Khoảng nửa tháng nay, những bãi trồng nhót tại xã Dương Liễu (Hoài Đức, Hà Nội) đã bước vào vụ thu hoạch, nhót chín đỏ rực. Thế nhưng, thay vì niềm vui vì vụ thu hoạch mới thì người dân nơi đây lại chịu cảnh mất mùa, mất giá.

Cẩn thận ngồi xếp từng quả nhót chín đỏ, căng mọng vào chiếc thùng xốp để chuẩn bị cân buôn mối sỉ mà bà Lệnh Thị Tuyết ở Đội 8 xã Dương Liễu buồn thiu bởi mỗi sào nhót năm nay bà chỉ thu được khoảng 4-5 triệu đồng/sào, trong khi năm trước bà thu tới 12-13 triệu đồng do nhót mất mùa. Tính ra, vụ nhót này bà thất thu khoảng 30 triệu đồng so với năm ngoái.

Bà tâm sự, gia đình bà trồng nhót được 5 năm nay. Vào vụ thu hoạch, mỗi ngày bà thu cả triệu đồng nhờ hái nhót bán. 

{keywords}
Vài năm trở lại đây, nhót ngọt được thị trường ưa chuộng nên đã trở thành cây trồng giúp người dân xã Dương Liễu nâng cao thu nhập

Nguyên nhân là dịp đầu năm nay, đúng thời kỳ nhót ra hoa đậu quả thì gặp mưa đá rồi lại mưa to kết hợp sương muối khiến tỷ lệ đậu quả kém kéo theo sản lượng nhót sụt giảm mạnh. So với năm ngoái, sản lượng nhót chỉ đạt khoảng 2-2,5 tạ/sào, giảm khoảng 1 tạ/sào.

Chưa kể, năm nay nhót còn mất giá. Thay vì bán với giá 30.000-40.000 đồng/kg, có thời điểm còn lên đến 50.000-60.000 đồng/kgnhư vụ nhót năm ngoái thì năm nay giá nhót bán ra chỉ 20.000 đồng/kg.

Thương lái đến vườn cân mua nhót cho hay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, học sinh, sinh viên lại được nghỉ dài, dân công sở cũng hạn chế ra đường nên mặt hàng này rơi vào cảnh ế ẩm, giá giảm mạnh, bà Tuyết chia sẻ.

Là hộ có truyền thống trồng nhót đã gần 20 năm nay, ông Nguyễn Tiến Thọ ở Đội 3 (Dương Liễu) kể rằng, người dân trong vùng trồng nhót hàng chục năm nhưng trước đây chỉ trồng nhà ăn, bán không được mấy.

Khoảng 5-6 năm trở lại đây, giống nhót ngọt được thị trường chuộng mua nên giá bán tăng mạnh. Cũng bởi vậy, nhót trở thành loại cây trồng giúp người nông dân nâng cao thu nhập.

Gia đình ông Thọ có 3 sào trồng nhót, với gần 20 gốc cho thu hoạch từ 10/2 âm lịch. Thời gian chín rộ chỉ kéo dài trong khoảng 10 ngày. Hiện vườn nhót đã vãn quả, sang đến đầu tháng 3 âm lịch là hết mùa.

Tuy nhiên, số tiền ông thu được từ vụ nhót này chỉ bằng một nửa so với vụ nhót năm ngoái.

Cũng theo ông Thọ, vùng trồng nhót này trung bình mỗi nhà trồng 2-3 sào, nhà nào trồng nhiều thì khoảng 4-5 sào. Vụ nhót năm nay, các hộ trồng nhót thất thu nặng, hộ trồng nhiều thất thu cả vài chục triệu đồng so với vụ trước.

{keywords}
Năm nay các vườn trồng nhót tại xã Dương Liễu mất mùa
{keywords}
Sản lượng nhót giảm mạnh
{keywords}
Đặc biệt, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên nhót tiêu thụ chậm
{keywords}
Hiện thương lái chỉ thu mua loại nhót đẹp, nhót xấu, quả có vết bị loại bỏ
{keywords}
Thời điểm này nhót đang chín rộ, quả đỏ rực
{keywords}
Song giá nhót giảm chỉ còn 20.000-25.000 đồng/kg
{keywords}
Những quả nhót được chọn lựa, xếp cẩn thận vào thùng xốp để cân bán cho thương lái
{keywords}
Có những gia đình thất thu tới vài chục triệu vì nhót đã mất mùa lại mất giá

Nhật Thanh