Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Nguyễn Văn Thơ cho hay ông hy vọng những tiếng nói tiêu cực, không có lợi cho quan hệ hữu nghị Việt - Trung , kích động hận thù dân tộc trên một số báo và trang mạng của Trung Quốc không phải là tiếng nói chính thống của Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc.

Vấn đề này được Đại sứ Thơ đề cập khi ông trả lời báo chí xung quanh chủ đề những diễn biến căng thẳng gần đây ở Biển Đông.

"Việt Nam luôn mong muốn hai bên có nhiều tiếng nói hữu nghị hơn, tích cực hơn, góp phần giải quyết những tranh chấp, bất đồng bằng thương lượng hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, góp phần đưa quan hệ hai nước phát triển ổn định và lành mạnh." - ông nói trong phỏng vấn do báo Tiền Phong ghi lại.

Điều này đã được ông đề cập trong các cuộc làm việc tại Bắc Kinh. Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc cho hay: "Tôi đã nói với phía bạn Trung Quốc về điều đó và khẳng định thông tin không đúng sự thật hoặc kích động chỉ làm phức tạp thêm tình hình".

Trong khi đó, cựu Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Tề Kiến Quốc, hiện là Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương, trong một cuộc trả lời phỏng vấn của Thời báo Hoàn cầu mới đây đã phê phán và bác bỏ chủ trương của một số người Trung Quốc muốn gây chiến tranh để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.

Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Nguyễn Văn Thơ. Ảnh: VietNamNet

Ông Tề cho biết, tại Diễn đàn Nhân dân Việt - Trung lần thứ hai, phía Việt Nam nêu lên những lo ngại về những thông tin tiêu cực về Việt Nam và quan hệ hai nước đăng trên báo chí Trung Quốc, ông đã trả lời đó không phải là báo chí chủ lưu (chính thống).

Ông cũng khẳng định những luận điệu như “dạy cho Việt Nam một bài học nữa” chỉ là “quan điểm cá nhân, không đại diện cho chính sách của Đảng và chính phủ Trung Quốc”.

Khó khăn

"Phức tạp và khó khăn" là cụm từ Đại sứ Nguyễn Văn Thơ chỉ ra cho tiến trình giải quyết tranh chấp Biển Đông giữa Việt Nam - Trung Quốc - vấn đề do lịch sử để lại lớn nhất, phức tạp và nhạy cảm nhất. 

Sau khi hai nước đạt được Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề trên biển trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tháng 10 năm ngoái, hiện hai bên đang chuẩn bị cho các vòng đàm phán về phân định ranh giới các khu vực thực sự tranh chấp liên quan đến hai bên để cùng hợp tác và phát triển.

Đại sứ Nguyễn Văn Thơ nhấn mạnh việc giải quyết các vấn đề do lịch sử để lại giữa hai nước góp phần tạo dựng môi trường quốc tế xung quanh hòa bình, thuận lợi cho công cuộc xây dựng kinh tế và bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

"Đây là một tồn tại lịch sử khách quan, chúng ta không thể né tránh, mà phải đối diện và tìm phương cách để từng bước giải quyết vấn đề này" - Đại sứ nhấn mạnh, đồng thời nêu rõ lập trường nhất quán của Việt Nam.

Đó là là các tranh chấp trên Biển Đông phải được giải quyết thông qua thương lượng hòa bình, trên cơ sở hữu nghị, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật Biển 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Nhìn toàn cục, Đại sứ Nguyễn Văn Thơ nhấn mạnh lại những nhận thức chung quan trọng, trong đó có việc xây dựng quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện trên cơ sở phương châm “16 chữ” và tinh thần “4 tốt”.

"Thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện với Trung Quốc là ưu tiên trong đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Đây là chính sách nhất quán, lâu dài của Đảng và Nhà nước ta" - ông nói.

Trong khi đó, cựu Đại sứ Tề Kiến Quốc cũng nhấn mạnh: “Hai nước Trung - Việt đều muốn khu vực này hòa bình, ổn định, đều chủ trương giải quyết tranh chấp lãnh thổ thông qua đàm phán. Cho đến nay, lập trường của Trung Quốc chưa thay đổi”.

Đề cập quá trình ông tham gia đàm phán về phân định biên giới trên bộ và trên vịnh Bắc Bộ, ông Tề khẳng định, từ khi các hiệp định được ký kết, tình hình biên giới hai nước ổn định, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, nhất là dân chúng hai bên biên giới.

Ông tin rằng, vấn đề Biển Đông dù lập trường hai bên còn khác nhau, “nhưng chỉ cần nhất trí về mục tiêu đàm phán, tức là đàm phán hoà bình, cuối cùng sẽ tìm được biện pháp giải quyết cơ bản và lâu dài mà hai bên có thể chấp nhận được”.

Kè chắn sóng trên đảo An Bang, quần đảo Trường Sa. Ảnh: Kiên Trung


Trong những diễn biến liên quan, Trung Quốc đang có những động thái liên tiếp gây phức tạp tình hình ở Biển Đông, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Tân Hoa xã ngày 1/8 cho hay gần 9.000 tàu cá đã "sẵn sàng" xuôi xuống Biển Đông vì lệnh cấm đánh bắt cá theo mùa đã chấm dứt cùng ngày.

Đêm 16/7 vừa qua, đội tàu gồm 30 tàu đánh cá đến từ tỉnh Hải Nam của Trung Quốc ngang nhiên lên kế hoạch bắt đầu hoạt động đánh bắt cá tại khu vực gần Bãi đá Chữ thập của Việt Nam.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có công hàm phản đối gửi tới Bộ Ngoại giao Trung Quốc trước việc ngày 19/7, Quân ủy Trung ương Trung Quốc chính thức quyết định thành lập “Cơ quan chỉ huy quân sự” của cái gọi là “thành phố Tam Sa,” đặt căn cứ trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, và việc ngày 21/7 phía Trung Quốc đã tổ chức bầu cử đại biểu đại hội đại biểu nhân dân khóa I của cái gọi là “thành phố Tam Sa”.

L.Thư tổng hợp