Kính thưa quý vị và các bạn!
Sau rất nhiều nỗ lực, Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) đã ký Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA). Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nói rằng hai hiệp định này là “đường cao tốc quy mô lớn đẩy nhanh hợp tác về thương mại và quy mô đầu tư giữa Việt Nam và EU.
Việc làm thế nào để tận dụng tối đa nhưng cơ hội và hạn chế những thách tức từ hai hiệp định này là câu hỏi được nhiều người quan tâm, đặt biệt là cộng đồng doanh nghiệp?
Góc nhìn thẳng đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt nam (VCCI) để tìm câu trả lời.
Mời quý vị và các bạn theo dõi video cuộc trao đổi với Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc dưới đây:
Nhà báo Như Quỳnh: Đầu tiên, ông có thể nói nhanh về sự đón nhận của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ngay sau khi hai hiệp định được ký kết?
Ông Vũ Tiến Lộc: Có thể nói đây là niềm vui của cộng đồng DNVN, có lĩnh vực chúng ta có khả năng đẩy mạnh xuất khẩu ngay lập tức sang thị trường này, và cả lĩnh vực chúng ta chưa có cơ hội. Đây chính là cơ hội tổng thể để nâng cấp nền kinh tế Việt Nam. Trong bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay, đặc biệt là 6 tháng đầu năm với rất nhiều chao đảo, bất ổn khi chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch gia tăng, thì việc ký kết những hiệp định này rất quan trọng, là niềm vui rất lớn, đảm bảo cho sự phát triển lâu dài cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Nhà báo Như Quỳnh: Theo ông , ngoài ưu đãi thuế quan, những lợi ích cơ bản khác mà hai hiệp định này mang lại cho Việt Nam là gì?
Ông Vũ Tiến Lộc: Trước hết nói về thuế quạn, ngay lập tức 70% hàng hóa xuất khẩu vào thị trường này sẽ được miễn thuế bằng 0, các dòng thuế khác theo lộ trình từ 3, 7 đến 10 năm sẽ trở về 0, trừ một số trường hợp đặc biệt. Việc chúng ta tiếp cận thị trường này không chỉ có ý nghĩa đẩy mạnh xuất khẩu, các DNVN còn có điều kiện tiếp cận hàng hóa, công nghệ, dịch vụ từ thị trường này với chất lượng tốt, giá cả thấp hơn. Điều đó giúp DNVN nâng cao được năng lực cạnh tranh. Kể cả xuất khẩu và nhập khẩu đều có lợi ích rất lớn.
Nhưng có một tác động khác tôi cho rằng quan trọng hơn. Khi làm ăn ở thị trường này, với những đối tác ở tầm thế giới, ở tầm nguồn về công nghiệp, DNVN sẽ nâng cấp được công nghệ. Đây chính là động lực quan trọng nhất giúp DNVN phát triển. Một điều vô cùng quan trọng, áp lực và động lực từ những hiệp định này để thúc đẩy chúng ta cải thiện môi trường kinh doanh. Khi chúng ta hướng theo những chuẩn mực thế giới thì môi trường kinh doanh trở nên thuận lợi, minh bạch và công bằng hơn. Điều này giúp cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính phát triển, góp sức nâng cao năng lực cạnh tranh của từng doanh nghiệp và nền kinh tế. Đó là những tác động quan trọng nhất và gốc rễ để xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp vững mạnh.
Thoáng về thể chế, nâng cấp được doanh nghiệp, đào tạo được nhân tài... là chìa khóa để tận dụng thành công các hiệp định tự do thương mại- ông Vũ Tiến Lộc nói |
Nhà báo Như Quỳnh: Cánh cửa mở ra bao giờ cũng có hai chiều, ông thấy việc mở cửa rộng rãi về thương mại và đầu tư với vài chục nước EU thì những gì là cốt lõi nhất mà chúng ta phải đặc biệt lưu ý để có những giải pháp giảm thiểu bất lợi?
Ông Vũ Tiến Lộc: Thị trường châu Âu là thị trường quan trọng cho nhiều ngành công nghiệp của chúng ta. Hiện nay chúng ta đang hướng tới cơ cấu đầu tư mới, công nghệ thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng lớn hơn. Đang có dòng chuyển giao công nghệ từ các nước láng giềng sang Việt Nam và chúng ta đều biết đó là nằm trong chiến lược thải loại công nghệ của các nền kinh tế để hướng tới công nghệ cao hơn. Công nghệ này có thể là sự phù hợp về mặt ngắn hạn với DNVN, có thể có chi phí đầu tư thấp hơn, đem lại lợi nhuận tức thời. Nhưng công nghệ thải loại như vậy sẽ kìm hãm DNVN tiếp cận những công nghệ hiện đại. Về mặt dài hạn, không đảm bảo được sự cạnh tranh của doanh nghiệp.
Để đáp ứng được chuẩn mực rất cao của thị trường châu Âu, DNVN phải nâng cấp hệ thống quản trị của mình. Hiện nay, theo khảo sát của chúng tôi và thế giới, ở góc độ quản trị, DN Việt Nam đang đứng ở hạng cuối cùng ở các nước ASEAN được khảo sát, ở vị trí đội sổ trong 6 nền kinh tế hàng đầu ASEAN. Sự yếu kém về quản trị là sự kìm hãm rất lớn đối với việc chúng ta có thể vươn lên đáp ứng các chuẩn mực của châu Âu. Cải thiện hệ thống quản trị doanh nghiệp là yêu cầu đặc biệt đối với các doanh nghiệp.
Cũng phải nói rằng điều rất quan trọng với nền kinh tế cũng như mọi nền kinh tế, quá trình hội nhập, thực hiện hiệp định thương mại tự do chỉ thành công nếu chúng ta quốc tế hóa được khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, để có thể mang lại lợi ích cho khu vực này. Nếu các DN vừa và nhỏ đứng ngoài các cơ hội, chúng ta không đem lại lợi ích cho đông đảo người lao động, người dân, chúng ta sẽ thất bại và không đạt được mục tiêu phát triển bền vững.
Nhà báo Như Quỳnh: Sau hơn chục năm hội nhập mạnh mẽ và toàn diện, ông thấy đâu là lợi thế cũng như sự trưởng thành của các doanh nghiệp Việt nam khi phải cạnh tranh trong môi trường khốc liệt hơn rất nhiều?
Ông Vũ Tiến Lộc: Xét trong toàn bộ lộ trình cải cách và đổi mới, một trong những dấu ấn quan trọng nhất là quá trình hội nhập của nền kinh tế Việt Nam, các DNVN đã hưởng lợi và trưởng thành trong quá trình này. Kết quả tăng trưởng của GDP, của xuất khẩu cho thấy các DNVN đã tận dụng được cơ hội này ở một mức độ nào đó. Các DNVN đã trưởng thành, chúng ta đã có thương hiệu, hàng hóa, doanh nhân xuất hiện trên thị trường thế giới, có được uy tín ở một số lĩnh vực. Tuy nhiên, nếu xét một cách tổng thể, chúng ta vẫn có nhiều điều nuối tiếc, đặc biệt là việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do.
Một trong những lợi ích cốt lõi của các hiệp định thương mại tự do là việc chúng ta dựa trên quy định về xuất xứ để chiếm lĩnh được thị trường, có được lợi ích kinh tế. Đối với các hiệp định thương mại tự do chúng ta đã ký kết và thực hiện trong những năm qua, mới chỉ có 40% được tận dụng. Chúng ta đã bỏ phí 60%. Trong 40% lợi ích chúng ta tận dụng được thì các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chiếm lĩnh đến 70%. Trên 70% hàng xuất khẩu Việt Nam hiện nay thuộc về FDI chứ không phải doanh nghiệp nội địa. Doanh nghiệp nội địa của chúng ta đã tận dụng quá ít những cơ hội của hội nhập, mở cửa. Hiện nay, quá trình hội nhập, mở cửa với việc dẫn dắt dòng vốn đầu tư nước ngoài Việt Nam có điểm chúng ta chưa thay đổi được, đó là tình trạng các doanh nghiệp FDI không kết nối với DNVN, không tạo ra cơ hội cho DN vừa và nhỏ. Chính vì vậy trong thời gian tới, bên cạnh việc thúc đẩy đổi mới, tiếp tục mở cửa hội nhập, có thêm nhiều hiệp định thương mại tự do, cần phải có định hướng mới cho thu hút đầu tư nước ngoài. Chúng ta qua giai đoạn thu hút đầu tư, đạt được tốc độ tăng trưởng bằng mọi giá. Đã đến lúc phải nghĩ đến chất lượng tăng trưởng, chất lượng FDI. Chính vì vậy, bên cạnh cổ vũ, thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do, là chính sách công nghiệp thong minh để lựa chọn các nhà đầu tư, không phải chỉ đầu tư nước ngoài mà còn đầu tư trong nước. Các DN trong nước khi nhập khẩu, đầu tư công nghệ cũng phải được kiểm soát theo các nguyên tắc tôi vừa nói.
Nhà báo Như Quỳnh: Ngoài những điều ông vừa nói, theo ông trong cả ngắn hạn lẫn dài hạn, các DN và cơ quan quản lý nước ta cần phải làm gì để tận dụng tốt nhất những cơ hội mở ra từ hai hiệp định này?
Ông Vũ Tiến Lộc: Tôi có nói chúng ta rất vui mừng với các hiệp định thương mại tự do. Chúng ta đã thông về thị trường, nhưng muốn tận dụng tốt các cơ hội của thị trường, chúng ta phải thoáng về thể chế. Chúng ta đang bước vào giai đoạn làm ăn với các đại dương lớn, các DN phải bơi ra biển lớn. nếu thể chế, chính sách vẫn tiếp tục bó tay, bó chân DN, DN không thể thành công được. Việt Nam sẽ chỉ là mảnh đất để FDI khai thác.
Tôi nghĩ thông thị trường, thoáng thể chế, nâng cấp được doanh nghiệp, đào tạo được nhân tài. Tôi cho rằng đây là 4 trụ cột, 4 yêu cầu cơ bản nếu chúng ta muốn tận dụng tốt nhất các hiệp định thương mại tự do, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Nhà báo Như Quỳnh: Xin cảm ơn ông Vũ Tiến Lộc về những ý kiến trao đổi thẳng thắn. Kính chào quý vị và hẹn gặp lại ở những chương trình sau.
Góc nhìn thẳng (thực hiện)