Sau 10 năm, tỷ lệ hút thuốc ở nam giới trên 15 tuổi của nước ta đã giảm từ 54% (năm 2013) xuống 39% (2023). Tuy nhiên, con số này vẫn còn quá cao, thuộc nhóm đầu trên thế giới. Ngoài ra, tình trạng phơi nhiễm khói thuốc lá của những người không hút, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, còn phổ biến tại những nơi công cộng. 

hut thuoc.jpg
Bỏ thuốc lá là giải pháp tốt cho sức khỏe của người hút và những người xung quanh. 

Gánh nặng bệnh tật, chi phí nặng nề

Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tổn thất kinh tế toàn cầu liên quan tới thuốc lá là 1.400 tỷ USD/năm. Sử dụng thuốc lá thải ra hàng nghìn tấn chất độc mỗi năm. 

Khi đốt, thuốc lá tạo ra hơn 7.000 hóa chất; ít nhất 69 chất có độc, nguy cơ gây ung thư. Sử dụng thuốc lá liên quan 90% số ca ung thư phổi, 75% số ca tắc nghẽn phổi mạn tính. Nghiên cứu tại Bệnh viện K (Hà Nội) cũng ghi nhận tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc chiếm 96,8%. Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan thông tin tại Việt Nam, mỗi năm có ít nhất 40.000 ca tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá. 

Không chỉ tác động tới phổi, thuốc lá gây hại cho hầu hết cơ quan dẫn tới nhiều loại bệnh khác nhau như ung thư, bệnh tim, đột quỵ, tiểu đường loại 2, lao, một số bệnh về mắt, các vấn đề về hệ thống miễn dịch, bao gồm viêm khớp dạng thấp. 

Tiếp xúc gián tiếp với khói thuốc lá cũng có thể gây bệnh tật, thậm chí tử vong. Ở người lớn, hút thuốc thụ động được ghi nhận có nguy cơ dẫn tới bệnh tim mạch vành, đột quỵ, ung thư phổi. Trẻ nhỏ hít phải khói thuốc có thể bị đột tử (trẻ sơ sinh), nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, viêm tai giữa, hen suyễn nặng hơn, các triệu chứng về hô hấp, phổi phát triển chậm lại… 

Info VNN Thuoc la.jpg
Mỗi năm, 8 triệu người trên thế giới tử vong liên quan tới khói thuốc lá.

Tác hại khôn lường của loại thuốc lá mới 

Trong khi tỷ lệ hút thuốc nói chung có xu hướng giảm thì một loại thuốc lá mới đang trở nên thu hút người trẻ. Thống kê tại 34 tỉnh thành ghi nhận tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở người trưởng thành tăng 18 lần (từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020), đặc biệt là nhóm 15-24 tuổi và có xu hướng tiếp tục tăng. 

Loại thuốc lá này thu hút giới trẻ do thiết kế bắt mắt, nhiều mùi hương khác lạ, khi hút có cảm giác nhẹ hơn loại truyền thống. 

Nhưng thực tế, thuốc lá điện tử độc hại không kém do chứa các hóa chất tạo khói, hương liệu tạo mùi. Cơ quan hô hấp và tim mạch sẽ nhận những tác hại rõ rệt nhất. Ngoài ra, một số loại thuốc lá điện tử còn được chế thêm chất ma túy gây ra hậu quả khôn lường. 

Theo thống kê sơ bộ, từ năm 2020 đến cuối năm 2023, Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) tiếp nhận khoảng 100 ca ngộ độc do sử dụng thuốc lá điện tử. Trong số đó có những bệnh nhân 18-20 tuổi đã bị đột quỵ, động kinh, nhồi máu cơ tim, tổn thương phổi nghiêm trọng. 

Phổi lành lại sau khi bỏ thuốc lá

Khi bạn ngừng hút thuốc, các tế bào phổi bị tổn thương sẽ dần được thay thế, giúp tái tạo phổi. Trên thực tế, nhiều hệ thống trong cơ thể cũng sẽ bắt đầu lành lại. Khoảng thời gian hồi phục dài hay ngắn phụ thuộc vào thâm niên hút thuốc và mức độ tổn thương của phổi. Tuy nhiên, một số vấn đề không bao giờ đảo ngược được như xơ phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. 

Nếu bạn ngừng hút thuốc trong nhiều năm, nguy cơ mắc ung thư và các tình trạng sức khỏe khác của bạn sẽ giảm hoặc thậm chí trở lại mức tương tự như người không hút thuốc. 

Cách tốt nhất để bảo đảm sức khỏe là bỏ thuốc lá nhưng đó không phải chuyện dễ dàng. Trong hành trình đòi hỏi quyết tâm đó, bạn có thể giúp cơ thể phục hồi bằng cách tập thể dục, sử dụng thực phẩm bổ dưỡng và uống nhiều nước.

Các chất gây hại trong thuốc lá: 

Tar: Tăng nguy cơ mắc bệnh khí phế thũng và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).

CO: Khí độc ngăn máu vận chuyển oxy đến các cơ quan trong cơ thể, khiến tim phải hoạt động nhiều hơn. 

Nicotine: Chất gây nghiện trong khói thuốc lá. 

Các chất độc hại khác bao gồm formaldehyde, acrolein, chì, asen và benzen...