Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch WEF Borge Brende. Ảnh: TTXVN |
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định điều này khi trả lời phỏng vấn báo chí ngày 26/1 về kết quả chuyến tham dự Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum - WEF) tại Davos, Thụy Sĩ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
WEF Davos năm nay diễn ra trong bối cảnh thế giới có nhiều chuyển biến nhanh chóng, tác động không nhỏ tới các nước, trong đó có Việt Nam. Thông điệp chính mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mang tới Hội nghị lần này là gì?
Thế giới đang có những biến chuyển mới. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng quyết liệt, phức tạp, tác động nhiều chiều đến kinh tế thế giới. Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tạo nhiều cơ hội, song đặt ra nhiều vấn đề mới. Trong bối cảnh đó, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm nay đã chọn chủ đề “Toàn cầu hóa 4.0: Định hình cấu trúc toàn cầu trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, phản ánh sự quan tâm chung, không chỉ của các nhà lãnh đạo, mà của cả cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Hội nghị WEF Davos lần này với thông điệp hết sức mạnh mẽ, thể hiện khát vọng và quyết tâm của Việt Nam trở thành một “Quốc gia đổi mới sáng tạo”, một nền kinh tế liên kết sâu rộng với kinh tế toàn cầu.
Thủ tướng khẳng định, trên con tàu Cách mạng công nghiệp 4.0 và toàn cầu hoá 4.0, Việt Nam mong muốn là những hành khách đi đầu, tích cực cùng các quốc gia xây dựng một thế giới thịnh vượng. Với quyết tâm nắm bắt những cơ hội và lợi thế của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, nỗ lực vượt qua thách thức, tạo ra làn sóng đổi mới sáng tạo mạnh mẽ. Đây chính là cơ hội và thời điểm thuận lợi để các tập đoàn hàng đầu trên thế giới đến đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam và xây dựng các trung tâm sản xuất trong tương lai.
Thông điệp trên đã nhận được nhiều sự quan tâm, hưởng ứng mạnh mẽ của các bạn bè, đối tác. Chính trên tinh thần đó, Thủ tướng đã cùng với lãnh đạo các nước, các nhà quản trị, nghiên cứu hàng đầu và các tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế lớn thảo luận chia sẻ ý tưởng, giải pháp cho các vấn đề khu vực và toàn cầu; thúc đẩy hợp tác, liên kết kinh tế quốc tế, tranh thủ thêm nguồn lực cho sự phát triển bứt phá của Việt Nam thời gian tới.
Được biết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn Việt Nam có lịch trình hoạt động hết sức bận rộn, với hàng chục các hoạt động đa phương và song phương, tiếp xúc, gặp gỡ với lãnh đạo các nước, các tập đoàn hàng đầu thế giới. Các cuộc gặp gỡ tiếp xúc này đã có ý nghĩa và tác động như thế nào tới quá trình phát triển và hội nhập quốc tế của Việt Nam?
Tại Hội nghị lần này, Thủ tướng đã tham dự hàng chục hoạt động, trong đó nổi bật là Đối thoại giữa các nhà lãnh đạo cấp cao với chủ đề “Toàn cầu hóa 4.0”, Đối thoại với Chủ tịch WEF với chủ đề “Việt Nam và Thế giới”, Phiên thảo luận của các lãnh đạo cấp cao về chương trình nghị sự hành động biển…, đã làm nổi bật hình ảnh kinh tế Việt Nam năng động, cởi mở và là một điểm sáng về hội nhập và liên kết kinh tế trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ và xung đột thương mại đang gia tăng, góp phần tranh thủ tốt các cơ hội và lợi ích của hội nhập quốc tế sâu rộng.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã gặp nhiều lãnh đạo các nước và các tổ chức quốc tế để làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác này, góp phần củng cố môi trường quốc tế thuận lợi cho phát triển đất nước.
Đặc biệt, tại Hội nghị WEF Davos năm nay, Thủ tướng đã tham dự 3 hoạt động đối thoại với các tập đoàn toàn cầu thu hút sự tham dự của gần 70 tập đoàn, gặp gỡ và trao đổi riêng với gần 20 lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu thế giới như Giám đốc điều hành tập đoàn Apple, Facebook, Qualcom, Google, Siemens…
Đây đều là những doanh nghiệp trong nhóm 500 tập đoàn lớn nhất thế giới, có tiềm lực mạnh về tài chính và công nghệ. Ta đã tích cực vận động, thúc đẩy các tập đoàn này mở rộng đầu tư vào Việt Nam, qua đó góp phần tích cực nâng cao chất lượng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực tham gia sâu hơn chuỗi sản xuất toàn cầu và tranh thủ cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0.
Đáng chú ý, các tập đoàn lớn của Việt Nam như Viettel, Vingroup, FPT… cũng tích cực gặp gỡ các doanh nghiệp và đối tác quốc tế tại Hội nghị để thúc đẩy hợp tác đầu tư, kinh doanh.
Việt Nam đã phối hợp với WEF tổ chức rất thành công WEF ASEAN 2018 tại Hà Nội, tạo được dấu ấn Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Việt Nam đã tạo được những dấu ấn gì tại Hội nghị lần này?
Dấu ấn đầu tiên mà Việt Nam đã tạo ra tại Hội nghị lần này là việc Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra hai sáng kiến: (i) Sáng kiến thành lập “Diễn đàn đối tác công - tư rộng mở về ứng phó với biển đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái biển” để tăng cường chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác, chuyển giao công nghệ, huy động các nguồn lực và thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp vào bảo vệ môi trường biển; (ii) Sáng kiến về việc Diễn đàn Kinh tế thế giới phối hợp với các đối tác nghiên cứu, thúc đẩy hình thành Mạng lưới toàn cầu về chia sẻ dữ liệu biển và đại dương nhằm tăng cường chia sẻ thông tin, tri thức, dữ liệu khoa học, công nghệ biển-đại dương. Những sáng kiến này thể hiện sự đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam vào xử lý các vấn đề toàn cầu, khẳng định uy tín và vị thế của Việt Nam tại các diễn đàn đa phương và được các đại biểu đồng tình, hoan nghênh.
Dấu ấn thứ hai là việc lần đầu tiên Việt Nam và WEF phối hợp tổ chức phiên thảo luận đặc biệt về Việt Nam dưới hình thức Đối thoại được truyền hình trực tiếp giữa Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch WEF, thu hút hàng triệu người xem trên toàn thế giới. Qua buổi đối thoại này, các thông điệp mạnh mẽ của Thủ tướng Chính phủ về sự phát triển và hội nhập quốc tế của Việt Nam đã truyền tải lan rộng khắp toàn cầu.
Dấu ấn thứ ba là việc cũng lần đầu tiên Chính phủ ta chủ động đứng ra phối hợp với WEF tổ chức Đối thoại Kinh tế Việt Nam với chủ đề “Thúc đẩy sự năng động và sáng tạo trong cách mạng công nghiệp 4.0”, với sự tham dự của Giám đốc Điều hành WEF cùng hơn 30 lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu thế giới như GE, Total, Siemens, Pepsico, Procter & Gamble, Nokia, Hanwha, SAP, Prudential, Unilever, Grap, BCG, Ariston Thermo … và các tập đoàn lớn của Việt Nam. Phát huy thành công của WEF ASEAN 2018 và những thành tựu ấn tượng trong tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm qua, đây là hoạt động rất có ý nghĩa nhằm quảng bá mạnh mẽ kinh tế Việt Nam đến các tập đoàn quốc tế, củng cố niềm tin và thúc đẩy các tập đoàn lớn tăng cường đầu tư vào Việt Nam.
Dấu ấn thứ tư là việc Việt Nam và WEF đã ký 3 thỏa thuận hợp tác, trong đó đáng chú ý nhất là Thỏa thuận hợp tác xây dựng Trung tâm cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam và kết nối Trung tâm này với các Trung tâm cách mạng công nghiệp 4.0 của WEF trên thế giới. Việt Nam là nước đầu tiên ở Đông Nam Á ký Thỏa thuận này với WEF.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự WEF Davos là hoạt động đối ngoại đa phương đầu tiên của lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong năm 2019.
Chuyến đi đã thành công tốt đẹp, toàn diện về chính trị, đối ngoại và kinh tế, môi trường, thể hiện được tầm nhìn và quyết tâm của Việt Nam trong đổi mới và hội nhập, góp phần nâng tầm đối ngoại đa phương của Việt Nam, nâng cao uy tín, vị thế của đất nước, tranh thủ sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp quốc tế mở rộng hợp tác, đầu tư với Việt Nam.
Chuyến đi cũng cho thấy sự chủ động, sáng tạo và hiệu quả của các hoạt động ngoại giao phục vụ phát triển đất nước, hứa hẹn một năm 2019 với nhiều thành công trong công tác đối ngoại của nước ta./.
Bộ Ngoại giao