Thông tư 06 trong lĩnh vực ngân hàng được ban hành nhằm mục tiêu áp thêm các tiêu chuẩn về an toàn vốn, nhưng có những tiêu chuẩn vừa gây khó cho cả ngân hàng và doanh nghiệp, trong khi lại chưa đảm bảo mục tiêu an toàn vốn. Bài viết này phân tích ba điểm nghẽn có lẽ là lớn nhất của Thông tư này.
Hạn chế doanh nghiệp Việt Nam góp vốn
Thông tư 06/2023/TT-NHNN sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/09/2023, trong đó đáng quan ngại là các quy định tại khoản 2 Điều 1 sửa đổi điều 8 của Thông tư 36 bổ sung thêm các trường hợp tổ chức tín dụng không được cho vay vốn.
Việc hạn chế này gây hệ lụy không nhỏ đến các doanh nghiệp đang trong giai đoạn phát triển, trong đó có các doanh nghiệp bất động sản do không thể tiếp cận vốn để tiếp tục triển khai dự án hay phát triển dự án mới.
Theo quy định này, tổ chức tín dụng không được cho vay để thanh toán tiền góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của công ty cổ phần chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom”.
Theo tôi hiểu quy định này của ngân hàng nhà nước quan ngại về kinh nghiệm sở hữu chéo ngân hàng trước đây: các cổ đông vay tín dụng ngân hàng này để góp vốn vào ngân hàng khác đến đến nay chưa giải quyết xong hoàn toàn.
Tuy nhiên, vì sao thông tư 06 chỉ cho phép vay để góp vốn đối với công ty cổ phần niêm yết trên thị trường chứng khoán?
Việc này sẽ hạn chế việc doanh nghiệp vay để góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp.
Quy định này hạn chế khả năng thực hiện quyền tham gia đầu tư của các nhà đầu tư Việt Nam ngay ở giai đoạn ban đầu, theo đó có thể làm mất cơ hội của doanh nghiệp được tham gia đầu tư ở giai đoạn sớm vào các dự án khả thi, có hiệu quả, đồng thời cũng hạn chế khả năng thu hút, kêu gọi vốn sớm để có thể triển khai được các dự án của chủ đầu tư.
Hạn chế này cũng làm giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trên sân nhà khi mà các nhà đầu tư nước ngoài không bị hạn chế sử dụng vốn vay từ ngân hàng để làm vốn góp ban đầu.
Tôi đề xuất xem xét bỏ điều hạn chế này.
Không nhiều nhà đầu tư đáp ứng điều kiện vay
Nội dung 2: Tổ chức tín dụng không được cho vay để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật tại thời điểm tổ chức tín dụng quyết định cho vay.
Người đọc thấy ngay vấn đề câu chữ không ổn "đủ điều kiện kinh doanh" theo Luật kinh doanh bất động sản nghĩa là kinh doanh bất động sản, tức là khi đã xây xong, bán sản phẩm. Còn Thông tư quy định đủ điều kiện kinh doanh có lẽ hàm ý đủ điều kiện pháp lý để mở bán sản phẩm.
Đây là điều ngân hàng nhà nước đã đồng ý sẽ sửa để phù hợp với cách hiểu của luật pháp về kinh doanh bất động sản: chỉ cần nêu rõ điều kiện cho vay là được cấp đủ các loại giấy phép theo quy định (quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng, và các yêu cầu theo luật kinh doanh bất động sản như xây xong phần móng, cơ sở hạ tầng...).
Nếu phân tich kỹ chúng ta thấy quy định trong nội dung 2 chưa đồng bộ, thống nhất với Điều 55 và Điều 57 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 quy định phải đảm bảo “điều kiện của bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh” thì mới được giao dịch và thực hiện “thanh toán trong mua bán, thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai”.
Bởi lẽ, sau khi chủ đầu tư đã bỏ ra một khoản tiền rất lớn để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của dự án và đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền “chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp phép xây dựng” thì đây là thời điểm mà chủ đầu tư có nhu cầu vay vốn tín dụng để đầu tư xây dựng các hạng mục công trình của dự án, nhưng tại thời điểm này thì dự án đã có hồ sơ pháp lý nhưng “chưa đủ điều kiện đưa vào kinh doanh”.
Do vậy, khoản 9 Điều 8 Thông tư 39/2016/TT-NHNN (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 Điều 1 Thông tư 06/2023/TT-NHNN) chưa tạo điều kiện cho chủ đầu tư dự án bất động sản được hợp tác với các nhà đầu tư do mặc dù dự án đã có “quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư” hoặc “Giấy phép xây dựng” và đây cũng là lúc mà chủ đầu tư có nhu cầu hợp tác với các nhà đầu tư thứ cấp.
Không chỉ tác động đến lĩnh vực bất động sản, quy định này còn tác động tiêu cực lớn hơn cho đầu tư phát triển vì điều cấm này áp dụng cho mọi dự án đầu tư, trong đó có các dự án PPP hạ tầng, điện, nhà ở xã hội…
Khi các dự án này đã đủ điều kiện đưa vào kinh doanh, tức là doanh nghiệp đã chuẩn bị có thu từ dự án. Ví dụ dự án điện là khi đã hoàn công, đấu nối, phát thử nghiệm xong, đã có giá bán điện, thì thực tế bản thân chủ đầu tư không còn mục đích huy động vốn để thực hiện dự án đầu tư nữa.
Thông thường đến khi đó, có thể chủ đầu tư có phát sinh nhu cầu huy động vốn để bù đắp tài chính cho các khoản đã đầu tư thực hiện dự án, hoặc tìm được bên thứ 3 mong muốn được góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án. Tuy nhiên, khi đó các bên này cũng mất mục đích vay để thực hiện dự án đầu tư vì dự án đã hoàn thành.
Điều cấm này đặt ra khả năng duy nhất cho các dự án là chủ đầu tư phải có đủ năng lực và tự mình vay vốn để thực hiện dự án, hoặc bên thứ ba khác nếu có đủ năng lực thì huy động vốn của nước ngoài để có thể tham gia góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh phát triển dự án.
Như vậy, có thể thấy rõ khả năng phát triển, triển khai các dự án đầu tư sẽ bị ảnh hưởng và kéo dài vì số lượng nhà đầu tư đáp ứng điều này ở Việt Nam hiện không nhiều. Mà tình trạng này phổ biến không chỉ trong ngành điện.
Vì vậy, theo tôi cần kiến nghị bãi bỏ khoản 9 điều 8.
Không được vay để bù đắp tài chính thì không ai có thể vay được
Nội dung 3: Tổ chức tín dụng không được cho vay để bù đắp tài chính, trừ trường hợp đáp ứng đủ 2 điều kiện, trong đó có điểm (a) khách hàng đã ứng vốn của chính khách hàng để thanh toán, chi trả chi phí thực hiện dự án hoạt động kinh doanh, mà các chi phí thực hiện dự án hoạt động kinh doanh này phát sinh dưới 12 tháng tính đến thời điểm tổ chức tín dụng quyết định cho vay;
Có ý kiến cho rằng ngân hàng nhà nước quy định không sai vì điều này phù hợp với bản chất của tín dụng ngân hàng thương mại là ngắn hạn (dưới 12 tháng). Nếu trên 12 tháng là vay trung dài hạn và có hạn chế tỷ lệ huy động ngắn hạn cho vay dài hạn. Ở đây có thể linh động được nếu ngân hàng cho vay vẫn duy trì được tỷ lệ an toàn theo quy định.
Tuy nhiên, theo tôi, việc hạn chế này là quy định hành chính không phù hợp nguyên tắc thị trường. Việc này nên để ngân hàng và khách hàng tự thỏa thuận, thống nhất theo thông lệ phổ biến của thị trường. Hoặc theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, trong thực tế các dự án đều bị “vướng mắc pháp lý” hiện nay, nên quy định thời hạn “dưới 36 tháng” hợp lý hơn.
Cần bãi bỏ 2 quy định
Trong bối cảnh kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp trầm lắng, việc “cắt đứt” nguồn vốn tín dụng ngân hàng sẽ chỉ khiến toàn bộ các đối tượng tham gia thị trường bất động sản thêm điêu đứng, kéo theo sự trì trệ của nhiều ngành nghề liên quan khác. Do đó, quyết định của Thủ tướng chỉ đạo ngân hàng nhà nước phối hợp với các cơ quan chức năng phải sửa đổi thông tư 06 là rất chính xác.
Tôi cho rằng, cơ quan quản lý cần có những sửa đổi kịp thời theo hướng bãi bỏ ngay 2 quy định cấm: cho vay để thanh toán tiền góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp của công ty TNHH, công ty hợp danh; và cho vay để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh; đồng thời nâng điều khoản của quy định cho vay để bù đắp tài chính lên mốc "dưới 36 tháng".
Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện các dự án, duy trì dòng tiền và vượt qua giai đoạn khó khăn và khắc nghiệt hiện tại.
Tô Văn Trường