Sau khi bị cắn hai lần bởi 2 giống rắn độc bậc nhất hành tinh, một người đàn ông đang sinh sống tại bang Wisconsin (Mỹ) vẫn đứng vững. Video clip dưới đây sẽ lý giải vì sao.

Với nhiều người, Tim Friede giống như một gã điên. Nhưng với không ít người khác, anh ta lại là người hùng, dám liều cả mạng sống để chứng minh cho khoa học.

{keywords}

Người đàn ông không kinh qua bất cứ trường lớp khoa học chính thống nào đã tự tiêm nọc độc rắn vào người trong suốt 16 năm qua với mục tiêu: biến cơ thể mình thành miễn nhiễm trước chất độc. Trong một video do Barcroft TV tung lên mới đây, Fried đã để hai con rắn siêu độc là mamba đen và taipan cắn vào bắp tay mình.

Trong đó, mamba đen là giống rắn độc đặc hữu sống ở vùng hạ Sahara, thuộc một trong những loài rắn di chuyển nhanh nhất thế giới với tốc độ lên tới 11 km/h. Nọc độc của rắn mamba đen chứa độc tính cao, có khả năng gây bất tỉnh ở người trong vòng 45 phút hoặc ít hơn. Nếu không có chất kháng nọc độc hiệu quả để điều trị, tử vong thường xảy ra trong khoảng 7-15 giờ. Tương tự, rắn taipan là loài bản địa Úc và được xem là loài rắn độc nhất thế giới.

Thế nhưng 20 phút sau khi bị cắn bởi cùng lúc 2 con rắn, ngoại trừ một vài chỗ sưng tấy nhìn hơi đáng sợ ra thì sức khỏe của Friede dường như không gặp phải bất cứ vấn đề gì. Với chúng ta, những người chưa từng tự tiêm nọc độc rắn tới 160 lần vào cơ thể như Friede thì chỉ cần một cú táp của loài mamba đen hay taipan không thôi cũng đủ để "ra đi" trong vòng chưa đầy một giờ đồng hồ.

"Hiện tại, tôi là người duy nhất trên thế giới có thể làm được việc mà các bạn vừa chứng kiến", Friede nói trong video. "Tôi không hề nói điều đó một cách kiêu ngạo, mà tự tin là như vậy".

Trên thực tế, theo Friede, kiêu ngạo là điều nảy ra sau cùng trong ý nghĩ của anh. Điều anh làm với nọc độc rắn chỉ để chứng minh loài người hoàn toàn có thể sản xuất vaccine từ những loài rắn độc nhất hành tinh. "Tôi sẽ không dừng lại cho đến khi người ta phát triển được một vaccine như vậy, hoặc cho đến khi tôi chết", Friede tuyên bố.

Dù Friede không phải nhà khoa học, song anh đã chia sẻ các nghiên cứu của mình với nhà vi sinh học Brian Hanley của Đại học California và hy vọng có thể công bố sớm những thông tin này. Nhưng dù không phải trả giá bằng mạng sống cho sự liều lĩnh của mình, Friede đã phải đánh đổi nhiều điều khác. Vợ anh, Beth Friede, đã đệ đơn ly dị hồi tháng 10 vừa qua, chấm dứt cuộc hôn nhân kéo dài 20 năm giữa hai người. "Tôi và các con chưa bao giờ được đặt lên trước khoa học. Nhiều khi anh ta chẳng mảy may nghĩ đến chúng tôi dù chỉ một giây".

T.C