Khi người ta xây bức tường chia cắt, hãy biến nó thành biểu tượng của thống nhất trong tự do và hoà bình. 

Xem lại bài 1: Một phần tư thế kỷ, thăm lại ‘vùng đất nguy hiểm nhất’

LTS: Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu Phần 2 bài viết của tác giả Khắc Giang, người đã có mặt và gặp gỡ một số chứng nhân lịch sử tại nước Đức vào dịp 26 năm ngày bức tường Berlin sụp đổ (9/11/1989) và một phần tư thế kỷ thống nhất nước Đức (3/10/1990).

Ossie (người Đông Đức) và Wessie (người Tây Đức)

Sau khi bức tường Berlin bị dỡ bỏ, lãnh đạo hai bên đã thoả thuận và đi đến việc kí hiệp ước thống nhất nước Đức vào ngày 31/8/1990. Theo Điều 1 của Hiệp ước, hai nước Đức đã hoà vào làm một vào ngày 3/10/1990.

Niềm vui thống nhất đi qua, nước Đức trở về với hiện thực khắc nghiệt là quá trình thống nhất không chỉ đơn giản là đập bỏ đi bức tường.

Về mặt đối ngoại, các quốc gia láng giềng, như Anh và Pháp, lo sợ rằng bóng ma phát xít Đức sẽ trở lại. Sự ủng hộ bằng lời nói, vì thế, không chuyển hoá bằng những hành động cụ thể: không có một kế hoạch Marshall nào như thời hậu chiến để giúp Tây Đức vực dậy người anh em Đông Đức ốm yếu của mình. Để đổi lấy một nước Đức thống nhất, người Đức đã phải nhượng bộ khi quyết định gắn bó vận mệnh với Liên minh Châu Âu, và từ bỏ thứ “vũ khí kinh tế”  lợi hại của mình là đồng D-mark.

“Nước Đức thống nhất quá lớn để các nước láng giềng không lo lắng. Hội nhập với EU là điều không thể tránh khỏi để có một châu Âu hoà bình. Từ bỏ đồng D-mark là cách nước Đức thể hiện thiện chí với các quốc gia khác, rằng người Đức sẽ không bao giờ quay trở lại con đường bá quyền, mà sẽ gắn chặt với EU,” GS. Eckart Stratenschulte từ Viện Nghiên cứu Châu Âu tại Berlin (European Academy Berlin – EAB cho biết.

{keywords}

GS Eckart Stratenschulte. Ảnh: Khắc Giang

Về đối nội, chênh lệch kinh tế, khác biệt về mọi mặt khác của xã hội, khiến cho quá trình thống nhất nước Đức hết sức khó khăn và phức tạp. Nguyên thủ tướng Đức Willy Brandt nói thống nhất là quá trình đưa những mảnh ghép “thuộc về nhau phát triển cùng nhau”. Nhưng sau 50 năm xa cách, hai nước Đức gần như phát triển thành hai dân tộc khác biệt với nhau.

Ở Berlin, ngay sau ngày 3/10/1990, toà thị chính có hai nhóm người làm việc cùng nhau: công chức của Tây Berlin và Đông Berlin. Sau những cái bắt tay đầu tiên, họ mới nhận ra rằng để dung hoà cung cách làm việc bao cấp của Đông Đức vào chính quyền mới là không dễ dàng. Gần như tất cả những nhân viên Đông Đức trong bộ máy hành chính được giữ lại đều phải đào tạo lại, và cần có thêm một nhân viên Tây Đức kèm cặp theo kiểu cầm tay chỉ việc.

“Điều này, dẫu là bình thường, nhưng cũng khiến người Đông Đức thấy không thoải mái lắm. Họ thấy tự ti, kém cỏi hơn so với đồng nghiệp của mình trong cùng một cơ quan, và xa hơn, thấy yếu thế trong xã hội,” TS. Jurgen Danyel của Bảo tàng Lịch sử Đức, nói. Ông trước đây học ngành xã hội học, nhưng sau khi thống nhất đã chuyển sang học ngành bảo tàng, vì phương pháp nghiên cứu theo kiểu Đông Đức không tồn tại nổi ở xã hội mới. Nhưng ít ra ông còn may mắn hơn nhiều người Đông Đức khác.

Theo những thống kê của chính phủ Đức, tỷ lệ thất nghiệp ở Đông Đức (cũ) luôn cao hơn gần gấp đôi so với Tây Đức. Vào năm 2014, con số này lần lượt là 9% và 5.6%. Về mức thu nhập bình quân, phía Tây cũng vượt trội hơn phía Đông sau 25 năm.

{keywords}

Phần còn lại của Berlin Wall ở Zimmerstrasse, gần Quảng trường Potsdamer Platz. Ảnh: Khắc Giang

Khó khăn nhất có lẽ là vấn đề chi phí, bởi bất kì quá trình thống nhất nào cũng có cái giá rất đắt.

Theo nhiều nguồn ước tính khác nhau, con số này có thể lên đến hơn 1.000 tỷ euro. Tuy nhiên, nói như GS. Eckart Stratenschulte, ý nghĩa chính trị nhiều khi quá lớn đến nỗi chi phí dù có lớn bao nhiêu cũng phải chấp nhận. Khi thời cơ đến thì phải nắm lấy chúng.

Và có lẽ may mắn cho nước Đức, là người dân sẵn sàng chấp nhận chi phí đó để đổi lấy một đất nước liền dải. Đến bây giờ, ở Đức vẫn còn một loại thuế gọi là “thuế đoàn kết”, tối đa đến 5,5% thu nhập của người dân và doanh nghiệp, dùng làm quỹ phát triển hạ tầng cho Đông Đức. 

{keywords}

Mühlenstrasse, con phố từng có bức tường Berlin. Ảnh: Khắc Giang

Câu trả lời của người Đức

Tháng trước, khi dự buổi lễ mừng ngày thống nhất của Đức tại Frankfurt am Main, người bạn Hàn Quốc của tôi, GS. Suh Bo Hyug, thở dài và nói không biết đến khi nào người dân Triều Tiên mới có được những giây phút như thế này. Ông nghiên cứu ngành “Thống nhất học” (unification studies), bộ môn có lẽ chỉ còn mang tính thời sự ở Hàn Quốc.  Trong ba dân tộc bị chia cắt dưới thời Chiến tranh Lạnh, chỉ còn bán đảo Triều Tiên là vẫn chia lìa đôi ngả.

Nhìn vào những người Đức trẻ tuổi hăm hở với lễ hội ánh sáng và pháo hoa, không ai còn phân biệt được đâu là Ossie và Wessie. Với nước Đức thống nhất trở thành siêu cường kinh tế và công nghệ, mức sống cao và ổn định bậc nhất châu Âu, và một đội bóng thống nhất vô địch thế giới, có lẽ người Đức bây giờ sẽ luôn biết ơn thế hệ đã xô đổ ngăn cách giữa Đông vào Tây vào đêm 9/11 lạnh giá đó.  

Lần theo tiếp vết tích từ Potsdamer Platz, bạn sẽ đi đến Mühlenstrasse, nơi phần còn lại của bức tường dài khoảng 1,5km được dựng thành khu Nghệ thuật bờ Đông (East Side Gallery), được các nghệ sĩ từ khắp nơi trên thế giới thể hiện những khát vọng hoà bình và tự do trên khoảng tường cũ. Khoảng không chết chóc trở thành không gian yên bình dọc bờ sông Spree, với những người trẻ tuổi tụ tập đàn hát trên bãi cỏ mỗi ngày nắng đẹp, đôi tình nhân selfie cạnh bức “Nụ hôn đồng chí” nổi tiếng, và những cụ già trầm ngâm dắt chó đi dạo buổi chiều tà.

{keywords}

East Side gallery - khu Nghệ thuật bờ Đông. Ảnh: Khắc Giang

Đó có lẽ là câu trả lời xác đáng nhất cho câu hỏi liệu nước Đức đã thành công với quá trình thống nhất của mình hay chưa. Khi người ta bắn một viên đạn vào bạn, hãy đáp trả lại bằng một bông hoa. Khi người ta xây bức tường chia cắt, hãy biến nó thành biểu tượng của thống nhất trong tự do và hoà bình.

Nguyễn Khắc Giang (từ Berlin và Frankfurt am Main)