'Tôi nghe lãnh đạo Bộ Xây dựng nói có doanh nghiệp ngồi đây đang thực hiện cùng lúc trên 50 dự án. Tôi cũng không hiểu nếu đồng thời triển khai mấy chục dự án liền như vậy thì khi gặp khó khăn, liệu có chủ động được hay không?'
Phát biểu kết luận tại Hội nghị Tín dụng BĐS diễn ra hôm nay 08/02, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng bày tỏ lo ngại về khả năng quản trị của các doanh nghiệp BĐS.
Cảnh báo cho vay tập trung vào các doanh nghiệp sân sau
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đề nghị các tổ chức tín dụng (TCTD) chủ động kiểm soát chặt chẽ dòng tiền, đẩy mạnh cho vay người mua nhà, thu nợ người bán nhà, kiểm soát rủi ro tín dụng đối với phân khúc BĐS cao cấp đang dư thừa nguồn cung, BĐS không có nhu cầu thực, kinh doanh có tính chất đầu cơ BĐS, làm giá, lũng đoạn thị trường BĐS.
Đặc biệt, Thống đốc yêu cầu các chi nhánh NHNN các địa phương, các TCTD kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng, nhóm khách hàng lớn, khách hàng có liên quan đến cổ đông lớn, người có liên quan của cổ đông của TCTD, cho vay chéo,… cân đối tỷ trọng cấp tín dụng dư nợ BĐS một cách hợp lý, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng và sử dụng vốn, nhất là việc cấp tín dụng đối với các doanh nghiệp (DN), tập đoàn có dự án sân sau.
“Đây là điểm rất quan trọng. Các cấp có thẩm quyền Việt Nam đang tập trung chỉ đạo và rất quan tâm. Nếu như tín dụng tập trung vào các DN sân sau thì sẽ rất rủi ro. Một khi các DN đang tập trung như thế có rủi ro, sẽ là rủi ro rất lớn cho ngân hàng. Trong thời gian vừa qua NHNN, Cơ quan Thanh tra giám sát có rất nhiều cảnh báo tương tự đối với các TCTD", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết.
Bên cạnh đó, các TCTD cũng cần nâng cao xét duyệt cấp tín dụng, nhất là đối với các DN phát hành trái phiếu BĐS đến hạn thanh toán.
Để doanh nghiệp không bị động
Đối với các doanh nghiệp bất động sản (DN BĐS), Thống đốc cho biết, cơ quan điều hành sẽ áp dụng các chính sách để ổn định vĩ mô. Đôi khi những chính sách này có thể có những ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, đó là sự đánh đổi. Ở các nước khác, các DN với quy mô hoạt động lớn thường có một bộ phận theo dõi, phân tích, đánh giá diễn biến kinh tế vĩ mô. Họ đánh giá trước những xu hướng về tình hình thế giới cũng như chính sách của chính phủ, để chủ động trong kinh doanh.
“Nếu các DN của chúng ta cũng làm được như vậy thì sẽ không bị động nhiều trong việc sản xuất kinh doanh (SXKD) của mình”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói và bày tỏ lo ngại: “Tôi nghe lãnh đạo Bộ Xây dựng nói có doanh nghiệp ngồi đây đang thực hiện cùng lúc trên 50 dự án. Tôi cũng không hiểu nếu đồng thời triển khai mấy chục dự án liền như vậy thì khi gặp khó khăn liệu có chủ động được hay không? Giải pháp nào để tháo gỡ khó khăn cho tất cả các dự án đó? Cho nên khi xây dựng kế hoạch SXKD, các DN cũng cần có kế hoạch để có sự chủ động của mình. Việc này vừa tốt cho DN nhưng cũng sẽ thuận lợi cho các bộ, ngành trong đó có NHNN.”
Thống đốc bày tỏ mong muốn các DN BĐS đang phải vay vốn, nhất là những DN có hệ số đòn bẩy tài chính cao cần hết sức chú trọng quản trị dòng tiền.
“Có thể các DN có rất nhiều dự án, rất nhiều tài sản giá trị lớn, nhưng khi cần tiền ngay, việc bán đi một dự án BĐS đâu phải dễ. Cho nên DN cần xác định quản trị dòng tiền một cách rất bài bản. Vừa có tính dự báo, vừa tìm được đầu ra. Nếu huy động, chỉ cần một cá nhân đi vay 10 người, đến khi cùng lúc 10 người đòi tiền thì sẽ khó khăn, chứ nói gì đến việc DN triển khai nhiều dự án cùng một lúc.”
Để làm được điều này, bản thân các DN cần có các giải pháp đẩy mạnh, quản trị lại DN, cân đối giữa mục tiêu doanh thu, lợi nhuận và khả năng tiêu thụ sản phẩm để có năng lực tài chính và khả năng trả nợ ngân hàng.
Đồng thời DN phải nâng cao năng lực tài chính, đa dạng hoá nguồn huy động vốn, giảm phụ thuộc tín dụng ngân hàng.
“Nếu cứ phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng, trong điều kiện lạm phát cao, chính sách tiền tệ thắt chặt là DN sẽ khó khăn”, người đứng đầu ngành ngân hàng cảnh báo.
Không có room tín dụng cho BĐS
Thống đốc khẳng định NHNN không có room tín dụng cho BĐS mà chỉ định hướng chung và thông báo cho từng TCTD trên cơ sở các TCTD hoạt động lành mạnh, an toàn. Theo bà Hồng, có thể một dự án đủ điều kiện vay vốn nhưng bản thân ngân hàng không cho vay được là bởi vì nhu cầu vốn về BĐS thường là nhu cầu vốn dài hạn, giá trị lớn. Nếu như cho vay những dự án này, bản thân các ngân hàng sẽ lâm vào tình trạng không đảm bảo khả năng an toàn hoạt động.
“Trên thực tế NHNN chưa có bất kỳ văn bản nào yêu cầu thắt chặt tín dụng BĐS. Việc này hoàn toàn tuỳ thuộc việc cho vay, thẩm định của từng TCTD trên cơ sở đảm bảo an toàn cho từng TCTD và hệ thống.”
Thống đốc cũng khẳng định, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm đến việc phát triển dự án nhà ở cho công nhân, nhà ở giá rẻ, NOXH. Do đó, Thống đốc mong rằng bản thân các DN tích cực tham gia phân khúc này. Bản thân NHNN cũng sẽ ưu tiên tín dụng cho phân khúc này.