Chính sách mới đối với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài cùng thân nhân về nước được kỳ vọng sẽ giải quyết 2 vấn đề nóng hiện nay: Nhu cầu tình cảm của người Việt ở nước ngoài về thăm quê hương, và hút kiều hối, đầu tư của Việt kiều về Việt Nam.

Riêng vấn đề thứ hai càng có ý nghĩa hơn trong hoàn cảnh Nhà nước đang trân trọng từng đồng vốn để phục hồi kinh tế ngay trong nạn dịch Covid này. 

Tuy nhiên, còn một nhóm nữa cũng có nhu cầu nhập cảnh Việt Nam, mà chúng tôi cho rằng khá quan trọng trong nỗ lực phục hồi, phát triển kinh tế, chưa được chính sách mới này đáp ứng. Đó là các chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài có nhu cầu làm việc với đối tác trong nước để hoàn thành các dự án đầu tư hay nghiên cứu thị trường để mở dự án mới.

Họ tiếp tục phải đáp ứng các quy định về nhập cảnh trước đây, trong đó có việc xin phê duyệt chủ trương của UBND cấp tỉnh hoặc của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương trước khi được vào Việt Nam.

Rào cản tâm lý

Trước hết, phải công nhận các chính sách siết chặt quản lý biên giới và người nhập cảnh trong thời gian đầu và giữa năm 2021 của Chính phủ Việt Nam là cần thiết và đúng đắn, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh từ bên ngoài vào, để các lực lượng tuyến đầu dồn sức chống dịch.

{keywords}
Chúng ta đang có đủ công cụ để thực hiện “mở cửa” thông thoáng hơn, đón nhà đầu tư nước ngoài

Đến thời điểm này, khi phần lớn dân số đã được tiêm chủng đầy đủ, các cơ sở y tế được giữ vững, sẵn sàng đối phó với dịch bệnh, đã đến lúc chúng ta xem xét lại các chính sách, mạnh dạn gạt ra những quy định cực đoan để mở cửa đất nước.

Có lẽ do tâm lý lo lắng của dân chúng về nguồn bệnh lan từ nước ngoài tới, mà những người Việt sinh sống, học tập, làm việc ở nước ngoài khi về nước đã từng bị người dân trong nước đối xử với thái độ tiêu cực không đúng, như trường hợp cộng đồng phản ứng quá khích đối với ca bệnh nhân số 17 hồi đầu năm 2020.

Các chính sách “cực đoan” từng có tác dụng nhất định khi trước, nay rõ ràng là không còn phù hợp nữa trong xã hội “bình thường mới”, và nên hủy bỏ khi Chính phủ có những công cụ hữu hiệu để kiểm soát dịch bệnh.

Chúng ta đang có đủ các công cụ để thực hiện “mở cửa” thông thoáng hơn đón nhà đầu tư nước ngoài. Đó là hộ chiếu vắc xin, đã được Chính phủ (qua Bộ Y tế) duyệt từ 23/12/2021. Tính đến giữa tháng này, đã có trên 10 nước công nhận hộ chiếu vắc xin của Việt Nam: Nhật Bản, Hoa Kỳ, Anh, Australia, Ấn Độ, Belarus, Campuchia, Philippines, Palestine và Maldives. Về phía Việt Nam đang tạm thời công nhận mẫu Giấy chứng nhận tiêm chủng của 79 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Công cụ thứ hai là các chuyến bay thương mại trên chặng bay quốc tế đã được cấp phép, đủ khả năng đưa các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam. Trong tháng 1, đã có hàng chục chuyến của Vietnam Airlines cất cánh tới các sân bay nước ngoài, điểm trung chuyển lớn như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Và cuối cùng, quan trọng hơn cả, là sự sẵn sàng ứng phó, là thói quen, kỷ luật chống dịch của người dân đã ngày càng tốt hơn. Chúng ta không còn bị bất ngờ, không mất bình tĩnh khi phải xử lý những đợt bùng phát của dịch.

Các nước láng giềng mở cửa cho doanh nhân thế nào?

Singapore là nước tiên phong áp dụng hộ chiếu vắc xin, rồi tạo các luồng xanh (green lane), luồng vắc xin (VTL), luồng doanh nhân BTL (business travel pass), tạo điều kiện đi lại dễ dàng cùng các ưu đãi đầu tư để qua đó thu hút doanh nhân, thu hút cơ hội đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Năm 2021, vừa chống Covid-19 vừa duy trì và phát triển kinh tế, Singapore đạt mức tăng trưởng GDP 7,2%. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng từ 21 tỷ SGD cuối 2020 lên 23 tỷ SGD vào tháng 6/2021.

Campuchia, láng giềng của Việt Nam còn “thoáng” hơn nữa. Với 82% dân số đã tiêm chủng đầy đủ, nước này tuyên bố mở cửa, đón mọi khách du lịch lẫn doanh nhân nước ngoài từ tháng 11/2021, không cách ly y tế với người đã tiêm chủng và xét nghiệm âm tính. Tăng trưởng kinh tế năm 2021 là 2,2%, đầu tư nước ngoài tăng ngoạn mục 11% so với năm 2020, lên 39 tỷ USD.

Trên thực tế, tại Singapore và Campuchia, nguy cơ lây nhiễm từ người nhập cảnh còn ít hơn tỷ lệ lây nhiễm trong nước, khi được áp dụng đầy đủ quy định xét nghiệm trước khi nhập cảnh.

Mong đợi của doanh nhân và nhà đầu tư nước ngoài

Chủ tịch một công ty phát triển năng lượng Malaysia, cũng là lãnh đạo công ty sở hữu nhà máy điện lớn nằm tại một tỉnh đồng bằng sông Cửu Long mới vận hành thương mại vào tháng 12/2021 đã gửi lời chúc mừng các vị khách quý dự lễ khai trương thông qua màn hình lớn.

Ông chia sẻ với chúng tôi rằng rất tiếc không thể tới nhà máy của mình tại Việt Nam để tự tay cắt băng khánh thành, do các quy định về an toàn phòng chống dịch, về cách ly và thủ tục nhập cảnh.  

Chủ tịch một công ty phát triển năng lượng tại Singapore đã được UBND một tỉnh phía Nam cho phép tới làm việc với đối tác Việt Nam để xây dựng nhà máy điện và xem xét đầu tư một nhà máy mới vào tháng 8/2021.

Gần 4 tháng trôi qua, ông vẫn chưa thể tới công trường vì chưa đáp ứng được hết các yêu cầu khác từ các bộ, ngành liên quan.

Ngoài quy định về thời gian cách ly bắt buộc còn dài, những yêu cầu về thủ tục khá “nghiêm khắc” đối với doanh nhân, nhà đầu tư nước ngoài như: cung cấp bằng cấp liên quan, bằng đại học, chứng minh kinh nghiệm, hợp pháp hóa lãnh sự… cộng với thời gian duyệt đơn nhập cảnh cho một chuyến công tác hay làm việc ngắn (dưới 14 ngày) đang làm nản lòng các nhà đầu tư tới Việt Nam.

Có lẽ Chính phủ cần mạnh mẽ hơn nữa trong các nỗ lực mở cửa và bình thường mới. Ngoại giao vắc xin của Việt Nam đã thành công đầy ngoạn mục. Ngoại giao thu hút đầu tư nước ngoài, FDI không có lẽ sẽ phải đi sau, phải nhường những nguồn vốn quý báu cho các quốc gia láng giềng.

Các doanh nhân Malaysia, Singapore và Nhật Bản mà tôi quen biết vẫn chờ đợi cơ hội sớm nhất được đến Việt Nam, để sớm thực hiện các kế hoạch đầu tư, làm ăn tại đây. Tôi hiểu rằng có rất nhiều người dân Việt Nam bình thường, không hề quen biết họ cũng mong chờ và sẵn sàng đón chào họ. 

Michael Nguyễn (Giám đốc điều hành công ty đầu tư hải ngoại Singapore)

Kiên trì với mở cửa và hồi phục

Kiên trì với mở cửa và hồi phục

Nghị quyết 128 chuyển trạng thái phòng chống dịch sang giai đoạn “thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh” để lại những dấu ấn tích cực lên nền kinh tế và tâm lý xã hội.