Ngày 29/5, chia sẻ tại tổ chức hội thảo “Khỏe tiêu hóa, khỏe đề kháng” hưởng ứng ngày Tiêu hóa thế giới, PGS.TS Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện dinh dưỡng Quốc, gia cho biết mỗi ngày tại Việt Nam có khoảng 40% bệnh nhân đến khám bệnh liên quan tới các bệnh tiêu hóa.
Theo chuyên gia này, hệ vi sinh đường ruột gồm vi khuẩn, virus, nấm sống dọc chiều dài khoảng 7,5m của đường ruột. Vi khuẩn ruột giúp duy trì hàng rào tiêu diệt vi khuẩn có hại, hình thành đáp ứng miễn dịch.
Vì vậy, PGS.TS Dương cho biết chế độ dinh dưỡng ảnh hưởng đến thành phần vi khuẩn đường ruột và hệ miễn dịch. Chăm sóc hệ tiêu hóa nâng cao sức khỏe cần chủ động và duy trì đều đặn hằng ngày bằng chế độ ăn uống cân đối, lành mạnh, đa dạng thực phẩm, đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng là bột đường, đạm, béo, vitamin - khoáng chất.
Cùng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, hệ tiêu hóa là nơi tiếp nhận tiêu hóa và hấp thu các dưỡng chất đi nuôi cơ thể từ các axit amin, các vi chất, chất béo, sắt, selen, vitamin A, C, D để nâng cao miễn dịch cho cơ thể.
Khi đường ruột khỏe mạnh, vi chất cũng được hấp thu đầy đủ. Hệ tiêu hóa khỏe đóng góp 70% biểu mô hệ tiêu hóa để sản sinh các kháng thể tăng cường miễn dịch, chống nhiễm trùng.
Để tăng cường hệ miễn dịch cho đường ruột, PGS Lâm cho biết cách đơn giản nhất bạn có thể làm mỗi ngày là ăn một hộp sữa chua. Khi trẻ ăn dặm, cha mẹ có thể cho con làm quen với sữa chua từ 1-2 thìa tới 1/4 hộp. Trẻ trên 1 tuổi có thể ăn 1 hộp mỗi ngày. Người trưởng thành và người cao tuổi có thể ăn 1 đến 2 hộp mỗi ngày.
Ngoài ra, vào mùa hè, các gia đình nên chú trọng đủ rau xanh, hoa quả chín, giúp tăng cường lợi khuẩn.