Kết quả kiểm tra, kiểm toán ở nhiều cơ sở y tế đã xác định chi phí thực tế của vật tư, hoá chất thấp hơn nhiều so với định mức, số tiền chênh lệch lên đến hàng tỷ đồng.
Còn nhiều bất cập
Bộ Y tế quy định bệnh viện không được thu thêm của người bệnh các chi phí đã tính trong giá dịch vụ nhưng không công bố các chi phi này, các cơ sở y tế không công khai những khoản nào người bệnh không phải trả tiền, khi đã vào viện người bệnh chỉ biết thanh toán theo yêu cầu của nhân viên y tế.
Kết quả kiểm tra, kiểm toán ở nhiều cơ sở y tế đã xác định chi phí thực tế của vật tư, hoá chất thấp hơn nhiều so với định mức, số tiền chênh lệch lên đến hàng tỷ đồng.
Tại văn bản số 2704/BYT-KH-TC ngày 16/5/2018, Bộ Y tế lại nêu rõ định mức không được sử dụng để làm căn cứ thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh và coi phần vật tư, hoá chất không sử dụng cho người bệnh là phần “tiết kiệm” được. Sự thiếu nhất quán giữa các văn bản cho thấy việc thanh toán theo giá dịch vụ y tế chưa rõ ràng, thiếu minh bạch, người dân đang phải trả tiền cho những dịch vụ mà họ không biết giá trị.
Tại nhiều bệnh viện tuyến dưới cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế sau nhiều năm đã xuống cấp nhưng không được bảo dưỡng, tu sửa, thế nhưng giá dịch vụ vẫn thu bằng giá của các bệnh viện tuyến trung ương.
Chất lượng dịch vụ chưa tương xứng như cam kết khi điều chỉnh từ viện phí sang giá dịch vụ y tế, giá tiền khám bệnh cao nên các cơ sở y tế tìm nhiều cách để thu hút người đến khám, theo quy trình khám bệnh của Bộ Y tế đến năm 2015 trung bình mỗi bàn khám tối đa 50 người bệnh/8 giờ tương ứng với khoảng 10 phút/lần khám bệnh nhưng có những nơi thời gian khám bệnh chỉ vài phút.
Giá tiền giường cao nên các cơ sở điều trị kê thêm giường bệnh, tăng chỉ định nội trú và giữ người bệnh ở lại bệnh viện.Buồng bệnh không lắp điều hoà hoặc có nhưng không bật, có nơi người dân phải nộp tiền khi muốn sử dụng.
Giá các dịch vụ phục hồi chức năng tăng cao nên các dịch vụ này tăng đột biến ở các cơ sở y tế. Giá xét nghiệm cao là động cơ để các cơ sở y tế tăng cường mượn máy, đặt máy và chỉ định cho người bệnh.
Theo Thông tư 15/2018/TT-BYT của Bộ Y tế, từ ngày 1/7/2018 giá tiền khám bệnh bảo hiểm y tế ở các hạng bệnh viện giảm từ 4.000 đến 5.000 ngàn đồng tương ứng với khoảng 800 tỷ đồng mỗi năm, một số dịch vụ giảm đến vài triệu đồng cho thấy những bất hợp lý, nhầm lẫn không nhỏ khi ban hành giá dịch vụ y tế, tuy nhiên vẫn còn trên một ngàn dịch vụ có giá, hàng ngàn dịch vụ áp giá tương đương chưa được rà soát, tiền giường bệnh hầu như không giảm, thậm chí lại tăng lên.
Mặt khác, số lượt trên một bàn khám tăng gấp 2 lần đồng nghĩa với việc thời gian khám bệnh sẽ chỉ còn một nửa, chất lượng khám bệnh liệu có được đảm bảo.
Trong khi số lượng nhân viên y tế ở hầu hết cơ sở y tế chưa đảm bảo mức tối thiểu/giường bệnh thì Bộ Y tế lại quy định thanh toán kể cả khi cơ sở y tế kê thêm giường bệnh trên 150%, tình trạng quá tải, kê thêm giường, bắt bệnh nhân vào viện, giữ bệnh nhân nằm viện sẽ vẫn tiếp diễn. Số ca chụp phim X quang, siêu âm, chụp CT Scanner, Cộng hưởng từ đều tăng thêm tối thiểu 20% so với trước.
Người bệnh “chịu trận”
Theo một chuyên gia trong ngành y tế, thực chất Thông tư 15 vẫn không khác Thông tư 37 trước đó, nghĩa là người bệnh có bảo hiểm khi đến khám chữa bệnh sẽ có cảm giác được giảm giá, song về thực tế thì giá vẫn không thay đổi nhiều.
Cũng theo chuyên gia này, có ba điểm bất cập dễ nhìn thấy nhất trong hai thông tư nói trên:
Thứ nhất, khi xây dựng giá cho Thông tư 37 thì Bộ Y tế chỉ xây dựng giá cho bệnh viện hạng 1. Sau đó nhân tỉ lệ cho các tuyến theo các hạng bệnh viện chứ cũng không khảo sát ở các bệnh viện tuyến dưới nên họ dùng cái gì, trang thiết bị như thế nào khác rất xa so với khi đi khảo sát. Khi điều chỉnh Thông tư 15 thì Bộ Y tế vẫn sử dụng những thông tin định mức của bệnh viện tuyến đặc biệt hạng 1 của Bộ Y tế nên không phù hợp với thực tế.
Thứ hai, trong Thông tư 15, khi điều chỉnh giảm tiền khám, nhưng định mức thì lại tăng lên. Cụ thể, trong công văn số 2704 ngày 14/5/2018 có đưa ra định mức là mỗi bàn khám hạng đặc biệt là 37, 40, 42, 45. Nhưng trong Thông tư 15 lại tăng định mức lên đến mức tối thiểu là 65, nghĩa là trên 65 vẫn thanh toán. Nghĩa là nếu đặt ra định mức 37 thì mỗi bệnh nhân sẽ phải khám mất 20 phút, bây giờ tăng gấp đôi lên thì mỗi bệnh nhân chỉ còn 10 phút, thậm chí chỉ còn 5 - 8 phút để khám bệnh.
Như vậy, khi Bộ Y tế giảm giá nhưng lại tăng định mức lên, tức là số lượt khám và thanh toán tăng lên thì dẫn đến chuyện chất lượng cũng sẽ đi theo số lượng, cụ thể là chất lượng tăng thì số lượng giảm. Đấy là một cách giảm giá trên danh nghĩa nhưng mà trên thực tế thì tổng tiền vẫn không đổi. Tổng số đơn khám tăng lên trong khi tổng tiền không đổi mặc dù cứ tưởng đó là đơn giá giảm.
Thứ ba, trong kết cấu về tiền giường có những điểm không hợp lý. Ví dụ, Bộ Y tế tính chi phí cho trang thiết bị chẳng hạn, một giường bệnh khi sử dụng tính khấu hao tài sản trong vòng 5 năm, nhưng theo Thông tư 15 thì giá trị tài sản lại được khấu hao 8 năm. Đáng lí ra phải chia 8 thì ở đây Bộ Y tế lại chia 5.
Cũng theo ý kiến chuyên gia trên, trong quá trình làm giá, Bộ Y tế đã không bám sát vào thực tế các bẹnh viện hiện nay. Ví dụ như bên BHXH yêu cầu là phải thanh toán theo thực tế. Nếu như trả cho bệnh viện tuyến dưới đúng như giá của bệnh viện tuyến trên thì họ sẽ không có động lực để đầu tư trang thiết bị. Nếu như trả đúng giá của họ - tức là anh có cái gì tôi trả anh cái đấy, chi phí cái gì thì trả cái đó thì người ta sẽ phải nâng cao chất lượng lên, phải đầu tư thêm trang thiết bị.
“Do vậy, về bản chất, Thông tư 15 vừa thay thế cho Thông tư 37 cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì cả, vì cái tổng vẫn không đổi, bản chất vấn đề không đổi”, vị chuyên gia nhận xét.
Ngọc Ánh