 học viên đã bỏ học và không đến làm việc với nhà trường.

Có 16 học viên đã bảo vệ tốt nghiệp và được cấp bằng thạc sĩ. Ngày 11/9/2019, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên đã xóa tên các học viên trên khỏi danh sách tốt nghiệp và thu hồi bằng thạc sĩ.

Có 5 học viên chưa bảo vệ tốt nghiệp, nhà trường đã có quyết định kỷ luật bằng hình thức đình chỉ học tập 1 năm và thông báo toàn trường.

Đối với việc mua để sử dụng Giấy chứng nhận năng lực tiếng Anh, Chứng chỉ năng lực ngoại ngữ giả của những người trên, cơ quan điều tra cho rằng, mức độ vi phạm không lớn, chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng nên không truy cứu trách nhiệm hình sự.

Yêu cầu xử lý trách nhiệm người dùng bằng giả của Đại học Đông Đô

Yêu cầu xử lý trách nhiệm người dùng bằng giả của Đại học Đông Đô

VKSND Tối cao vừa có quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ án giả mạo trong công tác xảy ra tại Trường Đại học Đông Đô Hà Nội.

T.Nhung