Mới đây, ngày 22/11/2017 UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành Công văn số 6587/UBND-CNXD gửi các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã về việc thực hiện nghiêm túc việc sử dụng chứng thư số, chữ ký số. Văn bản này được ban hành sau khi xem xét ý kiến của Sở TT&TT về việc ứng dụng chữ ký số trong hoạt động của cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh.
Theo đó nhằm thống nhất, chuẩn hóa trong quản lý, lưu trữ, vận hành và bảo mật hệ thống văn bản điện tử, UBND tỉnh Đắk Nông yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã thực hiện một số nội dung.
Thứ nhất là các cơ quan đơn vị cần tiếp tục tổ chức phổ biến, quán triệt Quyết định số 35/2016/QĐ-UBND ngày 15/11/2016 của UBND tỉnh ban hành Quy định về việc sử dụng văn bản điện tử và hồ sơ điện tử trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn Đắk Nông và Quyết định số 37/2016/QĐ-UBND ngày 28/11/2016 ban hành Quy chế quản lý và sử dụng chữ ký số, chứng thư số trong các cơ quan nhà nước tỉnh Đắk Nông tại cơ quan, địa phương.
Thứ hai, các cơ quan đơn vị cần nêu gương đi đầu trong việc sử dụng chữ ký số trong việc ký số văn bản điện tử để gửi, nhận văn bản trên hệ thống phần mềm văn phòng điện tử của tỉnh.
UBND tỉnh Đắk Nông giao Sở TT&TT chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh thường xuyên theo dõi, báo cáo kịp thời UBND tỉnh kết quả sử dụng chứng thư số, chữ ký số trong việc ký số văn bản điện tử tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.
Như đã biết, trong Quyết định số 35/2016/QĐ-UBND mà UBND tỉnh Đắk Nông yêu cầu các cơ quan tiếp tục tổ chức phổ biến, quán triệt, việc thực hiện trao đổi văn bản điện tử trên môi trường mạng trong hoạt động cơ quan Nhà nước phải theo một số nguyên tắc.
Thứ nhất, văn bản điện tử phải được trao đổi rộng rãi thông qua phần mềm, thiết bị kỹ thuật và hạ tầng mạng đối với những cơ quan, đơn vị đã được cài đặt, thiết lập nhằm ứng dụng để khởi tạo, sử dụng, lưu trữ, gửi và nhận văn bản điện tử.
Thứ hai, cơ quan Nhà nước tham gia trao đổi văn bản điện tử phải thực hiện đúng nguyên tắc quy định theo Luật Giao dịch điện tử, Luật An toàn thông tin mạng và tuân theo các quy định khác của pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước, CNTT, viễn thông, văn thư, lưu trữ.
Thứ ba, cơ quan Nhà nước có quyền từ chối nhận văn bản điện tử trên môi trường mạng nếu độ tin cậy và bí mật thông tin của văn bản này không đảm bảo.
Và nguyên tắc cuối cùng là phương thức trao đổi văn bản điện tử trên môi trường mạng phải bảo đảm độ tin cậy, tính kịp thời, tính chính xác và an toàn, an ninh thông tin.